11 cầu thủ đội U.21 Đồng Tháp đã nhận án kỷ luật từ VFF vì tham gia cá độ ở trận gặp U.21 Vĩnh Long tại vòng loại giải U.21 Quốc gia 2019. Càng đau hơn, bởi cá nhân “dính chàm” đều có tài năng nổi bật, từng khoác áo các đội U.18, U.19 Việt Nam. Qua những vụ tiêu cực xảy ra gần đây, cần phải nhấn mạnh: Đã đến lúc VFF phải hành động mạnh tay!
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hỏng lứa tài năng và tương lai của Đồng Tháp
Những cầu thủ mới 19, 20 vừa dính chàm thuộc một thế hệ trẻ khá đặc biệt của bóng đá Đồng Tháp nói riêng và Việt Nam nói chung. Các thành viên của lứa U.21 Đồng Tháp này đã cùng nhau vô địch 3 giải đấu trẻ quốc gia liên tiếp gồm giải U.15 (2014), U.17 (2016) và U.19 (2018). Đội bóng trẻ của Đồng Tháp khi đó đã vượt qua những lò đào tạo danh tiếng khác như Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Trung tâm PVF hay Viettel để đăng quang một cách thuyết phục.
11 thành viên U.21 Đồng Tháp bị VFF kỷ luật vì tham gia cá độ ở trận gặp U.21 Vĩnh Long, tại vòng loại giải U.21 Quốc gia 2019. Ảnh: Dương Thu |
Đây được xem là thế hệ tài năng nhất mà bóng đá Đồng Tháp đào tạo được, từ sau thời của lứa 1985-1986 của những Phan Thanh Bình, Nguyễn Quý Sửu, Châu Phong Hòa, Đoàn Việt Cường… Thế hệ này là tương lai của bóng đá Đồng Tháp, được kỳ vọng sẽ giúp Đồng Tháp trở lại V.League trong thời gian tới. Tuy nhiên, họ đã tự vứt đi tương lai của mình cũng như một địa phương giàu truyền thống khi tổ chức, tham gia cá cược ở chính trận đấu mình tham dự.
Nếu vì tiền để làm điều này, các cầu thủ chỉ có thể tự trách mình “dại”, bởi gia cảnh của họ không đến nỗi nào. Chẳng hạn, gia đình Trần Công Minh đều đã sang Mỹ định cư, chỉ mình anh ở lại để theo nghiệp bóng đá. Với việc thâu tóm hầu hết chức vô địch các giải trẻ, lại được đôn lên đội 1 Đồng Tháp rất sớm, thu nhập của các cầu thủ trẻ chưa đầy 20 tuổi tốt hơn hẳn so với nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa.
Đáng tiếc việc suy nghĩ thiếu chín chắn, không được người lớn răn đe, uốn nắn kịp thời đã khiến các cầu thủ trẻ không giữ được mình. Với án phạt của VFF, trước mắt đội 1 Đồng Tháp sẽ chịu thiệt hại lớn, bởi các cầu thủ dính chàm đều được đăng ký thi đấu ở giải hạng Nhất 2020. Đội bóng xứ Sen hồng có thể phải đôn các cầu thủ trẻ lên thay thế hoặc mượn từ đội khác mới có đủ lực lượng thi đấu. Còn đội U.21 Đồng Tháp cũng coi như khó “có cửa” ở vô địch giải U.21 Quốc gia 2020, vốn dự kiến được tổ chức trên chính sân Cao Lãnh.
Đau lòng cho bóng đá Việt Nam
Mới đây, tờ The World Games của Australia còn rất ấn tượng với chất lượng trong việc đào tạo bóng đá trẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, vụ tiêu cực của nhóm cầu thủ U.21 Đồng Tháp là đòn giáng mạnh vào hình ảnh tươi sáng, tích cực của bóng đá Việt Nam sau những thành công vang dội gần đây.
Càng đau hơn, bởi cá nhân “dính chàm” đều có tài năng nổi bật, từng khoác áo các đội U.18, U.19 Việt Nam. Như Trần Công Minh, vốn đã được vinh danh là Cầu thủ hay nhất VCK U.17 lẫn U.19 quốc gia. Võ Minh Trọng từng ghi bàn duy nhất từ chấm phạt góc giúp U.19 Việt Nam thắng U.19 Malaysia tại VCK giải U.19 Đông Nam Á 2019. Trọng cũng là một nhân tố hạt giống trong kế hoạch giành vé dự World Cup 2026 mà huấn luyện Philippe Troussier đang bắt tay thực hiện.
Tệ hại hơn, án phạt của Ban kỷ luật VFF dành cho họ có thể không chỉ về mặt nghề nghiệp, và tiêu cực của các cầu thủ trẻ măng này không dừng ở phạm vi giải U.21 quốc gia. Bởi theo tường trình của Huỳnh Văn Tiến, anh cùng một số đồng đội còn tham gia cá cược ở giải hạng Nhì 2019, khi thi đấu cho đội Gia Định theo dạng cho mượn.
Cùng với vụ tiêu cực tại vòng loại U.19 Quốc gia 2020 và những lùm xùm trước đó ở sân chơi dành cho cầu thủ mới 17-18 tuổi này, VFF đang đối mặt với thách thức lớn trong việc quản lý, làm trong sạch các giải bóng đá trẻ cũng như hệ thống giải hạng dưới, vốn bao năm bị chi phối bởi “vòi bạch tuộc” do ít được những người có trách nhiệm quan tâm cũng như không dám làm thẳng tay sợ ảnh hưởng đến hình ảnh, danh tiếng của cả nền bóng đá vừa mới bắt đầu khởi sắc sau thời gian dài gắn liền với thất bại cùng những ấn tượng xấu xí.
* Cụ thể tiền vệ Huỳnh Văn Tiến, cầm đầu việc này bị Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cấm tham gia mọi hoạt động bóng đá do VFF tổ chức trong 5 năm, nộp phạt 5 triệu đồng. 10 cầu thủ còn lại tham gia cá độ tại vòng loại U.21 Quốc gia là Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Anh Phát, Võ Minh Trọng, Lê Nhựt Huy, Giang Sô Ny, Trần Hữu Nghĩa, Cao Tấn Hoài, Dương Vũ Linh, Kha Tấn Tài và Trần Công Minh cùng bị đình chỉ tham gia các hoạt động bóng đá trong 6 tháng và phải nộp phạt 2,5 triệu đồng.
* Qua những vụ tiêu cực xảy ra gần đây, có thể nói, mầm mống tiêu cực rõ ràng đã len sâu vào đời sống bóng đá Việt Nam, với nhiều biến tướng tinh vi, khó đối phó khi các cơ quan quản lý bóng đá có dấu hiệu lơ là hoặc xử lý không triệt để.
Đã đến lúc VFF phải hành động mạnh tay, ngăn chặn “từ trong trứng nước”, chứ không xử lý khi sự vụ đã rồi cũng như phải chờ truyền thông lên tiếng.
|
Theo Nguyễn Đăng/LĐO