Truyện ngắn: Thuận vợ, thuận chồng

05:03, 13/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong căn phòng bệnh viện, tường vôi trắng toát, kê năm chiếc giường bệnh với dây truyền nước lủng lẳng. Dưới đất, thêm giường của người nhà làm căn phòng nhỏ như chật chội thêm. Đã nửa đêm, bệnh viện vẫn tấp nập người qua lại và ồn ào bởi những âm thanh hỗn tạp của người bệnh, người nhà. Riêng phòng 607 khu xương khớp này, tĩnh lặng đến mức nghe cả tiếng quạt trần vù vù như cánh cam bay vào mùa hè. Tánh đang trong giấc mơ, anh lúc đó còn bé xíu, chạy theo bắt cho được con cánh cam có đôi cánh màu xanh biếc, trên đám cỏ đầy bông cỏ may, vừa chạy, anh vừa nghĩ may mà mặc quần đùi chứ không về gỡ đến chiều chưa hết. Mà cũng lạ, tên là cánh cam mà cánh của nó lại xanh biếc chứ không phải màu vàng như cam một tí nào. Đuổi vã mồ hôi cuối cùng cũng chộp được con cánh cam, anh mừng rỡ lấy từ túi quần sợi dây nhợ tròng vô hai cánh cho nó xay lúa. Chợt nghe tiếng xuýt xoa vì bị ngã đau của cô bé Lơ hàng xóm, lúc nào cũng chạy theo anh đi bắt cánh cam. Giấc mơ như thật làm anh tỉnh giấc.
 
Hóa ra vợ anh trên giường bệnh đang rên khe khẽ, cố nhấc cánh tay với lấy cái ly. Anh tỉnh ngủ hẳn, bước tới giường vợ, âu yếm hỏi khẽ:
 
- Đau hả em? Để anh lấy nước cho uống rồi xoa bóp cho một chút, êm rồi ráng ngủ nha! 
 
- Dạ!
 
Vừa ngồi xoa bóp tay cho vợ, anh khe khẽ hát ru để chị dễ chìm vào giấc ngủ. Nhìn khuôn mặt vợ gầy xọp đi vì đau, vì mất ngủ, anh thương như đứt từng khúc ruột. Giá cơn đau quái ác đó, anh có thể gánh thay vợ thì hạnh phúc biết bao. Cả cuộc đời chị hy sinh cho anh và con quá nhiều. Vất vả thế nào cũng chẳng thể kiếm được một tiếng than trách chồng, than trách cuộc đời từ chị.
 
Khi nghe tiếng vợ thở đều đều, anh ngừng hát, đắp chăn, hôn trán vợ, rồi ngồi nhớ lại ngày xưa. Anh là con trai thứ hai trong một gia đình thuần nông, thông minh nhất nhà nên học xong cấp ba. Nhận giấy báo trúng tuyển đại học, nhưng anh tạm gác lại việc học, viết đơn xin nhập ngũ với nguyện vọng đi học sĩ quan, ở luôn trong quân đội. Nhưng cuộc đời luôn có những sự bất ngờ, anh Hai anh bị đau nặng phải chữa trị lâu dài, cha thì nằm liệt giường, anh đành từ giã nghiệp quân nhân trở về làm ruộng.
 
Với sức trai tráng của tuổi đôi mươi, anh gánh vác trọng trách của gia đình, chữa trị bệnh cho anh Hai, chăm sóc cha già chu đáo. Ngoài bốn sào ruộng của gia đình được cấp, anh còn thuê thêm bốn sào nữa bên ngoài làm la ghim. Anh xây chuồng nuôi bò. Cứ quần quật như thế mà tuổi xuân cũng gần ba mươi. Không có thời gian đi tìm người yêu, anh để ý những cô gái đến làm công cho anh, ngầm chọn vợ.
 
Thắm là một cô gái xinh nhất trong nhóm, có nước da trắng hồng. Cô làm việc thoăn thoắt, việc gì giao cũng hoàn thành và lúc nào cũng gọn gàng. Anh nói với mẹ ướm lời xem cô ấy có đồng ý làm vợ anh không. Anh sợ cô ấy xinh như thế chắc có người yêu rồi. Thật may mắn, cô ấy tuy có nhiều người theo đuổi nhưng chưa nhận lời ai. Biết được điều đó, anh nhờ mẹ đánh tiếng hỏi cưới cô về làm vợ.
 
Đám cưới được tổ chức. Anh Hai cũng khỏi bệnh và một năm sau thì lấy vợ. Sản nghiệp vợ chồng anh xây dựng nhường lại cho anh Hai, nhận đất của bộ đội xuất ngũ, anh xin cha mẹ ra ở riêng, gây dựng lại từ đầu. Vợ anh cũng không câu mâu, cùng anh lập nghiệp. Hơn bảy năm, anh chị có hai mặt con, một trai, một gái. Ruộng không có, đất vườn pha cát khó làm hoa màu, nên anh cùng vợ bàn tính đi buôn. Ông bà ta nói không sai: “Thuận vợ, thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”. Hai vợ chồng anh làm gì cũng có đôi, có cặp, vất vả mấy anh cũng chưa bao giờ để chị cô đơn, buồn tủi hay khóc lóc. Dù hai vợ chồng phải dậy từ ba giờ sáng chở rau lên chợ thị bán. Tám giờ sau khi bán hết rau, anh chị tất tả trở về. Hai giờ chiều vợ chồng lại lặn lội đi từng nhà cắt rau, chở bí, chở cà... đến sẩm tối mới về đến nhà. Tuy thức khuya, dậy sớm nhưng anh vẫn động viên vợ tham gia đội văn nghệ của thôn do anh làm đội trưởng. Hai vợ chồng vừa cắt rau, vừa tập hát làm ai nấy cũng ngưỡng mộ. Buôn bán có tiền, anh xây nhà, làm chuồng nuôi heo, nuôi bò... Cuộc sống bắt đầu khấm khá, nhưng rồi lại có chuyện bất ngờ.
 
Con gái út của anh chị buổi chiều hâm hẩm sốt, anh cũng đã mua thuốc cảm cho con uống, cứ nghĩ rằng rồi mai nó sẽ khỏe. Ba giờ sáng, anh gọi con trai vào nằm với em cho ba mẹ đi chợ. Tám giờ, anh chị về đến nhà, thấy thằng anh ngồi đút mì tôm cho em ăn, mặt con bé bừng bừng trong cơn sốt nặng. Dựng chiếc xe thồ bên cây trụ, anh chị chạy vội vào nhà, người lấy khăn lau cho con, người nhét thuốc. Thằng con lớn loăn xoăn chạy theo ba mẹ khoe:
 
 - Con chế mì tôm cho em ăn đó. 
 
- Cháo thịt ba mẹ nấu cho em đâu? Sao con không cho em ăn?
 
 - Lúc khuya, ba mẹ đi, em dậy, con múc cho em ăn, em không ăn con ăn hết rồi.
 
 - Con lấy nước sôi đâu mà chế mì cho em?
 
- Nước lạnh má à! Con định nấu nước nhưng ổ điện ba mắc cao quá, con bắc ghế mà vẫn không tới.
 
Hai vợ chồng xanh mặt vì sợ. Để một đứa bảy tuổi chăm một đứa hai tuổi quả thật quá nguy hiểm. Tối đó, con bé con lại sốt cao phải nhập viện, bác sĩ bảo nếu chậm chắc mất mạng, nên anh chị quyết định: Tiền thì thích thật nhưng sinh mạng con cái còn quý hơn. Chuyển nghề.
 
Vậy là anh chị lại chuyển sang làm nghề đúc trụ, đúc bi. Nghề này nặng nhọc nhưng anh chị vẫn cùng làm. Anh nói với chị:
 
- Việc gì nặng để anh! Còn em, ngồi trong chòi mát làm sắt cho anh.
 
 Từ buôn bán chuyển sang làm nghề, ban đầu chị vô cùng lúng túng. Chỉ một tuần được anh hướng dẫn, chị đã thông thạo chuyện làm sắt. Lúc rảnh còn phụ anh sắp khuôn, trộn vữa. Hai vợ chồng anh làm ăn uy tín nên đơn trụ, đơn bi đầy sổ.
 
Là bộ đội xuất ngũ, có uy tín nên anh được bầu làm cán bộ thôn. Anh dành nhiều thời gian để lo công việc của thôn. Việc nặng nhọc ở nhà do chị đảm trách. Một mình chị bẻ sắt, lên khuôn, trộn vữa và đúc trụ, đúc bi. Chị vốn hiền lành lại thương chồng nên chẳng cằn nhằn gì, chỉ buồn lòng khi anh đi đêm về hôm, rượu say túy lúy. Chị hiểu anh làm cán bộ thôn, người dân thương nên hiếu, hỷ... họ đều mời, chuyện đó là thường tình. Cố gắng để hoàn thành đơn hàng, chị bị đau khớp, hai tay tê bưng chén cơm không nổi. Anh lại từ chối nhận việc làng, dành thời gian chăm sóc vợ.
 
Anh buột miệng thốt lên:
 
 - Chắc lại phải chuyển nghề thôi.
 
Chị tỉnh dậy từ lúc nào, đang ngồi nhìn anh, gật đầu nói:
 
- Phải làm lại từ đầu thôi mình ạ! Em chẳng thể phụ mình làm nổi nghề này nữa đâu.
 
- Sợ gì em. Anh vẫn còn đôi tay khỏe mạnh. Vợ chồng mình lại lần nữa tát Biển Đông nha em!
Từ bệnh viện về, anh làm hết đơn hàng bi, trụ còn nợ, không nhận thêm đơn hàng mới. Trong lúc anh đang lựa chọn nghề mới để chuyển đổi thì may mắn sao, địa phương được chọn là nơi sản xuất rau sạch. Anh mạnh dạn nhận đầu tư nhà lưới. Xuất thân nhà nông, có kiến thức, lại được hợp tác xã tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm sạch, anh đầu tư làm nhà xưởng, nhập phôi về làm nấm. Mấy chuyến hàng nấm đều có đầu ra ổn định. Vậy là từ đó mạnh dạn đầu tư và trở thành nhà cung cấp nấm uy tín trên thị trường.
 
***
 
Hôm nay, gia đình anh tổ chức lễ khánh thành thêm nhà máy sản xuất nấm. Anh giờ làm tổng giám đốc của công ty chuyên xuất khẩu nấm sạch đi các nước trên thế giới. Người ta không còn gọi là anh Tánh rau, Tánh trụ nữa mà giờ gọi anh bằng chức danh tổng giám đốc. Có người còn gọi vui là ông “thuận vợ, thuận chồng”, bởi đi bất cứ đâu, khi được mời lên phát biểu, anh chưa bao giờ quên nhắc lại câu tục ngữ: “Thuận vợ, thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”, để khẳng định một chân lý việc gì cũng thành công nếu gia đình thuận hòa, hạnh phúc.
 
DƯƠNG THANH HƯƠNG
 

.