(Báo Quảng Ngãi)- Hằng năm, vào dịp rằm tháng Tư âm lịch, người dân vùng đất quế Trà Bồng đều tổ chức Lễ hội điện Trường Bà. Đây là nét văn hóa độc đáo được người dân Trà Bồng gìn giữ từ cách đây hàng trăm năm.
[links()]
Di sản văn hóa độc đáo
Di tích điện Trường Bà tọa lạc ở thị trấn Trà Xuân, cách trung tâm huyện Trà Bồng khoảng 1km về phía tây. Đây là một công trình kiến trúc cổ kính, là cơ sở tín ngưỡng, thờ tự, do các dân tộc anh em sinh sống trên vùng đất Trà Bồng tạo lập, trở thành nơi hành hương của đồng bào Chăm, Kinh, Hoa, Cor và các dân tộc khác. Tương truyền, thuở khai sơn lập địa vùng đất Thanh Bồng xưa, Bà Thánh Mẫu Thiên Y A Na đã giúp dân diệt trừ yêu ma, khai sơn trị thủy. Từ đó, công cuộc khai hoang mới thành công và nhân dân các dân tộc vùng Thanh Bồng được sống an lạc, no đủ. Để tỏ lòng cảm tạ công đức của Bà, nhân dân đã lập đền thờ phụng. Điện thờ Bà Thánh Mẫu Thiên Y A Na, hay còn gọi là Bà Chúa Ngọc.
Quang cảnh di tích điện Trường Bà. Ảnh: NHỊ PHƯƠNG |
Di tích điện Trường Bà được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 2014; Lễ hội điện Trường Bà được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2017.
Xây dựng điểm đến hấp dẫn cho du khách
Di tích điện Trường Bà và Lễ hội điện Trường Bà trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh. Những năm trước khi chưa có dịch Covid -19, mỗi năm điện Trường Bà đón hàng nghìn du khách đến tham quan, vãn cảnh, viếng hương. Đến điện Trường Bà, du khách sẽ được hòa mình vào quang cảnh thiên nhiên yên tĩnh, thoáng đãng.
Tiết mục đấu chiêng tại Lễ hội điện Trường Bà hằng năm của đồng bào Cor. Ảnh: TL |
Bên trong điện, bước vào chính điện đầu tiên sẽ là Bàn Hội đồng (dân gian gọi là lính của Bà); tượng Thánh Mẫu ở chính điện. Điều khác biệt của điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng so với những điện thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na tại nhiều địa phương là ngoài việc thờ phụng thần Y A Na, người dân địa phương còn thờ hai vị thần nhân là Trấn Quốc công Bùi Tá Hán và Phó đô tướng Dương võ công thần Mai Đình Dõng bên hữu điện; thờ đức Quan Thánh bên tả điện. Nhà phía đông điện là gian thờ các bậc tiền hiền.
Lễ hội điện Trường Bà được tổ chức trang nghiêm, linh thiêng ở phần lễ. Các nghi thức lễ gồm có lễ rước sắc, lễ mộc dục, tế lễ chính điện, tế lễ ngoại đàn, học trò lễ; lễ dâng hương, lễ phóng sinh... Phần hội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang tính giáo dục, cố kết cộng đồng như múa cồng chiêng, múa lân sư rồng, hát bộ, hát bài chòi, hội hoa đăng, trò chơi dân gian, biểu diễn võ thuật, thi đấu cờ người...
Hơn 1 tháng qua, Ban Quản lý di tích điện Trường Bà và người dân địa phương đã tích cực chuẩn bị để Lễ hội điện Trường Bà được tổ chức trang trọng, chu đáo. Đến với Lễ hội điện Trường Bà, du khách có dịp chứng kiến lễ hội độc đáo được gìn giữ từ xa xưa, hiểu hơn về giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào Cor, đồng thời chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, kỳ thú của di tích cũng như cảm nhận tình đoàn kết keo sơn, gắn bó của các dân tộc anh em, sự cố kết cộng đồng trên vùng đất quế Trà Bồng.
Phát huy giá trị Lễ hội điện Trường Bà
Năm nay, Lễ hội điện Trường Bà tổ chức trong 2 ngày 15 -16/5 (tức ngày 15 - 16 tháng Tư âm lịch), với đầy đủ các nghi thức lễ và biểu diễn cồng chiêng, múa lân rồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thịnh nhấn mạnh, Lễ hội điện Trường Bà mang đậm giá trị lịch sử - văn hóa, là điểm hội tụ văn hóa tâm linh và là biểu tượng sinh động của truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Huyện Trà Bồng đang triển khai thực hiện Nghị quyết về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Trà Bồng, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung phát triển, quảng bá du lịch trên địa bàn, điểm nhấn là kết hợp phát triển du lịch tâm linh với du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nâng cao đời sống của nhân dân; đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị của Lễ hội điện Trường Bà.
|
NHỊ PHƯƠNG