(Báo Quảng Ngãi)- Trong công tác trùng tu di tích, tính nguyên gốc phải đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, tự thân tính nguyên gốc sẽ nói với hậu thế nhiều điều quý giá, mà những công trình mới không thể nào có được.
[links()]
Đối với việc trùng tu di tích, nói thì có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề hóc búa. Cái khó là các vật liệu cổ (gạch nung, gỗ, vôi cát mật...) không bền, bị hư hỏng theo thời gian, muốn làm ra nguyên bản không phải dễ, nếu làm được thì thật là một kỳ công. Các kiến trúc đền đài, miếu mạo, lăng tẩm ở cố đô Huế cũng gặp trường hợp hóc búa này: Các vật liệu gỗ, vôi vữa phân hủy, hủ mục theo thời gian, nếu thay bằng vật liệu mới thì không khó, nhưng thay bằng vật liệu mới thì không còn gì là di tích.
Nhà bia mộ Trấn quận công Bùi Tá Hán, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) xây dựng vào triều vua Tự Đức. Ảnh: CAO CHƯ |
Nhà mộ và bia mà ngày nay ta thấy trước đền thờ chính là mộ dựng triều vua Tự Đức, cách nay khoảng 150 năm. Nếu muốn ta cũng không thể có cái mộ ban đầu (xây vừa khi cụ Bùi mất) cách nay trên 450 năm, mà chỉ có mộ đã được xây dựng thay thế cách nay 150 năm. Như vậy trong trường hợp cụ thể này, thì cái nguyên gốc phải được hiểu là cái xưa nhất còn tồn tại. Xét trong phạm vi di tích Bùi Tá Hán (được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1990), trừ các di vật, nếu nói nguyên gốc thì lăng mộ này là nguyên gốc nhất.
Tôi đã đến viếng mộ cụ Phó tướng Quảng Nam doanh Mai Đình Dõng, một bộ tướng của Chúa Nguyễn Hoàng hồi đầu thế kỷ XVII. Mộ nằm trên núi Phú Thọ, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi). Tôi tưởng sẽ tìm lại được dấu tích xưa, nhưng khi đến nơi thì thất vọng bởi mộ mới được xây bằng xi-măng, thay cho lớp vôi, cát, mật. Trùng tu kiểu này thì khác chi xóa luôn dấu tích xưa!.
Không phải biết nghề xây dựng là có thể trùng tu được di tích. Từ vật liệu, kiểu dáng, kích cỡ, chưa kể các hình khắc phù điêu, biểu tượng mang tính linh thiêng ngày xưa khác nay rất nhiều... Do vậy mà đã có những văn bản quy định về trùng tu di tích, trong đó yếu tố nguyên gốc luôn là một nguyên tắc bất di bất dịch. Các doanh nghiệp muốn tham gia trùng tu di tích thì phải đi học và được cấp chứng nhận. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Huế... có nhiều di tích cổ, nên có những doanh nghiệp chuyên trùng tu di tích. Họ có đội ngũ chuyên nghiệp, có tay nghề cao, nhìn thấy các di tích, họ biết phải làm gì để không phương hại đến di tích.
Trùng tu di tích khác với xây dựng lại hay xây mới, bởi hai chữ "trùng tu" đã nói lên tất cả. Bởi thế, trong pháp luật về di sản văn hóa có quy định chặt chẽ quy định, quy trình, thẩm quyền về trùng tu di tích. Tương tự là trường hợp phục hồi di sản, như dựng lại nhà ở cổ truyền của một dân tộc, nếu không tuân thủ tính nguyên gốc, thì cũng không có lý do gì để phục dựng. Tính nguyên gốc cần được đặt lên hàng đầu trong trùng tu di tích. Bởi lẽ, tự thân tính nguyên gốc sẽ nói với hậu thế nhiều điều quý giá, mà những công trình mới không thể nào có được.
CAO CHƯ