Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12-2 cho rằng ông không quan tâm quyết định chấm dứt thỏa thuận quân sự song phương kéo dài hàng thập kỷ của người đồng cấp Philippines và điều đó sẽ giúp tiết kiệm tiền.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định hủy Hiệp ước các lực lượng thăm viếng (VFA) song phương kéo dài hai thập kỷ với Mỹ hôm 11-2. Động thái mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho là điều đáng tiếc. Quyết định trên sẽ có hiệu lực sau 180 ngày.
Binh sĩ Mỹ tham gia tập trận ở tỉnh Zambales – Philippines hồi tháng 4 năm ngoái. Ảnh: Reuters |
Khi được hỏi liệu ông có cố thuyết phục ông Duterte xem xét lại hay không, Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng: "Thành thật mà nói tôi không bận tâm đến điều đó quá nhiều. Chúng tôi đã giúp Philippines rất nhiều. Chúng tôi đã giúp họ đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tôi thực sự không bận tâm nếu họ muốn làm điều đó, nó sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền. Quan điểm của tôi khác với những người khác".
Dù vậy, ông Trump cho biết ông có mối quan hệ "rất tốt" với Tổng thống Duterte và nó rằng hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra.
Việc chấm dứt VFA có thể làm tổn hại các lợi ích trong tương lai của Washington trong việc duy trì sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh xảy ra tranh cãi về sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như gia tăng các mối lo ngại về an ninh liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên.
Ngay sau tuyên bố hủy VFA của ông Duterte, ông Denis Karanin, thư ký thứ hai của Đại sứ quán Nga tại thủ đô Manila, cho biết một thỏa thuận hợp tác quân sự chung đang được thảo luận giữa các quan chức Nga và Philippines.
Ông Karanin nói rằng thỏa thuận này sẽ cung cấp cơ sở pháp lý và khuôn khổ cho mối quan hệ hợp tác hai nước, qua đó sẽ giúp cho tất cả các dự án kỹ thuật quân sự trở nên dễ dàng hơn. Một thỏa thuận như vậy sẽ bao gồm một nhà máy mà nhà sản xuất vũ khí Nga Kalashnikov từ lâu muốn xây dựng.
Ông Karanin cũng cho biết các trường quân sự của Nga đã thường xuyên gửi lời mời học viên quân đội Philippines đến huấn luyện tại đây.
Tuy nhiên, khi đề cập đến khả năng Nga duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài ở Philippines dưới hình thức căn cứ tiếp tế cho hải quân của mình, ông Karanin cho rằng quá trình này chưa có tiến triển.
Theo Xuân Mai/NLĐO