"Máu và hoa" - Hà Nội 12 ngày đêm chiến tranh ác liệt giành đài hoa chiến thắng

03:12, 19/12/2022
.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Máu và hoa” giúp công chúng hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh và niềm vui chiến thắng của dân tộc.
 
[links()]
 
Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022), Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Cục Lưu trữ (Văn phòng Trung ương Đảng) tổ chức trưng bày chuyên đề “Máu và Hoa – Hà Nội 12 ngày đêm”. 
 
12 ngày đêm trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972 trở thành ký ức hào hùng của quân dân Thủ đô cũng như cả dân tộc.
 
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Cách đây 50 năm, liên tục trong 12 ngày đêm, từ 18/12 đến 30/12/1972, cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ với những “Pháo đài bay B52” hiện đại, tiên tiến bậc nhất cùng hàng trăm máy bay khác ném bom rải thảm xuống thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác ở miền Bắc Việt Nam. 
 
Hà Nội biến thành chiến trường, nhà cửa, bệnh viện, trường học bị phá hủy; sự tang thương, chết chóc bao trùm trong khói lửa chiến tranh. Nhưng với ý chí, niềm tin sắt đá, bản lĩnh, trí tuệ, chủ động, sáng tạo, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã cùng quân, dân miền Bắc làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
 
Những hố tránh bom cá nhân được mô phỏng lại
Những hố tránh bom cá nhân được mô phỏng lại
Trưng bày gồm 3 phần: Tầm nhìn chiến lược; Hà Nội 12 ngày đêm - Máu và hoa; Hoa chiến thắng. Trưng bày tập trung giới thiệu những sưu tập tài liệu, hình ảnh, hiện vật, những câu chuyện kể về cuộc sống sinh hoạt, lao động trong chiến tranh khốc liệt, về tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972.
 
“Đây là bức ảnh cuối cùng trong cuốn phim ngày 16/7 của tôi. Bằng linh cảm của một người lính, một phóng viên chiến trường, tôi biết Bác Hồ sẽ đội chiếc mũ sau khi hỏi thăm chiến sĩ và chớp nhanh khoảnh khắc ấy. Ra trận địa giữa ngày hè, Bác ân cần hỏi đại đội có nóng không, có mệt không”, đại tá Xuân Mai kể.
 
Ông Philippe Le Failler - Trưởng đại diện Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội cùng người cựu chiến binh Việt Nam tham quan triển lãm.
Ông Philippe Le Failler - Trưởng đại diện Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội cùng người cựu chiến binh Việt Nam tham quan triển lãm.
Trước sự tấn công ác liệt của kẻ thù, Hà Nội đã biến đau thương thành hành động cách mạng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng. Với sự chủ động, sáng tạo, các lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân, quân dân Thủ đô Hà Nội đã phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân vững chắc, hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng.
 
Giữa mưa bom, bão đạn, khói lửa ngút trời, những người con quả cảm vẫn bền gan, vững chí bám trụ trận địa, tiêu diệt máy bay địch, làm cho chúng kinh hồn khiếp vía.
 
Hiện vật xe xích lô HB-541 từng tham gia chở bánh kẹo, vận chuyển đất đá, cấp cứu người bị nạn,...và có khi xe trở thành nhà hộ sinh “bất đắc dĩ”.
Hiện vật xe xích lô HB-541 từng tham gia chở bánh kẹo, vận chuyển đất đá, cấp cứu người bị nạn,...và có khi xe trở thành nhà hộ sinh “bất đắc dĩ”.
Mảnh xác máy bay B52 quân và dân Hà Nội bắn rơi đêm ngày 18 rạng sáng 19/12/1972.
Mảnh xác máy bay B52 quân và dân Hà Nội bắn rơi đêm ngày 18 rạng sáng 19/12/1972.
Triển lãm đã tái hiện một cách sinh động, chân thực về cuộc sống, không khí chiến đấu, phục vụ chiến đấu qua những ký ức của người Hà Nội; những thắng lợi của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, diện mạo phát triển của Thủ đô sau 50 năm cũng như quan hệ ngoại giao, hợp tác Việt - Mỹ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.
 
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ W.P.Rogers ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/01/1973.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ W.P.Rogers ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/01/1973.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhân dân Hà Nội chuẩn bị đón tết Quý Sửu trong niềm vui chiến thắng, gia đình sum họp. 50 năm sau “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không”, Hà Nội phát triển rực rỡ trong hòa bình và hữu nghị… Những con phố xưa từng chìm trong hoang tàn và khói lửa, nay đã chuyển mình vươn lên.
 
Thông qua các tư liệu, hình ảnh, hiện vật, câu chuyện của nhân chứng lịch sử, trưng bày chuyên đề giúp cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của người Hà Nội trong những tháng ngày khói lửa - một Hà Nội kiên cường, lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh chính nghĩa... Đồng thời góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay thêm tự hào về truyền thống cách mạng, quyết tâm học tập, rèn luyện để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
 
Theo Thúy Hiền/VTV.vn 
 

.