NATO đã kêu gọi Nga phá hủy tên lửa 9M729 trước hạn chót tháng 8 để cứu vãn hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung với Mỹ INF, nếu không khối liên minh này sẽ có biện pháp đáp trả.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Reuters) |
Theo Reuters, trong buổi họp báo hôm 25/6, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hối thúc Nga phá hủy tên lửa 9M729 Moscow mới chế tạo trước thời hạn hiệp ước INF chính thức vô hiệu vào tháng 8.
“Chúng ta kêu gọi Nga đi theo con đường có trách nhiệm nhưng chúng ta không thấy có dấu hiệu nào Nga dự định làm vậy. Chúng ta cần phải đáp trả”, ông Stoltenberg nói.
Các bộ trưởng quốc phòng thuộc khối NATO ngày mai dự kiến sẽ thảo luận các bước đi kế tiếp nếu Nga kiên quyết không phá hủy tên lửa mà Mỹ nói rằng có thể thực hiện các vụ tấn công hạt nhân vào châu Âu.
Ông Stoltenberg không đi vào chi tiết các biện pháp đáp trả. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ cân nhắc để Mỹ thực hiện nhiều chuyến bay hơn tới châu Âu sử dụng máy bay chiến đấu có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, cũng như nhiều hoạt động tập trận quân sự. NATO cũng có thể sẽ cân nhắc việc tái phân bố các hệ thống tên lửa trên biển của Mỹ.
Mỹ và các đồng minh NATO muốn Nga tiêu hủy tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân 9M729/SSC-8, tên lửa mà Washington cáo buộc là “vi phạm trực tiếp và liên tục” INF. Washington nói rằng 9M729 có tầm tấn công 500km-1500km, có thể mang cả đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân và có thể gây nguy hiểm cho châu Âu và châu Á.
Nga trước đó đã cho biết, việc Mỹ yêu cầu Moscow tiêu hủy tên lửa hành trình 9M729 là hành động không thể chấp nhận, đồng thời bác bỏ cáo buộc từ Washington rằng hệ thống này vi phạm INF. Nga cũng “tố” ngược lại rằng Mỹ vi phạm INF khi triển khai lá chắn phòng thủ Aegis Ashore ở Romania và sắp tới là Ba Lan.
Theo các chuyên gia quân sự Nga, các bệ phóng Mk 41 của tổ hợp Aegis Ashore ngoài việc có thể triển khai tên lửa Standard Missile 3, thì còn có thể tích hợp được tên lửa hành trình Tomahawk. Vì vậy, Nga coi đây là mối đe dọa tới các mục tiêu nằm trong lãnh thổ của họ nếu Aegis xuất hiện ở châu Âu.
INF là hiệp ước được ký kết từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ năm 1987 nhằm cấm các bên phát triển và triển khai tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 500km đến 5.500km.
Mỹ tuyên bố rằng nếu không đạt được thỏa thuận với Nga, họ sẽ rút khỏi INF sau ngày 2/8.
Nga ngày 25/6 cảnh báo về viễn cảnh một cuộc đối đầu tương tự như cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962 ở Cuba nếu Mỹ triển khai hệ thống tên lửa mặt đất gần biên giới Nga. Tuy nhiên, ông Stoltenberg khẳng định kế hoạch này không tồn tại.
Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison cho biết ở thời điểm hiện tại, Mỹ chỉ cân nhắc tới việc triển khai vũ khí thường trong bất cứ động thái đáp trả nào với Nga.
Hiện thời, các đồng minh châu Âu của Washington quan ngại rằng họ có thể “mắc kẹt” trong cuộc đua hạt nhân giữa Nga và Mỹ như những gì xảy ra vào năm 1980 nếu bất cứ bên nào triển khai vũ khí hạt nhân trước tại khu vực.
Theo Đức Hoàng/Dân Trí