(Báo Quảng Ngãi)- Bia mộ ở Đồng Đế (Đồng Đế mộ bi) và bia mộ ở Sa Môn (Sa Môn mộ bi) là 2 bia đá khắc văn bia trước mộ thân phụ và thân mẫu Trương Đăng Quế (1793 - 1865), do chính ông tạo lập, đặt tên và viết bi minh vào mùa xuân năm Tự Đức thứ 6 (1853), khi được nhà vua cho phép về thăm quê, sửa sang phần mộ song thân.
[links()]
Tiểu tông tự đường, nơi thờ phụng song thân Trương Đăng Quế, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: LHK |
Văn bia Đồng Đế. |
Thời Tây Sơn, ông Trương Đăng Phác ra cộng tác, từng giữ chức tri huyện Mộ Hoa (sau đổi là Mộ Đức, nay là huyện Mộ Đức và TX.Đức Phổ), sau thăng chức Hữu Tuyên vũ phủ Hòa Nghĩa (Quảng Nghĩa), được ban tước Triêm Ân tử. Ông là người gần dân, nổi tiếng thanh liêm, khoan thứ, được dân chúng mến chuộng. Khi Nguyễn Ánh đánh bại Nhà Tây Sơn, lập ra Nhà Nguyễn, Trương Đăng Phác được người bạn thân là Đặng Đức Siêu, Thượng thư bộ Lễ, lấy thanh danh mà tiến cử, nhưng ông qua đời khi chưa kịp ra làm quan nhà Nguyễn.
Trong bài văn bia, Trương Đăng Quế nêu lý do người cha Trương Đăng Phác mất là do lâm bệnh. Tuy nhiên, theo truyền ngôn rất đáng tin cậy trong dòng họ, ông Trương Đăng Phác mặc dù rất cảm kích sự ưu ái của người bạn thân Đặng Đức Siêu nhưng cũng biết thời cuộc đã xoay chiều, vận số Triều Tây Sơn đã mãn, lại cũng không có gì để oán hận Gia Long - Nguyễn Ánh, nên ông tự vẫn để giữ tròn khí tiết.
Cách viết trong văn bia Đồng Đế như có phần kín đáo gợi liên tưởng cho hậu thế: “Ô hô! Tiên khảo sinh bất phùng thời, hựu hưởng niên bất vĩnh, tề chí dĩ một, thống tai!” (Than ôi! Tiên khảo sinh chẳng gặp thời, lại hưởng thế không được dài lâu, ôm chí nguyện mà mất, thật đau đớn thay!), và rằng: “Tức quan kỳ sở thủ hữu, dữ tại áp kì dân, chí kim do ái tư chi, tắc kì tài học chi xuất chúng, huệ chính chi tại nhân, cố dĩ mục nhiên khả tư hỹ” (Xem những người bạn mà tiên khảo đã kết giao, cùng với những người dân kì cựu trong ấp đến nay vẫn còn luyến nhớ tiên khảo, thì thấy tiên khảo là người tài học xuất chúng, làm chính sự thì thương yêu dân, điều này hẳn nhiên lặng nghĩ cũng biết vậy”.
Văn bia Sa Môn. |
Về người mẹ, trong Sa Môn bi văn, Trương Đăng Quế cho biết mẹ ông họ Đỗ, con gái út của quan Khâm sai cai cơ, có tên húy là Văn Thùy. Đối chiếu theo gia phả, bà có tên họ đầy đủ Đỗ Thị Thiết, là người “vốn quen nữ huấn, chăm giữ khuê nghi, hiếu thuận với cha mẹ chồng, hòa thuận với chị em dâu, cư xử trong gia đình không ai chê trách”.
Khi người chồng là ông Trương Đăng Phác chẳng may mất sớm, bà giữ trọn tiết nghĩa, cung kính phụng dưỡng mẹ chồng, nuôi nấng chăm lo các con ăn học. Dù cảnh nhà ngày một sa sút, bà vẫn dặn dò các con thực hiện chí nguyện của người cha đã khuất, rèn luyện nên người để mai sau giúp ích cho đời, xứng danh kẻ sĩ trong thiên hạ.
Hai văn bia mang lại cho người đời sau nhiều thông tin quý giá về dòng họ Trương ở làng Mỹ Khê, về cuộc đời và hành trạng của Trương Đăng Quế, về các mối quan hệ vua tôi, tôn tộc, bằng hữu, trong bối cảnh xã hội đương thời.
LÊ HỒNG KHÁNH