Tuần duyên Mỹ đang nỗ lực hiện đại hóa hạm đội và duy trì sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
[links()]
Một tàu Nhật Bản diễn tập chung với tàu tuần duyên Mỹ ở biển Hoa Đông (Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản). |
"Cần có sự hiện diện. Cần có tàu trên biển. Nhưng việc có một cơ chế quản lý, có năng lực thực thi mới là vấn đề quan trọng", Đô đốc Fagan phát biểu tại hội nghị Trao đổi An ninh Hàng hải Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở Hawaii tuần này.
Bà Fagan cho biết lực lượng tuần duyên Mỹ cam kết với Bộ tư lệnh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và tuần duyên Mỹ đang trong quá trình thực hiện "chương trình đóng tàu lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2".
"Năng lực thực sự sẽ giúp mở rộng phạm vi tiếp cận của chúng tôi cũng như khả năng hợp tác và can dự trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo cách mà những năm trước không đạt được", Đô đốc Mỹ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Fagan không nói rõ có bao nhiêu tàu sẽ được triển khai đến khu vực Thái Bình Dương.
Chuẩn Đô đốc Hải quân Blake Converse, Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, cho biết việc chống lại các hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU) là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ - sáng kiến bắt đầu từ thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump nhằm củng cố mối quan hệ của Mỹ trong khu vực.
Nỗ lực trên của Mỹ bao gồm giúp các quốc gia nhỏ và thiếu nguồn lực chống lại hành vi "săn mồi", đồng thời chia sẻ thông tin với các hòn đảo nhỏ và các quốc gia khác để họ có thể ứng phó khi "các tàu thuyền hoặc đội tàu đánh cá được nhà nước bảo trợ đe dọa tàu đánh cá của các quốc gia khác".
"Mặc dù Hải quân có thể không phải là lực lượng đầu tiên bạn nghĩ đến khi nói đến việc đánh bắt cá, nhưng tôi có thể đảm bảo rằng, chúng tôi rất đầu tư vào sứ mệnh này", ông Converse cho biết.
Washington có các thỏa thuận với 11 quốc đảo Thái Bình Dương để chống lại hành vi đánh bắt IUU, cho phép các nhân viên thực thi pháp luật từ các nước đối tác lên tàu của tuần duyên Mỹ khi họ tuần tra hoặc ngược lại. Các cơ quan chức năng của các quốc gia này cũng có thể cho phép tuần duyên Mỹ thay mặt họ thực hiện hành động.
Mỹ cũng hợp tác với các nước ASEAN thông qua chương trình huấn luyện chung như Sáng kiến thực thi pháp luật hàng hải Đông Nam Á, đã tổ chức các cuộc tập trận thường niên với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước trong khu vực như Campuchia, Malaysia, Thái Lan từ năm 2012.
Tuần duyên Mỹ, lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích hàng hải của Mỹ, đã triển khai ngày càng nhiều hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm đưa tàu đi qua các vùng biển "nóng" và chuyển giao các tàu cho các nước trong khu vực.
Theo Thành Đạt/Dân Trí