Truyện ngắn: Dưới bóng tre làng

03:05, 14/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chiều tà, ông Năm đi lững thững ra chỗ bụi tre đầu ngõ để hóng chút gió. Ở đó, có chiếc võng cũ với mấy cái ghế nhựa phai màu, người ta để như vậy suốt ngày đêm. Trưa hay chiều, ai có tránh nắng ra đó, như thể công viên mini của xóm Lữ Phí. Thường xuyên có mặt ở “công viên” là ông Năm Ngại. Ông ưa nói chuyện xa xưa, chuyện cách nay mấy mươi năm. Hình như người già nào cũng vậy, người ta hay nhớ về quá khứ!
 
Ông Năm mới ra, thấy Hai Lành ngồi đó. Hai Lành hay nhớ dai, hay chơi cờ tướng và thích nói về lịch sử. Hai Lành nhỏ hơn ông Năm đúng hai giáp. Tuổi tác tuy cách biệt, nhưng có lẽ ăn ý nên gặp nhau họ nói chuyện rất hăng. Vừa thấy ông Năm, Hai Lành lên tiếng:
 
- Chà! Hôm nay coi bộ nóng quá chú Năm hả. Chú ngồi đây cho mát, với lại có chuyện gì kể nghe cho vui đi chú Năm.  
Ông Năm móc gói thuốc, châm lửa hút, mắt xa xăm: 
 
- Chuyện xưa nhiều lắm, kể sao cho hết. Đôi khi người ta không hiểu, họ nói tui bịa, mà có bịa chút nào đâu.
 
Nói rồi, ông Năm cười. Ông hay bộc bạch như vậy. Không biết hồi trước ông học tới đâu, những truyện Tam Quốc Chí, Thủy Hử hay truyện Lục Vân Tiên ông kể vanh vách. Sau ngày giải phóng 1975, ông làm kế toán cửa hàng hợp tác xã mua bán một thời gian. Bây giờ, người dân xóm Lữ Phí hay nhắc đôi dép lào nhiều hơn nhắc đến tên ông. Đôi dép lào màu vàng, lúc nào cũng thấy treo trên ghi-đông, ông để chân trần, đạp xe từ nhà đến hợp tác xã. Tới nơi, ông nhẹ nhàng bỏ đôi dép xuống, mang vô phòng. Nghĩ mãi, không ai hiểu vì sao như vậy. Sau này, ông nói cho Hai Lành nghe. Không phải ông tiết kiệm, cũng không phải lập dị, ông nói đó là cách bảo vệ cái chân. Xe đạp mà không có bàn đạp, chỉ có hai que sắt mòn. Dép lào tì lên đó là đưa đầu nhọn que sắt vào mắt cá chân như chơi. Tốt hơn treo nó vào ghi-đông. Chỉ có vậy thôi!
 
Những người đồng niên với ông lần lượt đi xa hết. May sao có Hai Lành trò chuyện cùng ông. Hai Lành trước phụ trách khâu thiết bị và thủ thư cho một trường tiểu học, về hưu mấy năm nay. Ông nói thằng Hai Lành coi vậy mà được nghen. Là ông khen tính chịu khó của Hai Lành, chịu khó ngồi nghe ông kể chuyện xưa. Không biết hôm nay ông kể chuyện gì? 
 
Hai Lành đề nghị kể chuyện về xóm Lữ Phí.
 
Ông nói cũng được, nhưng trước khi kể, chú cho tui hỏi chú một câu được không? Hai Lành đổi tư thế ngồi lại cho gần và mở thêm hột nút áo ngực cho đỡ nóng, chờ nghe câu hỏi của ông Năm.  
 
- Chú em, tui có chuyện này mà nghĩ hoài không ra. Chú biết nói tui nghe thử. Vì sao chỗ mình đang ở đây gọi là xóm Lữ Phí?
 
Hai Lành chặc lưỡi lắc đầu.
 
- Cháu học ít mà chú ra đề cao quá, chắc cháu thua câu này. 
 
Ông Năm cười hóm hỉnh:
 
- Chú em là người có chút ít chữ nghĩa. Chắc chú hiểu nghĩa của danh từ này chứ?
 
- Vâng, nghĩa của từ thì cháu hiểu. Nhưng hỏi vì sao xóm này có tên là Lữ Phí thì cháu bó tay. 
 
Ông Năm nhả khói, gạt tàn thuốc xuống đất, nói:
 
- Vậy chú em chiết tự hai chữ này ra nghe đi.
 
Hai Lành e hèm mấy cái lấy giọng:
 
- Chữ lữ nghĩa là quán trọ. Lữ khách, người khách trọ. Trong bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà”, Bà Huyện Thanh Quan có viết “Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ”. Chữ lữ trong câu thơ này còn mang nghĩa là khách đường xa. Còn chữ Phí... Hai Lành xòe ngón tay ra dấu như đang đếm tiền. Ông Năm gật gù:
 
- Được! Được! Nhưng xóm này là xóm quê, năm khi mười họa có ai ghé đây mua trâu, mua bò, hay mua tre rồi đi. Chẳng ai ở đây làm gì. Vậy mà người ta lấy tên là Lữ Phí mới oái ăm chứ. Thật ra tên của một xứ, một xóm thường phụ thuộc vào các yếu tố lịch sử, tâm lý, địa lý và nghề nghiệp cư dân ở đó. Ví dụ như xóm Lò Rèn, xóm Ép Dầu thì ai cũng biết. Còn xóm mình ai đặt tên ác quá. Tui nghĩ mãi không ra. Ông Năm cười. Chợt nhớ ra điều gì, ông nói:
-
 Nhưng lịch sử xóm này tui biết sơ sơ. Nguyên nó không bị cắt ngang mất khúc trên như bây giờ. Hai con kênh bao quanh xóm rồi giáp nhau ở cuối cánh đồng tạo hình mũi tàu vẫn không thay đổi. Nghe ông bà kể lại, những người đến đây khai phá dựng làng, lập ấp từ cách nay mấy trăm năm. Khi tui lớn lên, xóm này có gần mấy chục cái nóc nhà. Nhà lợp tranh, vách trát đất. Nhà tranh vách đất ở rất mát, nhưng chuột hay ra vào và dễ gây hỏa hoạn. Một điều nữa là trộm. Ngày xưa, trộm hay đào ngạch. Nền đất trộm dễ đào.
 
Trong khi ngạch thường kê cao khỏi mặt đất chừng vài mươi phân, cũng là chỗ hở để kẻ trộm lợi dụng. Ông nội tui kể rằng bọn trộm muốn vào nhà ai, chúng lựa khi ban đêm, cả nhà ngủ say, chúng đốt một cây nhang cắm giữa ngõ, rồi lẻn vào đào ngạch. Nó đào thật nhẹ, thật êm. Chuyên nghiệp mà. Đào xong, nó đưa khúc củi vào trước thăm dò. Không nghe động đậy, nó đưa cặp chân vào thử, khôn vậy đó. Còn cây nhang cắm ngoài kia, nếu bị phát hiện, chúng nhắm hướng thoát thân cho dễ. Lần đó, chúng vào nhà ông xã Ban. Nhà ông xã Ban ở xóm trên, chung quanh bờ tre và gai mây, có một cái ngõ duy nhất phía trước. Đêm đó trời oi, ông xã Ban khó ngủ, trằn trọc mãi, đến đầu canh ba, ông nghe có tiếng động. Ông lẻn ra mé hông nhà, trong bóng tối lờ mờ, ông nhìn thấy một chấm sáng đỏ. Men theo vườn chuối, ông nhẹ nhàng rút cây nhang, cắm vào bụi gai mây. Ông giẫm chân xuống đất và la lên “trộm, trộm”. Hai thằng kẻ trộm chạy cắm đầu, cắm cổ vào bụi gai, mắc bùng nhùng ở đó. Ông kêu người nhà đốt đuốc, bắt trói trộm giải lên đình. Đến giai đoạn sau này, thời Pháp khai thác thuộc địa, cho đắp con đường tàu lửa cắt ngang qua đây. Xóm Lữ Phí bị chia hết một phần tư. Vườn ông xã Ban bây giờ ở phía trên đó. Nói đến thời Pháp tui nhớ  chuyện này, chuyện giai đoạn chín năm kháng chiến. Ông Năm ngắt giọng nhìn Hai Lành:
 
- Nãy giờ chú nghe tui nói chớ?
 
- Dạ. Cháu đang chú ý nghe mà. 
 
Ông Năm tiếp, hồi đó vùng này thuộc Liên khu 5, gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, nên còn gọi là Nam Ngãi Bình Phú. Người dân quê mình rất kiên cường. Đất rộng, người thưa. Nhiều cánh đồng bỏ hoang vì không có nước. Sau đó, đào được con kênh dẫn nước vào ruộng. Cánh đồng Bàu Đĩa, một năm làm hai vụ lúa gieo, ăn nước trời. Năm nào hạn hán coi như mất trắng. Nạn đói rình rập. Đã vậy, còn bị máy bay Pháp bắn phá liên miên. Người dân phải sản xuất ban đêm, họp chợ ban đêm. Ban đêm đốt đèn dầu dừa, chứ làm gì có dầu hỏa mà thắp. Đèn lửa liu hiu, nghe tiếng máy bay, mọi người tắt hết đèn. Khu chợ lộ thiên im re, ai nấy tìm chỗ trú ẩn, như không có bóng người. Vậy mà hay nghen. Máy bay qua rồi, mọi người đốt đèn lên, hàng của ai nguyên nấy, không hề mất mát cái gì. Ngày đó, ai mua được bộ quần áo màu hơi sáng, đều phải nhuộm nâu, nhuộm đen. Cái nón lá cũng phải hốt bùn đáy ao trét lên để tránh sự chú ý của máy bay. Tui nhớ lần đó, cũng vào mùa tháng Ba âm lịch. Cày ải xong, chờ mưa, người dân đem phân đổ thành từng ụ trên cánh đồng Bàu Đĩa. Chiều đó, cũng xâm xẩm tối, tui thả mấy con bò ăn phía gò Tranh, rồi núp trong bụi tre. Bỗng nghe tiếng máy bay, nó chao liệng một vòng trên bầu trời xóm Lữ Phí rồi bay ra cánh đồng. Hàng loạt đạn từ máy bay chĩa xuống, đỏ rực trong không gian chập choạng. Mấy phút sau, bầu trời im ắng trở lại. Người dân trong xóm chạy ra, ngỡ là có ai làm đồng bị nạn, nhưng chẳng có ai ra đồng lúc này. Mùi đạn khét lẹt còn bốc khói trên những ụ phân. Thì ra trông gà hóa cuốc, thấy những ụ phân trên đồng, nó tưởng dân mình lom khom cấy lúa. Hú vía hú hồn. Lần đó, tui cũng chết điếng trong bụi tre vì chưa chạy kịp xuống hầm nghen chú!
 
 Hai Lành gật gù: “Chuyện máy bay Pháp bắn phân bò, lúc ông già tui còn sống có nghe ông kể sơ sơ, còn chuyện “dân công, tiếp vận” chú có nhớ không?”.
 
Ông Năm đang nhìn xa xăm, bỗng quay lại:
 
- Tưởng chuyện gì, chớ chuyện dân công thì tui biết. Đi dân công là người dân góp sức mình vào công cuộc kháng chiến chống Pháp. Cụ thể là vận chuyển lương thực, gạo, muối, thuốc men vào chiến khu. Như ở mình đây, mình cõng gạo, mắm, muối lên tận Măng Đen, thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum bây giờ. Mỗi đợt dân công, đi hai ba tháng trời mới về đến nhà. Ngày đó đường đi rất khó, đi bộ là chính. Đường hoang vu, đèo dốc, đi cả trăm cây số đường rừng. Dân mình vốn ghét quân xâm lược nên ai cũng tình nguyện góp công, góp của phục vụ kháng chiến. Mỗi người dân công, gánh theo một gánh gạo. Gạo được bao bọc kỹ, tránh mưa gió vì phải đi dài ngày. Thường đi ban đêm, sợ máy bay phát hiện. Nhờ vậy, mình đánh thắng giặc Pháp, chứ hồi đó dân mình có vũ khí gì tối tân đâu. Thế nên có câu vè: “Dân công góp sức chiến khu/ Chờ ngày khởi nghĩa trả thù giặc Tây”.
 
Ông Năm đọc câu vè, rung rung đùi ra vẻ thích thú. Câu chuyện đang hồi hứng khởi, bỗng bị cắt ngang. Vợ Hai Lành đi tới.
 
- Cha chả! Mát hể. Ông về coi nhà cho tui lên quán mua cái này chút. Bữa sau nói chuyện nghen chú Năm! 
 
Ông Năm gật gù:
 
- Nói chuyện đời xưa cho vui thôi mà. Nay không nói thì mai nói.
 
 Tuy vậy, Hai Lành và ông Năm đều cảm giác hụt hẫng, đang ngon trớn bị thắng gấp. Ông nghĩ nói chuyện cũng như chơi banh. Người tung, người hứng mới hấp dẫn. Bây giờ ngồi đây, một mình ông tung hứng gì nữa đâu. Ông miên man nghĩ về những người bạn cũ. Họ như những chiếc lá vàng, lần lượt bay xa...
 
Cơn gió hiếm hoi, thổi dọc đường bê tông trước mặt cuốn mấy chiếc lá khô. Bỗng có tiếng đứa cháu nội, gọi vào ăn cơm, ông chợt nhận ra điện đã sáng từ bao giờ...
 
THOẠI VĂN
 

.