Tuần trước, Úc đã chọn Hàn Quốc để ký thỏa thuận quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay với một quốc gia châu Á, ngay giữa lúc quan hệ Úc - Trung Quốc căng thẳng và Bắc Kinh tiếp tục mở rộng sự hiện diện trong khu vực.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Thủ tướng Úc Scott Morrison (đứng giữa) chứng kiến ký kết thỏa thuận quốc phòng tại Canberra vào ngày 13-12 - Ảnh: AFP |
Thời điểm nhạy cảm
Theo thỏa thuận, Hàn Quốc sẽ cung cấp cho Úc 30 xe pháo tự hành, 15 xe tiếp tế đạn dược bọc thép và các thiết bị như rađa, mở đường cho sự tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước. Ngoài ra, nhà sản xuất đất hiếm ASM của Úc đồng ý đẩy mạnh xuất khẩu cho Hàn Quốc mặt hàng mà Trung Quốc đang thống trị trên toàn cầu.
"Hợp đồng với Hanwha thể hiện giá trị của hợp tác công nghiệp trong việc hỗ trợ hai nước chúng ta giải quyết các thách thức an ninh chung" - Thủ tướng Úc Scott Morrison nói. Đồng thời cho biết công ty Hàn Quốc này sẽ là ứng viên sáng giá cho một hợp đồng trị giá 30 tỉ đôla Úc khác để chế tạo xe chiến đấu bộ binh (IFV) cho quân đội Úc.
Truyền thông Úc cho rằng nhiều phần trong thỏa thuận trên nhắm vào Trung Quốc. Xét về thời điểm, Canberra bắt tay với Seoul ngay sau khi "tẩy chay ngoại giao" Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh và vài tháng sau khi tham gia thỏa thuận AUKUS với Anh, Mỹ.
Cũng như Úc, Hàn Quốc đang phải cân bằng về chiến lược khi là đồng minh quân sự quan trọng của Mỹ ở Đông Bắc Á nhưng đồng thời cũng có đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc. Năm 2017, Bắc Kinh đã trừng phạt kinh tế nhiều công ty và mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc sau khi nước láng giềng cho phép Mỹ lắp hệ thống chống tên lửa.
Nhà phân tích Michael Shoebridge của Viện Chính sách chiến lược Úc cho rằng chuyến thăm của ông Moon, dù không nói công khai, cho thấy Seoul ngày càng xích lại gần hơn với Canberra trong bức tranh chiến lược tại khu vực và muốn đóng vai trò lớn hơn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thiên về thương mại hơn?
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã lên tiếng bác bỏ việc hợp tác với Úc nhắm vào Trung Quốc. "Điều này quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Hàn Quốc và thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong khu vực cũng như thúc đẩy sự hồi phục kinh tế toàn cầu" - ông nói.
"Dù Tổng thống Moon nói về Trung Quốc mềm mỏng hơn so với đồng cấp Úc, chuyến thăm của ông ấy chính là thông điệp. Nó thể hiện tình đoàn kết tuyệt vời với Úc" - cây viết đối ngoại Greg Sheridan của tờ The Australian bình luận.
Nhưng cũng có nhiều chuyên gia tin rằng điều ông Moon nói là thật và sự hợp tác Úc - Hàn Quốc thiên về thương mại nhiều hơn. "Các thỏa thuận hoàn toàn là thương mại, không liên quan gì đến chiến lược. Mối quan hệ giữa Úc và Hàn Quốc luôn là về các nguồn tài nguyên, và việc đảm bảo các nguồn tài nguyên đó là điều mà chuyến đi này (của ông Moon) hướng đến" - Đài ABC dẫn lời giáo sư Jeffrey Robertson của Đại học Yonsei (Hàn Quốc) nhận định.
Theo chuyên gia này, người dân Hàn Quốc thường coi Úc là một đất nước xa xôi và chưa đầu tư vào mối quan hệ với Seoul. Ngoài ra, chính sách đối ngoại của Úc cũng tương tự Mỹ và nếu cần giải quyết điều gì thì chỉ cần thảo luận với Washington là đủ.
Trong khi đó, ông Wongi Choe - giáo sư về kinh tế thương mại quốc tế của Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc - cũng cho rằng có ít tín hiệu rằng thỏa thuận quốc phòng Úc - Hàn nhằm hưởng ứng thỏa thuận AUKUS để kiềm chế Trung Quốc.
Chuyên gia Choe đánh giá rằng trên thực tế cả hai nước gần đây đều phải hứng chịu các biện pháp cưỡng ép kinh tế có chủ đích của Trung Quốc, và cả hai chính phủ của ông Moon và ông Morrison đã quyết định theo đuổi chiến lược đa dạng hóa kinh tế nhằm giảm rủi ro từ Trung Quốc. Về mặt này, mỗi quốc gia đều là một đối tác lý tưởng của nước kia trong việc cùng theo đuổi đa dạng hóa kinh tế.
Theo
TRẦN PHƯƠNG/Tuoitre.vn