Vọng những mùa trăng

03:03, 22/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đầu năm 2023, nhà thơ Trần Hữu Sơn đã ra mắt tập thơ “Vọng những mùa trăng”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Hoài niệm về những mùa trăng, tác giả đã mang đến cho bạn đọc những cung bậc cảm xúc lắng đọng. 
 
Tập thơ “Vọng những mùa trăng”. ẢNH: PHẠM VĂN HOANH
Tập thơ “Vọng những mùa trăng”. ẢNH: PHẠM VĂN HOANH
Nhà thơ Trần Hữu Sơn hiện là Phó Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật Quảng Ngãi, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Trà Giang.  
 
"Vọng những mùa trăng” là tập thơ thứ 3 của Trần Hữu Sơn, gồm có 95 bài thơ. Tập thơ “Vọng những mùa trăng” đa dạng các thể thơ và sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ, so sánh, nhờ thế chuyển tải được các cung bậc tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình đến bạn đọc, đặc biệt là hoài niệm về những mùa trăng. 
 
Ngay đầu tập thơ, ta thấy hình ảnh quê hương hiện lên thật đẹp. “Tam Thương đón vạt nắng tà/ Chuông chùa Thiên Ấn ngân nga giọt thiền/...Dẫu rằng muôn dặm ngàn xa/ Lòng anh vẫn nhớ quê nhà mến yêu” (Trà Giang thương nhớ). Nếu không có tình yêu quê hương thắm thiết thì không thể viết nên những câu thơ sâu lắng đến vậy. Trần Hữu Sơn yêu thiên nhiên, yêu nơi chôn nhau cắt rốn nên trong thơ anh không thiếu những ngôn từ tô thắm quê hương. “Non xa tựa ấn cõi trời ban/ Một đỉnh non xanh bọc lúa vàng/ Nước biếc Trà Giang soi bóng núi/ Chuông chiều Thiên Ấn vọng mây ngàn/ Đường lên lễ Phật vòng trôn ốc/ Đò rẽ chùa Ông ngút dặm quan/ Cảnh trí thiên bày dâng đất mẹ/ Ngàn năm sống mãi với thời gian” (Thiên Ấn). Những câu thơ trên vừa mang nét cổ kính, vừa hiện đại khiến người đọc như thấy được bức tranh phong cảnh Thiên Ấn thơ mộng, hữu tình. Những bài thơ viết về quê hương, đất nước của Trần Hữu Sơn bao giờ cũng thể hiện niềm tự hào. “Chữ S hình cong cõi Việt Nam/ Bao đời gánh chịu những phong ba/ Non sông kiến tạo ơn tiên tổ/ Hậu thế chu toàn nghĩa quốc gia/ Thánh Gióng vươn mình xua giặc lấn/ Đằng giang dậy sóng đuổi gian tà/ Ngàn năm lịch sử còn in dấu/ Sức bật rồng tiên lại nở hoa” (Việt Nam quê hương tôi).
 
Trong tập thơ “Vọng những mùa trăng” có nhiều bài thơ thể hiện nỗi lòng của một người lúc nào cũng đau đáu về tình duyên dang dở, khiến người đọc thổn thức. “May áo mới em về bên xứ lạ/ Bỏ đồng xưa bỏ cả lối đi quen/ Mùa xuống giống vắng cô nàng gánh mạ/ Tiếng cười giòn xao xuyến những mùa trăng/...Anh lầm lũi thương luống cày dang dở/ Dệt nỗi buồn bên xóm nhỏ hoang vu!” (Vọng những mùa trăng). Tác giả nhớ về quá khứ, để rồi tưởng nhớ những mùa trăng hò hẹn đã qua. Những mùa trăng đã khiến nhân vật trữ tình trong thơ đau đáu nỗi niềm. 
 
“Ta về lội giữa sông mây/ Cắn mưa vỡ hạt rơi đầy hồ xưa/ Vỗ tay lá hát xuân thừa/ Bình minh lối cũ... mà trưa cuộc tình” (Tự thán). Và rồi, tác giả lại nhớ những ngày cô đơn, chìm đắm trong hoài niệm. “Tình anh như ngọn sóng trào/ Vươn cao rồi chợt tan vào hư vô/... Mo cau rụng xuống...  trời mưa/ Còn chăng là những khoảng thừa mình ta!” (Hoài niệm mo cau). Đó là nỗi buồn và nỗi cô đơn trên con đường đi tìm hạnh phúc của nhân vật trữ tình, dẫu biết rằng tất cả chỉ là ảo mộng. “Ta tìm gì trong bóng tối cô đơn/ Khi mạch nước chảy ngầm về muôn ngả/ Đêm trắng đợi thấy hồn mình rệu rã/ Vỡ tan tành bên tháp đá mơ hoang” (Ảo mộng). Dù hạnh phúc có mơ hồ, mong manh như gió thoảng qua nhưng trái tim của nhân vật trữ tình vẫn luôn rạo rực yêu, vẫn rung lên khúc nhạc tình say đắm. “Lâng lâng nâng chén/ Xin mời!/ Cùng nàng uống cạn kết lời trăm năm/ Mơ màng trong cõi tình căm/ Giật mình tỉnh giấc khóc thầm tình trăng!” (Say trăng).
 
Tình yêu lứa đôi trong “Vọng những mùa trăng” thường gắn với vằng trăng. Trăng có lúc được ẩn dụ, có lúc được nhân hóa làm cho nó mang một phong cách khác lạ. “Chân quê vuột lối cung hằng/ Dã tràng ngơ ngác, tháp vàng gãy đôi/ Bến xưa còn lại mình tôi/ Cá đầy giỏ cũ... sông đời cạn trăng!” (Cạn trăng). Trăng như là nhân vật chứng kiến những nỗi trăn trở dằn vặt, suy ngẫm của nhân vật trữ tình, đồng thời còn là nơi để tác giả thổ lộ tâm trạng, nỗi niềm. “Đồi xa trăng vắt ngủ/ Mây lữ thứ lang thang/ Vẫn ôm tình hoài ủ/ Mênh mông gọi trăng vàng!” (Bên dòng sông ngân).
 
PHẠM VĂN HOANH
 
 
 

.