Thủ tướng Anh Liz Truss xin lỗi vì những cải cách gây bất ổn kinh tế nhưng tuyên bố sẽ không từ chức.
[links()]
Thủ tướng Anh nói với Đài BBC ngày 17-10: "Tôi thực sự muốn nhận trách nhiệm và nói xin lỗi về những sai lầm đã gây ra. Tôi muốn hành động để giúp mọi người giảm bớt hóa đơn năng lượng của họ và đối phó với vấn đề thuế cao. Chúng tôi đã đi quá xa và vội vã".
Bà Truss nói với BBC rằng bà vẫn tin tưởng vào một nền kinh tế "tăng trưởng cao, thuế thấp", nhưng ổn định kinh tế là ưu tiên của bà với tư cách là thủ tướng.
Thủ tướng Anh Liz Truss xin lỗi vì chính sách kinh tế của mình đã gây bất ổn kinh tế. Ảnh: Reuters |
Chiến lược kinh tế của bà Truss tập trung vào việc cắt giảm thuế và tăng vay mượn của chính phủ. Những cải cách này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của công chúng, khiến đồng bảng Anh mất giá và thị trường tài chính Anh chao đảo suốt nhiều tuần qua.
Đến ngày 17-10, chính quyền của bà Truss đã hủy bỏ gần như hầu hết chính sách cắt giảm thuế công bố tháng trước, vốn là nguyên nhân khiến thị trường hỗn loạn. Trước đó, vào ngày 23-9, bà Truss và Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng đã công bố chính sách tài khóa mới trong đó có gói ngân sách 45 tỉ bảng Anh (50,4 tỉ USD) cắt giảm thuế sâu, với hy vọng động thái này có thể đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ. Ngoài ra còn có kế hoạch hỗ trợ tiền khí đốt và điện cho các gia đình và doanh nghiệp đến cuối năm 2024.
Tuy nhiên, chính sách này lại vấp phải phản ứng dữ dội từ các nhà đầu tư và khiến lãi suất vay tăng cao, khiến thị trường hỗn loạn. Mặc dù thủ tướng Anh đã sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng vào ngày 14-10 (người được cho là đứng sau chiến lược kinh tế gây tranh cãi) nhưng vẫn chưa thể xoa dịu sự tức giận của dư luận.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt. Ảnh: Guardian |
Ông Hunt đã đảo ngược hầu hết các chính sách của bà Truss. Ông Hunt cũng sẽ tăng một số loại thuế và cắt giảm chi tiêu công để mang lại sự ổn định cho thị trường tài chính và đảm bảo tăng trưởng.
Những sai lầm liên tiếp khiến vị thế của bà Truss lung lay đáng kể, một số chính trị gia đặt vấn đề rằng phải chăng bà không đủ khả năng lãnh đạo và nên từ chức. Đứng trước loạt thách thức, Thủ tướng Anh đã tuyên bố thành lập một hội đồng cố vấn kinh tế, bao gồm bốn chuyên gia bên ngoài chính phủ để nhanh chóng ổn định tình hình.
Theo
Huệ Bình/NLĐO