Truyện ngắn: Mưa mùa hạ

03:05, 10/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ông Sáu mất ăn mất ngủ mấy ngày nay, cứ liên tục đi ra đi vào dõi mắt nhìn ra đám lúa phía trước nhà để canh chừng. Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là vào vụ gặt mà 4 sào lúa bị mưa gió quật tơi tả, ngã rạp.
 
Ông quấn điếu thuốc lá, châm lửa đưa lên miệng rít liên hồi, rồi thở dài nói với vợ:
 
- Nghe đài báo có mưa bất thường, nhưng tôi không nghĩ nó tới mức vậy. Mùa hè gì mà mưa như mùa lũ, trở tay không kịp.
 
- Ừm ông, cứ nghĩ chắc ăn, ai dè! Bà Tám vợ ông Sáu vừa nói vừa tranh thủ tuốt những cọng rơm khô làm dây buộc, chuẩn bị ra đồng bó lúa.
 
Người ta thường hay nói “già cậy con”, khổ nỗi ông bà chẳng thể nhờ vả chúng nó được gì, nhất là trong những trường hợp bất đắc dĩ như thế này. Vì mưu sinh, vì hạnh phúc gia đình, mỗi đứa phiêu bạt một phương, chọn cho mình nơi đáng sống để trụ lại, gần lắm thì cũng hơn 600 cây số.
 
Lưng bà Tám còng theo thời gian, việc đi lại có phần nặng nề. Dáng bà nghiêng ngả theo từng đợt gió mạnh lùa qua. Ông Sáu cố gắng đi trước, lấy thân mình che chắn, thi thoảng dùng tay dìu vợ bước đi trên bờ đắp nhỏ.
 
Mưa như trút, nước dâng cao theo mương chính chảy tràn vào ruộng, lênh láng. Tới đám ruộng của gia đình, bà Tám bỗng dưng quỵ xuống, òa khóc khi chứng kiến cảnh những bông lúa chắc hạt bị ngâm trong biển nước đục ngầu. Ông Sáu lặng thinh, chẳng biết khuyên vợ điều gì, khẽ chỉnh lại cái áo mưa tiện lợi bị rách toạc mà bà đang mặc trên người, cột những chỗ thủng lại để bà đỡ ướt và lạnh. Xong xuôi, ông lội xuống ruộng đỡ từng nhánh lúa, rồi bó lại thành từng bó. Tuổi cao sức yếu, cứ vài bước ông lại té nhào vì lớp bùn non bám chặt hai bàn chân như keo dính. Bà Tám thấy vậy vội vàng tiến gần lại để phụ giúp. Hai vợ chồng hì hục ngoài đồng, mặc cho mưa phả vào mặt đau như dao cứa.
 
-  Cố dựng hết lúa dậy nghen bà nó, chứ ngâm lâu thế này thì hỏng hết.
 
- Không biết vụ này có đủ bù lại chi phí đầu tư không ông ơi, não ruột quá...
 
***
 
Vợ chồng ông Sáu đỡ từng khóm lúa cho khỏi ngập nước, đến tận ba hôm sau mới xong việc. Mưa cũng ngớt dần, trời bắt đầu hanh nắng, nước rút dần đi, mặt ruộng trở nên khô ráo. Ông Sáu vớ lấy ấm chè nóng, rót một ly đầy thổi cho nguội rồi uống cạn, nở nụ cười đầy mãn nguyện.
 
- Giờ chờ đến ngày gặt, chở lúa về nhà phơi thôi bà nhỉ. Ông Sáu nói với giọng trìu mến.
 
- Ừm ông, tôi chỉ trông bấy nhiêu đó thôi. Mấy đêm rồi thức trắng vì nó. Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời suốt vụ không lẽ mất trắng thì khổ.
 
- Bà đi trước đi, ghé chợ mua ít cá đồng về kho nghệ ăn cơm nhé, chứ mấy hôm rồi bỏ bữa miết. Cá mùa này thì khỏi chê, béo lắm. Tôi đi kiểm tra lại ruộng lúa rồi về sau.
 
- Có lý đó ông ơi. Tôi đi liền!
 
***
 
Đang ngủ, ông Sáu chợt tỉnh giấc bởi âm thanh của máy gặt đập liên hợp ngoài đồng. “Thế là bà con đã thu hoạch lúa rồi”, ông thầm nghĩ.
 
- Bà nó ơi, tranh thủ mua bao đựng lúa nhé. Tôi chạy đi thuê máy suốt lúa đây, trễ là người ta hẹn kín lịch hết, phải chờ họ lâu lắm.
 
- Tôi biết rồi. Bà Sáu đáp lại rồi tiếp tục cho gà ăn sau vườn.
 
Ông Sáu vớ lấy cái áo dài tay đã sờn cũ, khoác vội vào người rồi đạp xe đạp một mạch ra đầu ngõ. Dáng ông nhanh chóng lẩn khuất sau hàng sầu đông. “15, 19, 24...”, tiếng mọi người đua nhau chốt ngày vọng ra từ nhà Sơn - chủ máy gặt trong làng. Thấy vậy, ông Sáu chẳng kịp dừng xe mà đẩy thẳng nó vào hàng chè tàu, hớt hải chạy tới hô lớn:
 
- 26... 6... 6... Gặt cho chú ngày đó con nhé!
Sơn bỏ quyển vở ghi chép xuống, nhìn thử ai réo tên mình và nhận ra ông Sáu, người mà Sơn gọi bằng dượng. Anh cẩn thận rà soát kỹ rồi phán:
 
- Ngày đó còn trống, con chốt cho dượng Sáu. Nghe thế, ông Sáu gật đầu lia lịa tỏ vẻ khoái chí, không quên chào tạm biệt những người quen để ra về.
 
***
 
Giờ hẹn đã điểm. Hôm đó, bà Tám dậy sớm hơn mọi khi, lụi cụi trong bếp để nấu đồ ăn nửa buổi, còn ông Sáu thì cầm rựa ra bụi tre, lựa những thân dẻo chặt vào chẻ lạt.
 
- Máy gặt gần tới ruộng nhà mình rồi đó dượng. Sơn gọi điện thông báo cho ông Sáu.
 
- Cảm ơn con. Dượng, dì ra ngay... ra ngay...
 
“Mỗi sào bình quân 5 - 6 bao, vị chi 4 sào hơn 20 bao. Mình lấy thêm vài cái phòng khi nó vướng, thủng”, ông Sáu lẩm bẩm trong miệng rồi cuộn tròn số bao ấy lại, buộc kỹ lưỡng vào sau xe, phóng nhanh ra ruộng. Bà Tám quảy gánh theo sau, lỉnh kỉnh bát đũa, nước đá, rau sống, mì quảng, nước lèo...
 
Máy gặt men theo những đám ruộng đã thu hoạch để tiến sâu vào đám ruộng của ông Sáu. Sơn gặt một đường dài cạnh bờ để mở đường cho dễ đi, rồi lần lượt xén dần lúa từ ngoài vào tâm đám ruộng theo hình ô vuông, nhìn khá bắt mắt. Từng bao lúa 40 - 50 kilogam được buộc lại, đẩy xuống mặt ruộng xen lẫn dãy rạ vàng dậy lên cái mùi đặc trưng của miền quê dân dã. Một vài trai tráng vác lúa lấy công đang nghỉ ngơi cạnh đó đã tranh thủ giúp ông Sáu vác lúa lên đường bê tông, bởi biết ông không đủ sức để làm việc này. Thoáng chốc, những bao lúa tươi được chất thành đống ngay ngắn. Xe cọc cạch cũng chờ sẵn chở số lúa ấy về sân bóng cạnh đình làng theo lời đề nghị của ông Sáu.
 
-  Alo, con à, ba mẹ suốt lúa xong cả rồi. Ông Sáu vội gọi điện thông báo cho thằng Tâm con ông vì thừa biết tính nó thể nào cũng gọi hỏi thăm hết người này đến người khác.
 
-  Con cũng vừa hay chuyện, cũng định gọi cho ba đây. Ba gắng giữ gìn sức khỏe nha ba, có dịp con sẽ về thăm ạ.
 
-  À... ừ... Ba cúp máy đây. Ông Sáu đột nhiên thần người ra. Chắc có lẽ ông nhớ con nhiều lắm.
 
***
 
Dưới cái nắng hè nóng đến gay gắt, bà Tám trải bạt, đổ lúa ra phơi. Bà đội nón cời, dùng bồ cào đảo lúa liên tục cho mau khô. Đâu vào đấy, bà chọn bóng cây mát ngả lưng. Ông Sáu cứ khúc khích cười mỗi khi bà tháo khẩu trang ra, bởi có tới hai màu da trên gương mặt của bà. Những vị trí không được bịt kỹ đã trở nên đen sạm.         
 
-  Bà ngủ tí cho khỏe đi, để đó tôi cào lúa cho! Ông Sáu an ủi vợ.
 
***
 
Sau hai ngày phơi, bà Tám nhặt vài hạt lúa trên bạt đưa lên miệng cắn thử. Bằng kinh nghiệm của mình, bà biết rằng, lúa đã đạt yêu cầu. Bà dặn ông Sáu ngồi giữ, tránh trâu bò vào giẫm, rồi tự mình đi tìm thương lái tới cân. Ảnh hưởng của thời tiết đã khiến giá lúa giảm. Bà Tám thừa biết, đó cũng là một chiêu trò mà thương lái hay dùng để ép nông dân. 
-  Kệ, dù gì cũng mua hơn người khác một vài giá, bán mà thanh toán tiền phân, giống chứ làm eo họ giận không mua 
nữa thì làm sao. Bà Tám quay sang ông Sáu đá mắt như muốn ông đồng ý với điều đó.
 
- Bà quyết sao cũng được hết. Tôi ủng hộ.
 
Hai vợ chồng bê 3 bao lúa cuối cùng lên xe bò, đẩy về nhà. Đó là số lúa họ trữ để ăn dần cho tới vụ mùa tiếp theo. Bà Tám vừa đi, vừa nghêu ngao câu hát:
 
“...No ấm an lành bỏ qua ngày dầu dãi/ Đầu đội gió trời thương lắm ấy nhà nông/ Thương lắm chân tình cây lúa lại đơm bông/ Nhắn gởi yêu thương trong lòng người xa xứ/ Mỏi gót phong sương trên bước đường lữ thứ/ Xin hãy quay về nơi đất mẹ còn trông...”.
 
Chiều tà dần buông. Lũ trẻ rủ nhau chơi trò quấn đuốc từ rạ, đốt sáng để đuổi bắt chim kéo về đồng “săn” những hạt lúa còn vương vãi khắp nơi. Chứng kiến hình ảnh đó, vợ chồng ông Sáu cảm thấy rất đỗi ấm lòng. Đi qua những ngày mưa mới thấy yêu thêm những ngày nắng!
 
 LÊ NGỌC PHƯỚC
 

.