Cuối cùng, Mike Ashley đã đồng ý bán Newcastle cho thái tử của Ả-Rập Xê-Út, người từng mua nhiều món đồ chơi có giá trị hơn cả "Chích chòe".
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong 13 năm Mike Ashley làm chủ Newcastle, biến cố lớn nhất khiến ông mất điểm với người hâm mộ là sự kiện đổi tên sân St. James Park huyền thoại thành Sport Direct Arena năm 2011. Chỉ khoảng 1 năm sau phi vụ đó, cộng với những lời chỉ trích liên tục từ cổ động viên, Mike Ashley mới chịu "xuống nước" và lấy lại cái tên St. James Park.
13 năm làm chủ một đội có tiềm lực, luôn sẵn sàng nổi lên để ngáng đường các đại gia. Tuy nhiên, những gì Newcastle làm được chỉ là "thường xuyên được chơi tại Premier League". Khi Mike Ashley năm lần bảy lượt rao bán đội bóng, những tấm băng rôn phản đối liên tục được giăng trên các khán đài. và cuối cùng, Newcastle mới được "giải cứu".
Mike Ashley không hề yêu Newcastle mà chỉ muốn biến đội bóng vùng Tyneside thành một công cụ kiếm tiền. Bởi nguyên việc thường xuyên được góp mặt tại Premier League đã đem về cho tỷ phú này cả trăm triệu bảng mỗi năm.
Mohammed bin Salman. Ảnh: Mirror. |
Với Mike, bất kể ai dù thành danh đến mấy ở sân St. James Park cũng không được yêu thương mà chỉ như một món hàng có tỉ lệ lợi nhuận cao trên bàn chuyển nhượng. Newcastle không phải không có những huyền thoại vang bóng xứ sương mù. Những cái tên như Kevin Keegan hay Alan Shearer tỏa sáng, trở thành biểu tượng và rồi ra đi trong ấm ức.
Cũng vì những hành xử như thế mà Mike Ashley sẽ không bao giờ có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ Anh. Bởi ông đã hủy hoại những huyền thoại của "Tam sư".
Khi nghe thấy Thái tử Ả-Rập Xê-Út là Mohammed bin Salman muốn mua lại đội bóng, người hâm mộ Newcastle bắt đầu dùng Twitter để vẽ nên các giấc mơ. Họ mơ Ronaldo, mơ Messi, mơ Mbappe sẽ về với sân St. James Park...
Mohammed không thiếu tiền, ông từng bỏ 380 triệu bảng (Newcastle được bán với giá 250 triệu bảng) để mua lại siêu du thuyền Serene dài 134m từ tay tỷ phú Yuri Shefler người Nga. Đó chỉ là một trong hàng chục món đồ chơi đắt tiền của nhà tài phiệt Ả-Rập. Nếu nhà Glazers của Man United không rắn, có thể giờ này "Quỷ đỏ" chứ không phải Newcastle đã trở thành một món đắt tiền trong bộ sưu tập đồ chơi của Mohammed.
Thậm chí, khi muốn sở hữu Newcastle để nhảy vào thế giới bóng đá Anh, cạnh tranh với những nhà tài phiệt Ả-Rập khác, Mohammed bin Salman chẳng cần trực tiếp "ra tay". Ông ủy quyền toàn bộ việc đàm phán cho nữ doanh nhân người Anh - Amanda Staveley. Mohammed chỉ đứng đằng sau và gật đầu với con số mà Staveley cho rằng hợp lý.
Ngày sân St. James Park được phủ trắng một góc khán đài bởi trang phục của những doanh nhân người Ả-Rập, đó là lúc một giấc mơ mới kiểu "Man City vùng Đông Bắc" sẽ hiện hữu tại nơi đây. Những nụ cười mỉm đầy quyền lực, những cái vẫy tay đậm chất thượng lưu trên khán đài có thể biến mọi giấc mơ của những người hâm mộ "Chích chòe" từ chỗ không tưởng đến hiện thực hoành tráng nhất.
Không như giới chủ Trung Quốc, các ông chủ Ả-Rập sẵn sàng chơi ngông như cách Man City hay PSG đã làm, thậm chí có bị UEFA "sờ gáy" cũng không thành vấn đề, miễn là tên tuổi đội bóng và tên doanh nghiệp của họ được cả thế giới biết đến. Newcastle có dám mơ vô địch Premier League không? Họ có mơ đá Cúp Châu Âu không? Tất nhiên là có.
Ngày Mike Ashley rời khỏi nhiệm sở tại St. James Park, bóng đêm bao phủ cùng cũng theo ông mà đi, trả lại ánh nắng cho thánh địa của "Chích chòe" và sẽ mở ra một kỉ nguyên mới, với một Newcastle sẽ mạnh về tài chính đủ để đua tranh trong thời đại bóng đá kim tiền.
Theo VIỆT HÙNG/LĐO