(Báo Quảng Ngãi)- Nhà thờ tộc là nơi thờ cúng tổ tiên của một dòng họ, các vị tiền hiền có công khai khẩn đất đai và cũng là không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống mang nhiều giá trị to lớn về tinh thần. Ở Lý Sơn hiện có hơn 50 nhà thờ tộc, trong đó có 2 nhà thờ tiền hiền của làng, 13 nhà thờ tộc chi trưởng và hơn 35 nhà thờ tộc các chi phái.
[links()]
Những quy định của nhà thờ tộc
Làng An Vĩnh có nhà thờ lục tộc tiền hiền, thờ 6 vị tiên công của làng gồm các họ tộc: Võ Văn, Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Xuân, Nguyễn, Trần; làng An Hải có nhà thờ thất tộc tiền hiền, thờ 7 vị tiên công của các tộc: Nguyễn, Dương, Trương, Võ, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn, Lê.
Nhà thờ thất tộc tiền hiền ở Lý Sơn. ẢNH: MINH TUẤN |
Hiện nay, phần lớn các họ tộc đã có nhà thờ chung của tộc. Theo thời gian, họ tộc phát triển nhiều chi, mỗi chi sẽ tự xây dựng một nhà thờ riêng. Hằng năm, vào dịp cúng tế xuân, thu, tất cả con cháu tập trung về nhà thờ tộc để dự tế, nhằm tỏ rõ trách nhiệm với tổ tiên, cũng là để con cháu đồng tộc biết mặt nhau. Trong mỗi họ tộc lập hội đồng gia tộc, những người đứng đầu là các vị trưởng tộc. Thành viên hội đồng gia tộc có từ 8 - 10 người, phải chọn những người có đạo đức, uy tín, có tri thức. Mỗi họ tộc thường có ruộng hương hỏa dành cho con trai trưởng. Nếu trai trưởng không có con trai nối dõi hay đi xa quê làm ăn thì con thứ lên thay. Hằng năm, lấy tiền từ ruộng hương hỏa để tế lễ và con cháu trong tộc đóng góp kinh phí lập quỹ họ tộc để tiện dùng vào việc cần thiết.
Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa
Nhà thờ tộc là nơi lưu giữ tài liệu của họ tộc, phần lớn viết trên giấy dó, bằng chữ Hán - Nôm như gia phả, lịch sử họ tộc, ngày giỗ kỵ, tộc ước, bằng cấp, địa bạ, giấy tờ mua sắm... với nhiều thông tin có giá trị. Hằng năm, đến ngày cúng việc lề, tộc trưởng đưa hòm gia phả trên bàn thờ xuống để kiểm tra, lưu giữ giấy tờ quan trọng của tộc, đồng thời ghi tên người trong tộc chết sau 3 năm vào gia phả. Các họ tộc kiêng kỵ không phải ngày cúng
việc lề thì không được lấy gia phả ra xem. Con cháu không được đặt trùng tên với tên ông bà ghi trong gia phả, nếu đặt trùng thì phải cúng đổi tên. Nhà thờ tộc còn là nơi tế lính Hoàng Sa nhằm tri ân, tưởng nhớ các binh phu là người trong tộc đã bị tử nạn lúc đi làm nhiệm vụ trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đơn cử như nhà thờ tộc Võ Văn, ở thôn Tây An Vĩnh, cúng việc lề và tế lính Hoàng Sa vào ngày 16 tháng 2 âm lịch; nhà thờ tộc Phạm Văn tế vào ngày 20 tháng 2 âm lịch; nhà thờ tộc Đặng ở thôn Đồng Hộ và nhà thờ tộc Nguyễn ở thôn Tây An Hải tế vào ngày 12 tháng 2 âm lịch. Trong lễ cúng việc lề và tế lính Hoàng Sa phải có các phẩm vật như cua, cá nướng, bánh ú, gỏi thịt và nghi thức thả thuyền ra biển...
Hiện nay, một số nhà thờ tộc còn lưu giữ rất nhiều tài liệu có giá trị. Nhà thờ tộc Nguyễn Quang, ở thôn Tây An Hải còn lưu giữ hàng nghìn trang địa bạ của làng dưới thời nhà Nguyễn. Nhà thờ tộc Dương còn giữ bản văn bán đất lấy tiền chi phí cho đội Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ. Nhà thờ tộc Võ Văn lưu trữ hàng trăm trang tư liệu gắn với các cai đội, binh phu Hoàng Sa như Võ Văn Khiết, Võ Văn Phú, Vũ Văn Hùng. Nhà thờ tộc Đặng ở thôn Đồng Hộ lưu giữ bằng cấp cho đà công (lái thuyền) Đặng Văn Siểm và hướng dẫn viên là Võ Văn Hùng, tài liệu này đã bàn giao cho Nhà nước.
VÕ MINH TUẤN