COP 25: Thế giới đánh mất cơ hội để giải quyết khủng hoảng khí hậu

08:12, 18/12/2019
.
Hội nghị Thượng đỉnh về hành động chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 25) tại Madrid, Tây Ban Nha kết thúc hôm 15.12 mà không giải quyết được những vấn đề chính yếu nhất được thảo luận, trong đó có việc tạo ra các quy tắc về giao dịch tín chỉ phát thải carbon và giúp các quốc gia đang phát triển chi trả cho những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. 
COP 25 bế mạc mà không đạt được thỏa thuận về các thị trường carbon. Ảnh: Getty
COP 25 bế mạc mà không đạt được thỏa thuận về các thị trường carbon. Ảnh: Getty
Đánh mất một cơ hội 
 
Gần 200 quốc gia tham dự hội nghị kéo dài hơn 2 tuần của Liên Hợp Quốc đã thông qua một tuyên bố nhấn mạnh “nhu cầu cấp bách” trong giảm khí thải nhà kính; đồng thời kêu gọi các bên nỗ lực nhiều hơn để chống biến đổi khí hậu trong năm tới khi vòng cam kết quốc gia nhằm hạn chế phát thải nhà kính theo Thỏa thuận Paris đến hạn.
 
Tuy nhiên, các phái đoàn đã quyết định trì hoãn một số vấn đề khó nhằn hơn cho hội nghị thượng đỉnh khí hậu tiếp theo của Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ tổ chức ở Glasgow, Scotland tháng 11.2020.
 
Hội nghị ở Tây Ban Nha không đạt được kết quả và không đưa ra được bất cứ thỏa thuận nào về các thị trường carbon dù đàm phán kéo dài 44 tiếng hơn thời gian ấn định. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ sự thất vọng với kết quả đạt của COP25. “Cộng đồng quốc tế đã đánh mất một cơ hội quan trọng để thể hiện tham vọng nhiều hơn trong giảm thiểu, thích ứng và tài trợ để giải quyết khủng hoảng khí hậu” - ông nói.
 
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Chile, Chủ tịch COP 25 Carolina Schmidt cho rằng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận để đưa tham vọng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tới cấp độ cần thiết. Bà kêu gọi “tăng cường ý chí chính trị và đẩy nhanh hành động vì khí hậu đến tốc độ mà thế giới cần” bởi “các thế hệ mai sau trông đợi nhiều từ chúng ta”.
 
“Bóng ma quá khứ”
 
Financial Times nhận định, hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hợp Quốc không đạt được tiến bộ khả quan nào bởi một vấn đề kỹ thuật là chướng ngại quyết định: Di sản tín chỉ carbon (carbon credit - giấy phép hoặc giấy chứng nhận cho phép phát thải khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác) theo nghị định thư Kyoto năm 1997.
 
Vấn đề trọng tâm của hội nghị COP25 là đưa ra quy tắc cho một thị trường carbon toàn cầu mới và tạo ra một hệ thống cho phép các quốc gia trả tiền cho nhau cho các dự án nhằm giảm phát thải. Tuy nhiên, hội nghị - vốn có trở ngại ngay từ khi chưa bắt đầu bởi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris - bị phủ bóng bởi di sản các tín chỉ carbon cũ.
 
Hầu hết các tín chỉ được tạo ra trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto năm 1997 được xem là cách để các nước giàu trả cho các quốc gia kém phát triển hơn về các dự án giảm phát thải - đã gần như không còn giá trị và việc sử dụng những tín chỉ này đã bị mất tín nhiệm. Dù vậy, các quốc gia vẫn giữ các tín chỉ carbon này - chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil - đấu tranh để đưa tín chỉ vào hệ thống mới - tức thỏa thuận được đàm phán ở Madrid.
 
“COP25 cho thấy khoảng cách lớn hơn bao giờ hết giữa những gì người dân đang đòi hỏi về hành động trong vấn đề khí hậu và những gì các cuộc đàm phán Liên Hợp Quốc đang thực hiện. Sau khi các nhà đàm phán thất bại trong năm thứ 2 liên tiếp trong việc nhất trí về một chỉ dẫn cho các thị trường, đã đến lúc hành động” - ông Nat Keohane - Phó Chủ tịch cấp cao Quỹ phòng vệ môi trường cho hay. 
 
Theo Hải Anh/LĐO
 

.