Ngày 24-6, hãng Reuters đưa tin phe đối lập đã giáng một đòn mạnh vào Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lại thị trưởng Istanbul, thành phố lớn nhất của nước này. Giới quan sát nhận định diễn biến mới này có khả năng dẫn đến những chuyển động lớn tại khu vực.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cử tri ủng hộ ứng viên Ekrem Imamoglu ăn mừng chiến thắng |
Cơn địa chấn
Tờ Karar của Thổ Nhĩ Kỳ chạy dòng tít “Cơn địa chấn tại cuộc bầu cử” khi ứng viên Ekrem Imamoglu của đảng Cộng hòa nhân dân (CHP) đã đánh bại đối thủ từ đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Erdogan, giành được 54,21% phiếu bầu. Chiến thắng của ông Imamoglu đã chấm dứt 25 năm nắm quyền tại thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ của AKP. Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng chiến thắng này của phe đối lập là một hồi chuông báo động đối với ông Erdogan.
Nắm quyền từ năm 2003, từ vai trò thủ tướng rồi đến tổng thống, ông Erdogan được xem là chính khách có tầm ảnh hưởng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ sau nhà sáng lập quốc gia này Mustafa Kemal Ataturk. Nhờ sự tăng trưởng và quản lý nền kinh tế được xem là hiệu quả trong suốt 1 thập niên qua, AKP của ông Erdogan đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo cử tri Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, kinh tế suy thoái, khủng hoảng tài chính cùng với chiến dịch bàn tay sắt, kiểm soát gắt gao chính phủ thời gian qua khiến nhiều cử tri lo ngại.
Sinan Ulgen, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Carnegie Europe ở Brussels (Bỉ), nhận định chiến thắng của ông Imamoglu chắc chắn sẽ thay đổi tương lai chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ. Với chiến thắng này, phe đối lập đã nắm quyền kiểm soát ở 3 thành phố lớn và điều này có thể làm xuất hiện những rạn nứt bên trong AKP. Nhiều ý kiến cho rằng thất bại tại Istanbul nhiều khả năng dẫn đến một cuộc cải tổ nội các tại Ankara cũng như cuộc tổng tuyển cử sớm hơn dự kiến (theo kế hoạch là vào tháng 11-2023) dù AKP luôn bác bỏ kịch bản này.
Tác động đến khu vực
Không chỉ tác động đến chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, hãng Reuters cho rằng chiến thắng của phe đối lập còn có thể làm thay đổi chính sách ngoại giao của Ankara. Chiến thắng của phe đối lập tại trung tâm kinh tế và tài chính Istanbul có thể làm chậm lại quá trình cải cách kinh tế của Ankara nhằm vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục đe dọa trừng phạt kinh tế nếu Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng giữ kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Lâu nay, ông Erdogan vẫn đang theo đuổi chính sách cân bằng giữa Mỹ và Nga, nhưng trước sức ép của Mỹ trong bối cảnh kinh tế suy thoái, việc theo đuổi chính sách “đi dây” giữa 2 ông lớn của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải thay đổi.
Những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ với Nga và Iran trong cả kinh tế và giải quyết các vấn đề của khu vực, trong đó có hồ sơ Syria. Tạp chí Foreign Policy dẫn lời một số chuyên gia nhận định ông Imamoglu có thể thách thức vị trí tổng thống của ông Erdogan ngay từ bây giờ, sử dụng chiến thắng tại Istanbul để làm bàn đạp thăng tiến lên các vị trí cao hơn như cách mà ông Erdogan đã từng làm. Với việc nhiều cử tri đang lung lay lòng tin vào AKP, tương lai chiếc ghế tổng thống của ông Erdogan rõ ràng không được đảm bảo như trước đây. Nếu ông Erdogan thất thế, tam giác chiến lược Moscow - Ankara - Tehran sẽ bị lung lay và khi đó, tình hình trong khu vực sẽ có nhiều biến động. Tờ New York Times thì nhận định sau kết quả tại cuộc bầu cử ở Istanbul, ông Erdogan sẽ tìm kiếm những sự thay đổi và một trong những lựa chọn đó có thể là thay đổi chính sách ngoại giao để nâng cao hình ảnh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng tình hình không thực sự quá bi quan với ông Erdogan và AKP, rằng có thể ông Erdogan đang yếu đi nhưng không thể đánh bại. Trong khi đó, tờ báo thân chính phủ Daily Sabah viết về chiến thắng tại Istanbul của phe đối lập với niềm tin rằng “mọi chuyện vẫn ổn”, còn tờ Yeni Safak tin tưởng “ông Erdogan sẽ sớm trở lại”.
Theo ĐỖ CAO/SGGPO