(Báo Quảng Ngãi)- Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Phú sinh ra tại phường An Vĩnh, tổng Lý Sơn, huyện Bình Sơn, phủ Hòa Nghĩa vào khoảng thế kỷ XVIII, nay là thôn Tây, An Vĩnh, huyện Lý Sơn.
[links()]
Tài liệu lưu giữ tại nhà thờ họ Võ Văn, làng An Vĩnh nêu rõ: “Ngày 15 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) do Hà Liễu là Cai hợp Cù Lao Ré, phường An Vĩnh đứng tên xin chấn chỉnh đội Hoàng Sa. Nguyên xã chúng tôi xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Năm Tân Mùi, Đốc chiến là Võ Huệ đã đệ đơn xin tâu, được lập thêm hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và Quế Hương Hàm với số đinh 30 người...”.
Lễ thả thuyền trong nghi thức cúng tế khao lề thế lính Hoàng Sa. ẢNH: M.T |
Sách Đại Nam thực lục chính biên, quyển XXII có đoạn viết: “Khâm sai thiết thủ Sa Kỳ hải môn kiêm tri Hoàng Sa các đội Cai cơ thủ ngự”, tức là cử Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch thiết lập đội Hoàng Sa, nên Võ Văn Phú vừa làm Khâm sai Cai thủ cửa biển Sa Kỳ, vừa kiêm Cai cơ Thủ ngự quản đội Hoàng Sa. Vì được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng nên giao cho Võ Văn Phú kiêm quản các đội khác như đội Bắc Hải để thực hiện nhiệm vụ đo đạc thủy trình ở quần đảo Hoàng Sa.
Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ ghi chép: “Ất Hợi chính nguyệt, khiến Hoàng Sa đội Phạm Quang Ảnh đẳng vãng Hoàng Sa thám độ thủy trình”, nghĩa là: “Tháng Giêng năm Ất Hợi (1815), vua Gia Long sai đội trưởng Phạm Quang Ảnh dẫn đội Hoàng Sa đến quần đảo Hoàng Sa để xem xét thủy trình”. Như vậy, Võ Văn Phú làm Cai đội Hoàng Sa - Bắc Hải trong khoảng thời gian từ năm 1803 - 1814, kế nhiệm là Cai đội Phạm Quang Ảnh, người cùng phường An Vĩnh, Cù Lao Ré. Phạm Quang Ảnh đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa, để tưởng nhớ công lao của ông nên đã đặt tên ông cho một hòn đảo trong nhóm Lưỡi Liềm là đảo Phạm Quang Ảnh.
Theo ghi chép của Nguyễn Thông trong Việt sử Cương giám khảo lược năm 1876, quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa - Bắc Hải kéo dài khi vua Gia Long thiết lập triều Nguyễn đến thời vua Tự Đức thì lắng xuống. Bởi lẽ, thời gian này vùng biển Việt Nam đang bị thực dân Pháp uy hiếp, đặt ách đô hộ. Qua một số sử liệu viết về Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Phú cho thấy, nhà Nguyễn rất quan tâm đến vấn đề trị an, bảo vệ an ninh, an toàn và chống nạn cướp biển trong vùng biển Quảng Ngãi, đặc biệt là ở các tấn sở, cửa biển có vai trò quan trọng về mặt quân sự, giao thương hàng hải. Trường hợp vua Gia Long cử Võ Văn Phú giữ chức Khâm sai Cai thủ và Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ là nhiệm vụ khá quan trọng.
Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều cửa biển như Sa Huỳnh, Mỹ Á, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Sa Cần và đảo Lý Sơn, đều là những nơi có vị trí quan trọng trên tuyến đường hàng hải Bắc Nam nước ta, cũng là cửa ngõ để đi đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên thường xảy ra nạn cướp biển, nhất là trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX. Giặc Tàu Ô (bọn ác phỉ) ngoài biển thường tấn công lên đảo Lý Sơn cướp bóc của cải, lương thực, giết người, đốt nhà. Nổi cộm nhất là vào năm Kỷ Dậu (1789), gia phả họ Võ Văn, làng An Vĩnh còn ghi chép: “Vào ngày 6 tháng 10 năm Kỷ Dậu có 15 chiếc thuyền chở giặc Tàu Ô tiến vào Lý Sơn cướp phá, đốt nhà gây kinh hãi cho nhân dân trên đảo”. Hiện nay, đảo Lý Sơn có địa danh hang Kẻ Cướp ở Cù Lao Bờ Bãi (đảo Bé), ghi dấu sự kiện giặc Tàu Ô lấy nơi đây làm đại bản doanh, làm bàn đạp tấn công sang đảo Lớn và đất liền để cướp của, giết người gây kinh hoàng cho nhân dân.
Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Phú được thờ tại nhà thờ họ Võ Văn, làng An Vĩnh. Ông là người có công rất lớn trong việc thiết lập đội Hoàng Sa dưới thời vua Gia Long và giữ yên vùng cửa biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi trong suốt thời gian khá lâu. Hằng năm, vào dịp lễ cúng việc lề và tế lính Hoàng Sa ngày 16 tháng 2 âm lịch, con cháu tề tựu đông đủ về nhà thờ để thắp hương tưởng niệm bậc tiền nhân đã có công gìn giữ biển đảo của Tổ quốc.
VÕ MINH TUẤN