Một quy trình công nghệ mới trong xử lý, bảo quản, đóng gói hoa lan Mokara và Đenrobium vừa được tác giả Phạm Đình Dũng, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch TP.HCM giới thiệu.
Mokara và Đenrobium là hai loại hoa lan phổ biến và được nhiều người yêu thích.
Qua áp dụng ở Nông trường Phạm Văn Cội - huyện Củ Chi - TP.HCM, cho thấy: Quy trình công nghệ này cho thời gian bảo quản của hoa lan tăng lên gấp 3-4 lần so với phương pháp bảo quản thường, tỷ lệ hư hỏng của hoa sau xử lý khoảng 2-3%.
Hoa lan sau khi được xử lý và đóng gói (Ảnh do tác giả Phạm Đình Dũng cung cấp) |
Cụ thể, sau khi phân loại, hoa được xử lý theo các bước: Ngâm vào nước ở 38 độ C trong 40 phút; cắm hoa vào dung dịch 3% đường, 4ppm chất điều hòa sinh trưởng STS để bổ sung nước và chất dinh dưỡng.
Tiếp đó, sản phẩm được đóng gói vào bao có độ dày 1mm, có đục lỗ 60 lỗ/m2 , để hở đầu trên nhằm tăng độ thoáng khí cho hoa. Sau cùng, cho hoa vào kho lạnh để làm mát sơ bộ (15-20 độ C); bảo quản lạnh ở 12-14 độ C.
Với quy trình trên, hoa Mokara được bảo quản trong 45 ngày. Đối với hoa Đenrobium là 38 ngày. Sản phẩm hoa khi đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được chất lượng tốt như: Màu sắc tự nhiên, hoa tươi, cuống vẫn xanh, bông không bị rụng....
Qua khảo sát thực tế, tác giả cho hay, hiện nay, các công nghệ xử lý, bảo quản và đóng gói các loại hoa mà các doanh nghiệp nước ngoài đưa vào khai thác là những công nghệ tiên tiến, và được bảo mật tuyệt đối, không phổ biến rộng rãi cho các cơ sở kinh doanh và trồng hoa trong vùng.
Còn tại các nhà vườn, công nghệ xử lý, bảo quản hoa nói chung rất sơ sài, thủ công, chưa thống nhất. Do đó, chất lượng hoa kém, thời gian bảo quản ngắn, nấm bệnh phát triển trong quá trình phân phối, mẫu mã bao bì xấu nên xuất khẩu hoa gặp nhiều khó khăn.
Một đại diện Sở KHCN TP.HCM nhận xét: "Với chi phí bảo quản 1.000 đồng/cành, quy trình công nghệ mới này có nhiều tính ứng dụng thực tiễn cao bởi giá thành cạnh tranh, sự tổn thất của hoa lan cắt cành ở tất cả các công đoạn được hạn chế tối đa nhất".
Theo Bee