(Báo Quảng Ngãi)- “Ông ngoại - Và những câu chuyện kể” là tập sách của tác giả Đinh Hoài Bắc - nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, đại biểu Quốc hội khóa X, khóa XI. Tập sách được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 10/2022, gồm 10 chương, như những lát cắt của cuộc đời anh Đinh Hoài Bắc, ngoảnh lại đã gần 70 năm.
Tôi công tác ở đơn vị cấp phòng mà anh Đinh Hoài Bắc là chỉ huy. Với góc nhìn của một người lính về người lãnh đạo của mình, tôi thật sự kính trọng và ngưỡng mộ anh về phong cách chỉ huy. Dù ở cương vị nào, khi sinh hoạt đời thường anh luôn gần gũi chan hòa với cán bộ, chiến sĩ. Còn lúc công tác thì anh luôn kiên quyết, khôn khéo xử lý các tình huống nghiệp vụ đúng pháp luật và theo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Việc nước, việc ngành, việc gia đình đâu ra đó, thể hiện anh luôn tôn trọng anh em đồng chí, có lý có tình.
Thỉnh thoảng, tôi và anh em trong đơn vị có dịp đi công tác cùng anh trong lĩnh vực bảo vệ an ninh chính trị nội bộ. Thời gian công tác như lập trình sẵn, anh có khả năng viết lách soạn thảo văn bản, trình bày báo cáo chuyên đề trên máy tính, máy chiếu... thành thạo mà không cần sự hỗ trợ của các trợ lý. Do khoảng cách giữa lãnh đạo và người chiến sĩ, tôi có giới hạn không thể tiếp cận thường xuyên, dù độ tuổi của anh và tôi suýt soát nhau. Khi biết tôi có khả năng sáng tác thơ văn, anh luôn động viên, khuyến khích để tôi tập trung vào năng khiếu viết lách của mình và phát triển trên con đường văn học. Năm 2010, tôi nghỉ hưu theo chế độ. Sau đó 5 năm, anh cũng nghỉ hưu. Kể từ đó, anh Bắc và tôi ít có dịp gặp nhau, ngồi bên nhau tâm sự chuyện riêng chung, nhưng anh em giữ liên lạc qua các phương tiện thông tin...
Trong tập bút ký này, được biết anh Đinh Hoài Bắc là người giỏi văn từ bậc tiểu học, trung học, những bài văn của anh được thầy cô chọn đọc trước lớp. Anh âm thầm sáng tác những bài thơ thay cho lời tâm sự của mình mà lời nói chưa thể kể hết. Có thể nói, thơ của anh Đinh Hoài Bắc gần với ngôn ngữ đời thường. Đó là tình cảm của anh với thầy cô, với bạn bè dưới mái trường anh đã học, ký ức đâu đó lại hiện về:
“Ta về tìm ký ức xưa/ Đến nơi xa tắp cơn mưa chiều về/ Mái trường xưa đó Chi Nê/ Bỗng như lại cứ hiện về trong tôi...”
(Về miền ký ức). Những cánh chim là học sinh các dân tộc ở miền Nam trên đất Bắc về đây hội lớp, hội trường gặp lại và thăm thầy cô cũ như một lời tri ân:
“Học sinh dân tộc miền Nam/ Là niềm kiêu hãnh, vô vàn kỷ cương/ Dẫu mai đi khắp nẻo đường/ Xin ghi khắc mãi yêu thương cô thầy...”
(Ơn thầy nhớ bạn đừng quên). Cảnh cũ người xưa giờ nơi đâu, vẫn là những địa danh quen thuộc Núi Cốc, Thái Nguyên nhưng đong đầy thương nhớ: “Ai như bạn cũ trên đồi vắng/ Bát ngát nương chè, hương tỏa bay/ Tôi như thể chàng trai Núi Cốc/ Soi bóng dòng Công nhỏ lệ đầy...” (Về thăm Núi Cốc - Thái Nguyên xưa).
Anh Đinh Hoài Bắc còn sáng tác một số bài thơ về truyền thống, tấm gương sáng trong lực lượng công an nhân dân, có lẽ do khuôn khổ một tập sách, anh chỉ giới thiệu một bài thơ tiêu biểu. Khi Tết đến Xuân về, nhà nhà sum vầy, các chiến sĩ vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ để đem đến mùa xuân bình yên cho nhân dân:
“Bước chân thầm lặng nơi trận tuyến/ Yên lành phố nhỏ giấc nồng say/ Đêm nay không ngủ nghe xuân thức/ Để niềm vui đến với muôn nơi...”
(Chút Xuân). Cảm xúc thơ về cuộc đời, cuộc sống, trong quá khứ và hiện tại mãi chan chứa trong tâm hồn “ông Ngoại” Đinh Hoài Bắc.
Tập sách về
“Ông ngoại - Và những câu chuyện kể” với giọng văn chậm rãi theo lối kể chuyện mang đến cho bạn đọc hiểu thêm, chia sẻ, đồng cảm với cuộc đời và gia đình của anh Đinh Hoài Bắc. Những vui buồn, hạnh phúc, gian nan vất vả, hoài bão của tuổi trẻ... rồi cũng đi qua. Anh luôn tâm niệm sống đẹp, chân tình để con cháu mình có thể tự hào về “ông ngoại” đã có một thời như thế!
HỒ NGHĨA PHƯƠNG