Để dân ca, bài chòi sống cùng thời gian

04:06, 21/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm đưa những làn điệu dân ca, bài chòi đến với đông đảo người dân, huyện Tư Nghĩa đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Dân ca - Bài chòi. Khi nghe huyện định hướng bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca, bài chòi, các bậc cao niên như "sống lại một thời vàng son" ngày trước...
 
[links()]
 
Vào mỗi buổi chiều, các thành viên trong CLB Dân ca - Bài chòi huyện Tư Nghĩa lại cùng nhau tập luyện tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện. Chủ nhiệm CLB Dân ca - Bài chòi huyện Tư Nghĩa Huỳnh Hữu Đạo cho biết, để chuẩn bị cho buổi diễn ở cuộc thi tuyên truyền lưu động cấp tỉnh vào tháng 7/2022, dù bận rộn việc riêng nhưng các thành viên trong CLB luôn sắp xếp thời gian để tập luyện. Ai cũng say sưa để mang đến những tiết mục hay cho khán giả. Câu lạc bộ là nơi gắn kết những người cùng chung niềm đam mê dân ca, bài chòi. Mong rằng, niềm đam mê này sẽ ngày càng được lan tỏa.
 
 Các thành viên biểu diễn ở Lễ ra mắt Câu lạc bộ Dân ca - Bài chòi huyện Tư Nghĩa.
Các thành viên biểu diễn ở Lễ ra mắt Câu lạc bộ Dân ca - Bài chòi huyện Tư Nghĩa.
Khẽ ngân nga lời ca trong vở tập, chị Phạm Thị Vỹ Dung như đắm chìm trong làn điệu dân ca. Chị Dung bộc bạch, năm 2000, tôi tham gia công tác đoàn thanh niên thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) và bén duyên với dân ca, bài chòi từ lúc đó. “Tôi được huyện cử tham gia tập huấn ở các lớp văn nghệ quần chúng, phân biệt được các làn điệu và luyện tập thường xuyên nên dần tự tin biểu diễn dân ca, bài chòi do huyện, tỉnh và trung ương tổ chức. Dân ca, bài chòi mộc mạc, gần gũi nên đã góp phần rất lớn vào việc tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước”, chị Dung cho hay.
 
Anh Nguyễn Viết Hiệu, ở thị trấn Sông Vệ, cũng rất yêu thích loại hình nghệ thuật dân ca, bài chòi. Bên cạnh việc biểu diễn, anh Hiệu còn tự sáng tác lời hát dựa trên những làn điệu cổ. Như từ giai điệu của bài Vọng Kim Lang, anh Hiệu viết lời mới để bày tỏ niềm phấn khởi của nhân dân Tư Nghĩa khi có cuộc sống đầy đủ, ấm no như: “Có ai qua Tư Nghĩa quê mình/ Anh xin mời các bạn ghé vô thăm/ Quê tôi nước non yên bình/ Người dân cuộc sống ấm no, nước non chan hòa yên vui”... “Từ ngày còn trẻ, tôi được tham gia hỗ trợ các bác, các chú tổ chức những hội thi, buổi diễn văn nghệ quần chúng. Thấy dân ca, bài chòi được huyện và nhân dân quan tâm đã cổ vũ chúng tôi tiếp tục phát huy giá trị nghệ thuật của các loại hình dân ca này”, anh Hiệu trải lòng.
 
Nhìn thấy lớp trẻ hăng say luyện hát dân ca, bài chòi, những bậc cao niên cũng phấn khởi khi nghệ thuật truyền thống được gìn giữ, phát huy. Ông Phạm Văn Sự (80 tuổi), ở tổ dân phố 3, thị trấn La Hà kể, thời kháng chiến chống Mỹ, tôi và đồng đội được nghe các nghệ sĩ đoàn văn công tỉnh, huyện biểu diễn dân ca, bài chòi. Những làn điệu da diết, hào hùng đã góp phần rất lớn trong việc động viên tinh thần chiến sĩ. Như bài Ba Tơ quê mẹ anh hùng có lời “Ba Tơ quê mẹ anh hùng/ Trồng lúa lúa tốt, trồng chông chông dài/ Quê ta gái giỏi trai tài/ Biết làm tên ná, biết mài thanh gươm/...” hay “Nhớ anh Kiệt, anh Chánh, anh Đôn/ Trong đoàn du kích, áo sờn hai vai!/ Rừng sâu nếm mật nằm gai...”. Những lời ca đó theo tôi cho đến mãi bây giờ. Vậy nên, khi hòa bình lập lại, bên cạnh việc góp công sức xây dựng quê hương, tôi còn tham gia phong trào văn nghệ quần chúng.
 
“Giờ tuổi đã cao, không thể góp sức vào hoạt động văn hóa văn nghệ, song tôi rất vui khi lớp trẻ trong huyện biết phát huy, tiếp nối truyền thống, không để những làn điệu dân ca, bài chòi bị lãng quên”, ông Sự bày tỏ.
 
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
 
 

.