(Báo Quảng Ngãi)- Căn nhà nhỏ, đúng hơn là cái chòi lá nằm trên bờ đê lất phất trong buổi chiều chập choạng. Ở căn nhà đó, vào mỗi buổi chiều người đi ngang qua thường thấy có hai bà cháu ngồi với nhau, từng làn khói bay lên len lỏi qua nếp nhà thơm nức trong bóng chiều.
Cơm nước xong xuôi, người bà nhắc đứa cháu bưng mâm cơm ăn dở ra sàn nước. Tiếng nước chảy róc rách. Con sóng ngoài sông từng đợt vỗ vào bờ, nó càng mạnh hơn sau khi chiếc tàu cuối cùng của ngày chạy về cái xóm nhỏ xa xôi, heo hút. Sống giữa mảnh đất vắng vẻ, buồn tênh này, Hoài ít có niềm vui cho riêng mình. Trừ những câu chuyện cổ tích mà mỗi tối bà thường hay kể, chuyến tàu sông chính là niềm vui, niềm mong đợi lớn nhất của Hoài.
Hoài thích nhìn chuyến tàu sông chạy qua. “Nó đẹp lắm! Lớn lắm!”, Hoài nói vậy với bà sau khi bà hỏi Hoài sao chiều nào cũng đứng dưới bến đợi chuyến tàu chạy về. Bà nói Hoài gạt bà, chiếc tàu mà bà nhìn thấy mỗi chiều nhỏ xíu, ngắn ngủn, cái ống khói bé tẹo bên trên nhả khói chậm rãi trắng đục. Ngoại trừ những người ngồi lum khum trước mũi tàu thì chẳng còn gì để bà ngắm. Hoài vẫn tin rằng ý niệm của mình về chiếc tàu trong mỗi buổi hoàng hôn là đúng. Trong thâm tâm của Hoài, chiếc tàu đẹp tựa như một con cá khổng lồ có hai con mắt sáng rực rỡ ở trước mũi, lừ lừ tiến về xóm vắng.
Lúc còn bé, bà vẫn thường để Hoài trên chiếc võng bên mái hiên để nó tự lắc lư theo gió, còn bà làm những việc lặt vặt quanh nhà như gom củi, trồng rau. Hoài ngoan lắm, ít khi khóc đòi mẹ. Bà nghĩ chắc Hoài trời sinh trời dưỡng, nên từ nhỏ tới lớn Hoài chưa một lần bệnh tật, có cũng chỉ là ho, sốt nhẹ, bà chỉ cần bơi xuồng ra ngoài đầu sông mua ít thuốc pha với sữa cho Hoài uống là khỏi bệnh. Người trong xóm nhỏ xa xôi nói mẹ Hoài đi theo tiếng gọi của tình yêu, người khác độc mồm hơn thì bảo mẹ Hoài đi theo trai bỏ đứa con đỏ hỏn ở nhà với người bà gầy còm lẻ bóng.
Từ đó, Hoài lớn lên như chim trời, như cây cỏ. Thời gian thấm thoắt trôi. Mấy mùa xuân đi qua trên cánh đồng đêm đêm một nửa vầng trăng soi sáng. Hoài thấy mình cũng như một nửa vầng trăng, nửa còn lại mất hút, hoặc là mẹ, hoặc là chiếc tàu. Mẹ thì đi xa, còn chiếc tàu thì Hoài vẫn chưa một lần đặt chân lên. Vì thế, bên cạnh ước mơ được một lần nữa gặp lại mẹ trong cuộc đời, Hoài còn ước mơ được bước chân lên chiếc tàu có màu gỗ nâu trầm. Chiếc tàu của mơ ước.
Người ta nói với Hoài rằng, mẹ Hoài đi theo chiếc tàu ấy, thì Hoài cứ lần theo đó mà tìm. Nhưng Hoài nào biết con sông ấy chảy về đâu, cả bà cũng không biết. Bởi sông dài lắm, như cuộc đời. Bà thường ví cuộc đời mình dài dằng dặc như là sông, trôi mông lung như là nước. Sông trôi về phương nào mang theo mẹ của Hoài. Những con sông không bao giờ ngưng chảy. Những con sông chở trên mình những chiếc tàu, trong số đó có chiếc tàu gỗ màu nâu thâm trầm mà Hoài yêu.
Giá mà chiếc tàu ấy dừng lại để Hoài ngắm thêm chốc lát - Hoài nghĩ vậy trong những lần ngồi ngắm tàu. Nhưng rồi ý nghĩ ấy vụt đi mất hút. Không, Hoài không thể ích kỷ như vậy, bởi đời tàu sinh ra là để chạy, đời người sinh ra là để bôn ba trên những chuyến đời, ngược xuôi, nổi nênh. Tàu phải chạy để người muốn đi sẽ được ra đi, người muốn tìm sẽ có thể lận đận đi tìm, và người muốn quay về sẽ được ngồi trên một chuyến đò định mệnh nào đó mà quay về bờ cũ. Hoài nghĩ tới chuyến trở về của mẹ, nhưng dường như điều đó là vô vọng. Bà nói: “Mẹ mày không về nữa đâu”. Không phải bà nhẫn tâm cắt đứt mầm hy vọng trong Hoài, mà bà sợ Hoài thất vọng. Bà nói thêm: “Nếu mẹ mày về thì đã về từ lâu rồi! Mày đừng hy vọng nữa. Mày đừng trông chờ vào chiếc tàu đó nữa. Tàu không bao giờ ghé lại bến mình nữa đâu”.
Hoài vẫn chờ. Dù nắng mưa, dù sóng gió. Dù làm gì thì chiều chiều Hoài cũng ra bờ sông đợi chuyến tàu đi ngang qua phả khói trắng trên sông chiều. Trên bầu trời có cánh chim nghiêng nghiêng phiêu linh trong gió thổi. Trong nhà chỉ có hai bà cháu Hoài sống những tháng ngày không quá chật vật, không quá an yên, mỗi thứ chỉ dừng lại ở độ lưng chừng như một nửa vầng trăng nghiêng trong tiềm thức của Hoài. Một nửa vầng trăng là một nửa mảnh ghép. Nó đang đợi chờ một nửa mảnh ghép còn lại trùng khít để ánh sáng của nó càng trở nên tinh khôi hơn, rực rỡ trong những đêm tịch mịch. Nhưng mẹ không trở về.
Người thì nói mẹ đi tìm ba. Người thì nói mẹ đi theo một người đàn ông khác. Bà hỏi Hoài có giận mẹ hay không, bởi mẹ đã bỏ Hoài đi ngót nghét cũng đã mười năm. Mười năm, mười mùa xuân đi qua trên cánh đồng lộng gió. Hoài vẫn đợi. Có những buổi chiều Hoài nhớ mẹ, khi thấy cánh chim chiều bay la lả tìm về tổ ấm, Hoài ước giá mà mình cũng giống như con chim được ngủ yên trong đôi cánh ấm áp yêu thương của mẹ. Bà nói đợi chờ chỉ thêm thất vọng. Bà không đợi mẹ, dù bà cũng thương mẹ. Không thương sao được khi mẹ chính là đứa con gái duy nhất mà bà dứt ruột đẻ ra. Rồi mẹ sinh ra Hoài. Nhiều người lần lượt ra đi trên bến sông này và những bến sông khác nữa. Xóm ngày càng thưa vắng. Người ta cầu mong an vui chốn khác mà bỏ xa cái chốn khỉ ho cò gáy này. Người ta thích đèn điện hơn đèn dầu, thích nhà cao tầng hơn chòi tranh vách lá...
Hoài vẫn nuôi hy vọng. Con tàu không lớn lên như cuộc đời của Hoài, nhưng nó vẫn chảy trong tâm tưởng của Hoài. Con tàu mang theo bóng hình của mẹ. Thời gian trôi qua, con tàu nâu trầm ngày một nâu trầm hơn nữa. Nước sông ngấm vào từng thớ vỏ của chiếc tàu, nó bóng loáng lên từng ngày, nó đẹp hơn nhưng lặng lẽ và u buồn hơn. Bây giờ, điều mà Hoài lo sợ nhất có lẽ là sự biến mất của con tàu và sự ra đi của bà. Mỗi lần ngồi nhổ tóc sâu cho bà, Hoài lại ướt đôi mắt. Bà như ngọn đèn trước gió, còn Hoài như cái cây lớn dần lên trên cánh đồng mùa xuân. Hoài đẹp như mẹ - bà nói vậy. Tóc Hoài dài, da dẻ Hoài trắng hồng như da dẻ của mẹ. Hoài vẫn thường mơ, có thể là thấy mẹ, nhưng chưa bao giờ Hoài mơ thấy chiếc tàu gỗ nâu cập bến...
Thế rồi, một buổi chiều Hoài đứng trên bến sông. Gió lất phất. Vầng trăng mọc sớm, nhưng chỉ nghiêng nghiêng một nửa rất đẹp. Hoài bỗng thấy chiếc tàu chạy ngược, không xuôi chiều về xóm vô danh mù tít như từng ấy năm chiếc tàu vẫn chạy. Tàu ngược chiều. Hoài thấy không thuận mắt lắm, vì vốn dĩ Hoài quen nhìn con tàu chạy theo cái chiều thân quen. Chuyến tàu ngược ấy mang đến cho Hoài một niềm hy vọng mới, nhất là khi Hoài thấy bóng dáng một người phụ nữ ngồi cạnh người đàn ông trên mũi tàu ngóng về phía Hoài, với tay về phía Hoài. Hoài không nhìn rõ mặt vì cái màu đỏ ối của hoàng hôn phủ mờ tất cả, nhưng lòng Hoài vỡ ra. Nước mắt ứa thành từng giọt lăn dài trên đôi gò má. Chiếc tàu rẽ sóng. Hoài đứng ở bến, nghĩ thầm: Trời ơi, con tàu không ghé lại bến này chắc Hoài tan lòng nát dạ, đau hơn cả từng ấy năm đón đợi mong chờ. Bà nói đợi chờ chỉ thêm thất vọng. Hoài sợ vậy, Hoài lỡ đã đợi chờ bao mùa trăng không nhớ rõ. “Mẹ ơi” - Hoài không cố ý nhưng tự hai tiếng đó phát ra trong sâu thẳm của Hoài.
Rồi chiếc tàu ngược từ từ cập bến. Hoài càng nức nở hơn. Đúng thật là mẹ rồi. Mẹ đứng trên mũi tàu nhìn về phía Hoài. Chừng ấy năm Hoài chưa từng gặp mẹ, nhưng trong hình dung của Hoài về mẹ đúng như người đàn bà đang đứng trước mũi tàu, cạnh một người đàn ông mà Hoài biết chắc đó là ba chứ không phải người nào khác, vì Hoài đã nhìn rõ khuôn mặt của người đó, trên khuôn mặt có những đường nét giống Hoài như đúc. Hoài gọi: "Mẹ ơi!". Hoài trờ tới, nếu không phải là nước sông, thì Hoài đã chạy lại cạnh chiếc tàu. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời Hoài trông thấy chiếc tàu thật, thấy mẹ thật ngoài đời. Một niềm hạnh phúc dâng lên ngập lòng Hoài. Hoàng hôn chập choạng, mẹ với ba bước lên trên bờ đất, chiếc tàu đi xa nhưng Hoài không thấy tiếc nuối, cũng chẳng hỏi tại sao ba mẹ lại bỏ Hoài đi chừng ấy năm trời. Bà nói sống là để thứ tha. Bởi giờ đây Hoài đã được hơi ấm từ mẹ truyền sang như dòng sữa ngọt ngào của mẹ chảy vào lòng Hoài cái thuở nằm nôi xa xưa lắm...
Bà tát nhẹ lên má Hoài, tuy nhẹ nhưng đủ để Hoài đau và mở mắt ra. Những tia nắng chiếu rọi vào mắt Hoài chói lòa, nắng ngoài song cửa thì nhảy múa, vàng ửng. Bà nói:
- Mày mơ thấy gì mà ú ớ vậy Hoài?
Hoài dáo dác nhìn xung quanh. Rồi nhìn bà. Trong lòng Hoài ngổn ngang những dấu hỏi, còn tim Hoài thì buốt đau. Hoài nhận ra tất cả chỉ là một giấc mơ. Mẹ, ba và chiếc tàu gỗ nâu trầm chỉ hiện về trong tiềm thức chứ không phải là ba mẹ bằng xương bằng thịt, cũng không phải là chiếc tàu bằng thứ gỗ nâu nồng mặn vị nước sông.
Hoài nhắm nghiền mắt, hai hạt nước sóng sánh lăn xuống đôi gò má của Hoài, chảy vào bờ môi mặn chát. Trong thanh âm của tiếng chim ca và gió thổi, tiếng nước sông rạt rào, Hoài chợt nghe tiếng nói thâm trầm của bà: “Nín đi con, vẫn cứ chờ, con nhé! Chỉ cần con cảm thấy điều đó đã là hạnh phúc!”...
Trong phút chốc, những xót xa tan biến, chỉ còn lại sự dịu dàng, bao dung và ấm áp hiền lương.
HOÀNG KHÁNH DUY