Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi các công ty Đức đa dạng hóa sản xuất sang các thị trường khác ở châu Á, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Phát biểu trong một sự kiện do Hội nghị Doanh nghiệp Đức ở châu Á - Thái Bình Dương tổ chức hôm 19/10, Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi các công ty Đức đa dạng hóa sản xuất và tiếp cận các thị trường mới trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AA) |
“Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực để cải thiện các điều kiện khung. Hiện nay, khoảng 3/4 xuất khẩu của Đức ở Châu Á là sang Đông Á và một nửa trong số đó đến Trung Quốc”, Thủ tướng Angela Merkel nói.
Phát biểu của Thủ tướng Đức được đưa ra vài ngày sau khi cuộc họp 27 nhà lãnh đạo EU để thảo luận về Trung Quốc dự kiến diễn ra tại Berlin bị hủy do lo ngại về lây lan dịch COVID-19.
Đức - nền kinh tế lớn nhất EU, gần đây đã đưa ra chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo các quan chức cho biết, chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận các thị trường rộng lớn khác trong khu vực, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc như hiện nay.
Cũng tại hội nghị hôm 19/10, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho rằng các công ty Đức nên đa dạng hóa hoạt động sản xuất sang các thị trường châu Á ngoài Trung Quốc để bớt phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng đơn lẻ. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy chuỗi cung ứng như vậy rất dễ bị gián đoạn. Ông Peter Altmaier cũng đề cập đến sự “tắc nghẽn” trong việc cung cấp thiết bị y tế cho thị trường Đức.
“Chúng tôi muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Singapore và Hàn Quốc có thể mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn vì họ đã xử lý tốt cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 và lấy lại sức mạnh kinh tế từ rất sớm”, trưởng Kinh tế Đức cho hay.
Gần đây, một quan chức Đức cũng cho tờ SCMP hay: “Đức muốn có được miếng bánh lớn hơn ở châu Á. Hiện nay, chúng tôi đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc khi tiến vào thị trường châu Á”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu khác, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng đã kêu gọi bớt phụ thuộc vào Trung Quốc - tập trung vào chuỗi cung ứng y tế.
Trung Quốc luôn mong muốn lôi kéo EU đứng về phía mình trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế và địa chính trị với Mỹ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, EU gần đây đã có những động thái cứng rắn trong quyết sách đối với Trung Quốc trên nhiều khía cạnh. Vốn dĩ hai bên đang gặp phải vướng mắc trong đàm phán hiệp định đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc dự kiến hoàn thành trong năm nay.
Theo Kông Anh /VTC.vn