Cư dân văn hóa Sa Huỳnh cổ xưa

07:01, 23/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ở miền Trung, quanh năm nắng nóng, bão tố, nên con người đối mặt với những khó khăn khắc nghiệt. Từ môi trường sống đó, chúng ta nhận thấy sức mạnh bền bỉ của cư dân Sa Huỳnh, đã bao thế hệ “sống trong cát, chết vùi trong cát”. Cát và biển đã quyện chặt vào họ, tạo trong mô thức văn hóa của cư dân Sa Huỳnh một sắc thái biển rõ nét.
 
[links()]
 
Người Sa Huỳnh vừa khai thác canh tác ở vùng đồng bằng hẹp trước núi, vừa dựa vào cửa sông đi ra biển khơi đánh bắt thủy sản, buôn bán trao đổi trên biển. Cư dân Sa Huỳnh đã thành công khi vươn ra chiếm lĩnh các đảo gần bờ, ở đó họ hòa mình trong không gian biển, đảo để tồn tại, tạo dựng nên diện mạo văn hóa Sa Huỳnh mang sắc thái biển đậm đà. Trong hoạt động sống của cư dân Sa Huỳnh, biển chiếm vị trí quan trọng, biển cung cấp cá và các nguồn lợi thủy sản, cũng như biển giúp cho con người Sa Huỳnh điều kiện vươn xa hơn bằng phương tiện thuyền bè đến các nơi xa xôi và ngược lại.
 
Đồ dùng sinh hoạt của người Sa Huỳnh cổ.        Ảnh: PV
Đồ dùng sinh hoạt của người Sa Huỳnh cổ. Ảnh: PV
Trong đời sống tinh thần của cư dân Sa Huỳnh, biển thể hiện qua đồ án hình con sóng với nhiều cấp độ sắc thái khác nhau và làm nổi bật bằng nghệ thuật tô chì. Người Sa Huỳnh mô tả sóng biển với nhiều chiều khác nhau, khi thì lăn tăn nhấp nhô, khi thì cuồn cuộn vươn cao các đợt sóng với ngọn sóng vươn về phía trước... Đặc biệt, biển thấm sâu vào máu thịt của người Sa Huỳnh khi họ biết sử dụng các sản vật từ biển để làm đồ trang sức hay công cụ dùng trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Đồ trang sức của cư dân Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn phần lớn đều chế tác từ vỏ nhuyễn thể biển như vòng đeo cổ làm từ vỏ ốc hoa, vòng tay làm từ lõi ốc tai tượng, nhẫn làm từ vỏ ốc xéo... Người Sa Huỳnh đi biển rất giỏi bằng phương tiện thuyền bè, nhờ đó họ đã chiếm cư trên các đảo ven bờ của Việt Nam hơn 2.000 năm trước như Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Phú Quý, Thổ Chu, Phú Quốc. Tầng văn hóa của các di tích Xóm Ốc, Suối Chình trên đảo Lý Sơn ken dày các vỏ nhuyễn thể biển mà con người đã vứt bỏ.
 
Bộ sưu tập gần 100 bàn nghiền, chày nghiền được khai quật tại vùng lòng hồ chứa nước Nước Trong đã chứng minh cư dân Sa Huỳnh đã dùng để nghiền hạt ngô, lúa rẫy được trồng ở đồi gò thung lũng. Buổi đầu các phương tiện phục vụ cho canh tác nông nghiệp có các công cụ cuốc đá thô sơ nhưng ở giai đoạn đỉnh cao của Sa Huỳnh với sự ra đời các công cụ cuốc sắt cùng các loại thuổng, liềm, dao, rìu sắt, đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển, dẫn đến hình thành nên những làng mạc tập trung đông đúc dân cư trù phú. Cư dân Sa Huỳnh có nhiều nghề thủ công như nghề trồng đay kéo sợi, nghề chế tác trang sức đá ngọc, nghề luyện kim đồng sắt, nghề nấu thủy tinh, nghề gốm, nghề trồng đay, gai để kéo sợi dệt vải mặc, đan lưới đánh cá trong cộng đồng cư dân Sa Huỳnh phát triển, các dọi xe sợi tìm thấy trong di chỉ cư trú và trong mộ táng đã phản ánh sự phát triển của nghề thủ công này. Đặc biệt, chiếc rìu đồng phát hiện tại Gò Quê, xã Bình Đông (Bình Sơn) có niên đại hơn 2.000 năm vẫn còn lớp vải đay bọc lấy nó để mai táng cho người chết.
 
Người Sa Huỳnh có nghề gốm rất phát triển, các sản phẩm gốm được chú ý tạo tác công phu, càng về sớm thì đồ gốm càng đẹp, những chiếc bình gốm Long Thạnh như là tác phẩm nghệ thuật có dáng thanh thoát với phần thân eo cong lượn mềm mại, hoa văn trang trí đa dạng kết hợp với tô màu tạo nên nhiều đồ án khác nhau. Các chum gốm lớn dạng hình trứng với những nắp đậy lớn trang trí đẹp. Trong cộng đồng cư dân Sa Huỳnh, nghề luyện kim sắt phát triển và hầu như khi đề cập đến luyện kim của Sa Huỳnh, người ta chỉ biết đến luyện kim sắt. Nổi bật ở Sa Huỳnh là nghề rèn luyện sắt, ở Mộ Đức có mỏ sắt lớn, là mỏ lộ thiên nằm ở vùng đồng bằng khiến cho việc khai thác nguyên liệu cho nghề  rèn luyện sắt của người tiền sử diễn ra dễ dàng. Đồ sắt Sa Huỳnh không những được dùng ở Sa Huỳnh mà dựa vào thế mạnh này cư dân Sa Huỳnh đã trao đổi buôn bán với các cư dân khác.
 
Nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ Philippines cho rằng, đồ sắt có mặt trong văn hóa sơ kỳ sắt ở khu vực này có nguồn gốc từ Sa Huỳnh và có mối quan hệ mật thiết với Sa Huỳnh. Trong cộng đồng Sa Huỳnh ý thích về đồ sắt chiếm vị trí cao hơn đồ đồng vì đồ sắt mang tính thực dụng hơn so với đồ đồng trong chiến đấu và lao động. Đặc biệt, người Sa Huỳnh đã biết nấu thủy tinh, nguồn nguyên liệu cát để nấu thủy tinh ở Sa Huỳnh rất phong phú. Sản phẩm thủy tinh bao gồm các đồ trang sức như khuyên tai, hạt chuỗi... với nhiều kiểu loại, trong đó đặc sắc nhất là khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu nhọn. Những loại khuyên tai này được các cư dân Đông Nam Á rất ưa chuộng, sự có mặt của chúng ở nhiều khu vực khác nhau ở Đông Nam Á đã nói lên điều đó. 
 
Thiên nhiên khu vực miền Trung có đường bờ biển kéo dài, có những cửa sông để đi ra biển thuận tiện, người Sa Huỳnh đã vươn ra biển buôn bán trao đổi với bên ngoài bằng thuyền. Ngược lại những luồng thương mại trên biển cũng dễ dàng tiếp cận với người Sa Huỳnh qua hệ thống các cửa biển cùng đường sông ngắn, đi lên vùng thung lũng Trường Sơn và ngược lên Tây Nguyên, đồng thời các luồng thương mại từ Tây Nguyên chuyển về vùng duyên hải được trung chuyển bởi cư dân Sa Huỳnh núi. Buôn bán là con đường dẫn đến giao tiếp văn hóa, hòa đồng nhân chủng, ngôn ngữ. 
 
Trong khu vực Đông Nam Á, sự trao đổi buôn bán giữ vị trí quan trọng, phân tích vai trò của nó, hoạt động buôn bán đóng vai trò lớn trong sự tiến triển văn hóa ở Đông Nam Á và làm động lực gián tiếp để biến đổi văn hóa. Nơi cửa biển, cư dân Sa Huỳnh tiếp cận giao thương với bên ngoài, trao đổi sản vật từ rừng núi và đổi lấy các hàng hóa, vật dụng, đồ trang sức từ các thuyền buôn trên biển. Các điểm cư trú của cư dân Sa Huỳnh dọc các cửa biển nhanh chóng phát triển thành nơi sầm uất, giao thương rộng mở, là tiền đề cho sự ra đời các tiểu quốc cổ đại ở thế kỷ đầu sau công nguyên.
 
TS. ĐOÀN NGỌC KHÔI
 

.