Nguyễn Đình Chiểu khắc họa Anh hùng Trương Định qua thơ

02:05, 03/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) vừa được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới. Người dân Quảng Ngãi từ xưa đã yêu mến Nguyễn Đình Chiểu qua truyện thơ Lục Vân Tiên. Trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, ông đã khắc họa đậm nét hình tượng Anh hùng dân tộc Trương Định, một người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi.
 
[links()]
 
Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).                                                            Ảnh: PV
Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: PV
Nguyễn Đình Chiểu là gương mặt nổi bật trong dòng văn học yêu nước chống thực dân Pháp ở Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX. Tư tưởng nhân nghĩa và yêu nước nổi bật của nhà thơ có sức lan tỏa rất lớn. Trong dân chúng có nhiều người không biết chữ vẫn thuộc làu truyện thơ Lục Vân Tiên; vùng đồng bào Thái ở Tây Bắc nước ta từng phóng tác truyện Lục Vân Tiên sang chữ Thái. Nay nhà thơ được UNESCO vinh danh một cách xứng đáng vào dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh, cũng là dịp để mọi người ôn lại giá trị của các tác phẩm của ông, trong đó có tác phẩm viết về Trương Định.
 
Nguyễn Đình Chiểu quê gốc ở Thừa Thiên Huế, năm 1820 khi thân phụ Nguyễn Đình Huy vào Nam làm viên chức của triều đình dưới quyền của Tả quân Lê Văn Duyệt thì lấy vợ người Gia Định, sinh hạ Nguyễn Đình Chiểu và 6 anh em khác. Năm 1843, lúc 21 tuổi, Nguyễn Đình Chiểu thi đỗ Tú tài. Năm 1847, ông về quê cha ở Thừa Thiên Huế để chuẩn bị cho các khoa thi Hương, thi Hội. Cuối năm 1848, nghe tin mẹ mất, ông cùng em trai Nguyễn Đình Tựu mới 10 tuổi quay về Nam chịu tang mẹ, chẳng may trên đường đi ông ốm nặng và bị mù mắt. Năm 1851, ông mở trường dạy học, người đời thường gọi là Đồ Chiểu. Ông bắt đầu sáng tác truyện thơ Lục Vân Tiên và làm nhiều thơ văn, nhất là từ khi thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ. Ông mất năm 1888, khi cả nước ta đã nằm dưới sự đô hộ của thực dân Pháp.

 Phẩm chất anh hùng của Trương Định đã có sức cổ vũ lớn lao cho phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Bộ nói riêng, nhân dân cả nước nói chung. Năm 1859, khi Pháp khởi sự tấn công thành Gia Định, quân triều đình thua tan tác, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác bài thơ "Chạy giặc", nói lên tình cảnh đau thương của dân tộc, của đất nước và kết thúc bằng một câu hỏi kêu gọi: “Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng/ Nỡ để dân đen mắc nạn này?”.

 
Chỉ ít lâu sau, hẳn nhà thơ đã tìm thấy trang anh hùng ở Trương Định, ở các nghĩa sĩ Nam Kỳ hay Cần Giuộc. Có lẽ đến lúc này, Nguyễn Đình Chiểu và Trương Định chưa biết nhau, cho đến khi Trương Định khước từ giải binh và quan chức triều đình để ở lại kháng Pháp. Với hoàn cảnh bị mù mắt, Nguyễn Đình Chiểu thật khó tham gia nghĩa binh, nhưng Trương Định và nghĩa sĩ nói chung có thể đến gặp ông khi cần để tham vấn ông về mưu lược. Nguyễn Đình Chiểu có cái tâm sáng vằng vặc nên sự nghiệp anh hùng cứu nước đương nhiên không xa lạ với ông, như ông đã viết: “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ!”.
 
Từ truyện thơ Lục Vân Tiên ca ngợi nghĩa khí được cả nước biết đến, ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu xoay sang đề tài các anh hùng nghĩa sĩ cụ thể, sống động ở ngay Nam Bộ. Ông viết "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" ca ngợi các nghĩa binh kháng Pháp ở quê vợ ông. Khi Trương Định hy sinh, ông viết "Văn tế Trương Công Định" và 12 bài thơ liên hoàn "Điếu Trương Định".
 
Bài văn tế kể về phẩm chất anh hùng khi Trương Định lãnh đạo cuộc chiến đấu không cân sức với giặc Pháp: “Dầu những đại đồn thuở trước cũng khó toan đè trứng nghìn cân/ Huống chi cô lũy ngày nay đều dám chắc treo mành một dải”; “Vì nước tấm thân đã gửi, còn mất cũng cam/ Giúp đời cái nghĩa đáng làm, nên hư nào nại”.
 
Bày tỏ nỗi tiếc thương vô hạn khi Trương Định hy sinh: “Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng gặp lúc gian truân/ Đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cảm niềm thần tử hết lòng trung ái”.
 
Thơ điếu Trương Định không phải chỉ một, mà có đến 12 bài liên hoàn thất ngôn bát cú, vừa có văn tế lại vừa có thơ, chứng tỏ sự hy sinh lẫm liệt của Trương Định khiến Nguyễn Đình Chiểu cảm thương sâu sắc, ông muốn bày tỏ hết tấm lòng của mình cũng như của người dân đối với người anh hùng, ngọn cờ tiên phong chống thực dân Pháp ở Nam Bộ. “Trong Nam tên họ nổi như cồn/ Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn/ Dấu đạn hãy rêm tàu bạch quỷ/ Hơi gươm thêm rạng thể hoàng môn” (Bài 1); “Giúp đời giúp trọn ơn nam tử/ Ngay chúa nào lo tiếng nghịch thần” (Bài 2)
Học sinh chào cờ và hát quốc ca tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định.  Ảnh: TL
Học sinh chào cờ và hát quốc ca tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định. Ảnh: TL
Bài thơ liên hoàn thể hiện những tình thế ngặt nghèo mà người anh hùng phải đối mặt, những chiến công tạo dựng được cũng như sự hy sinh cao cả, tấm gương sáng ngời của Trương Định có sức cổ vũ lớn lao cho cuộc kháng Pháp tiếp tục. Ngày nay, khi đọc lại những bài thơ này, người đọc sẽ cảm nhận được những cảm xúc mà hơn 150 năm trước tác giả đã gửi gắm.
 
Trong phạm vi thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, bên cạnh "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", văn tế và các bài thơ thương tiếc Trương Định là những tác phẩm nổi bật. Nhìn rộng ra, đương thời cũng chỉ có Nguyễn Thông với truyện viết vắn tắt về Trương Định. Sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng có những chi tiết ghi chép về Trương Định dưới dạng sử liệu. Rõ ràng, đương thời Nguyễn Đình Chiểu khắc họa rõ nét nhất về anh hùng dân tộc Trương Định.
 
CAO CHƯ
 

.