Một thoáng Bình Dương

02:04, 28/04/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Từ phía đông thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), dòng sông Trà Bồng rẽ làm đôi, như bà mẹ thiên nhiên hồn hậu dang rộng vòng tay ôm trọn đứa con của mình là vùng đất Bình Dương, hình thành một cù lao sông nước hữu tình, đẹp như bức tranh thuỷ mặc. Từ đây về biển, đoàn thuyền đánh cá giương buồm đi hết nửa ngày sông.
 
Câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tế Hanh mang gió sông, vị biển có nơi khai sinh như vậy.
 
" Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
 
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông…"(Quê hương) 
 
 
Tìm lại dấu xưa
 
Chỉ là một cù lao sông, hay nói đúng hơn là một tam giác châu ở hạ lưu sông Trà Bồng, nhưng Bình Dương lại có diện tích 9,08 km², gần bằng huyện Lý Sơn (10,39 km²), lớn hơn nhiều so với cù lao Ân Phú trên sông Trà Khúc (1,6 km²), cù lao Nghĩa An ở cửa sông Phú Thọ (3,16 km²). Bình Dương ngày nay có 6 thôn, với gần 1 vạn dân. Bên cạnh nghề đánh cá và làm nông, người dân nơi đây còn nổi tiếng với nghề làm làm thúng chai đi biển, nghề hấp cá, chăn nuôi vịt, trồng ớt, trồng dưa. Người dân ở cù lao hiền hoà, hiếu học, sống nghĩa tình.
 
Theo lời kể của các bậc cao niên, khoảng cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, những nhóm cư dân Việt từ phía bắc đã lần lượt đến đây khai mở, định cư, kiến lập nên hai làng Đông Yên và Mỹ Huệ, nay là xã Bình Dương. Các bậc tiền hiền chọn vùng đất này làm quê mới cho con cháu nối đời lập nghiệp quả có đôi mắt tinh tường. Định cư ở vùng đất cù lao bốn bề sông nước, vừa quen thuộc với sinh cảnh quê xưa, vừa hạn chế được sự khắc nghiệt của những cơn gió mùa đông bắc, hết đợt này đến đợt khác kéo về trong mùa đông rét mướt. Hơn thế nữa, mảnh đất dưới chân là một gò bồi, giàu mạch nước ngầm, có thể lập vườn, dựng nhà để cư trú lâu dài, thuận lợi để khai phá, hình thành những cánh đồng phù sa màu mỡ.
 
Cảnh đẹp ở xã Bình Dương (Bình Sơn).
Cảnh đẹp ở xã Bình Dương (Bình Sơn).
Ngay từ buổi đầu đến vùng đất mới, những nhóm cư dân nặng về nông nghiệp giản dần ra phía Mỹ Huệ để có nhiều đất canh tác, trong khi các dòng họ làm nghề chài lưới bám dọc theo sông, hình thành vạn Đông Yên, tiếp tục giữ nghề trong điều kiện mới. Vừa là cư dân nông nghiệp, vừa là cư dân vạn chài, đó là Bình Dương, như câu hát của nhạc sĩ Thế Bảo: “Em yêu quê em, Bình Dương mùa lúa! Em yêu quê em, Bình Dương mùa cá!”(Mùa cá, mùa lúa Bình Dương).
 
Hầu hết gia phả của các dòng tộc ở xã Bình Dương hiện không còn. Việc đi tìm quê hương gốc của cư dân hai thôn Mỹ Huệ và Đông Yên do đó gặp nhiều trở ngại, nên phải dựa vào những dữ liệu khác, trong đó có ngữ âm học và phong tục, tập quán. Không khó lắm để nhận ra những điểm tương đồng về phát âm của người dân vùng biển từ phía nam đèo Hải Vân cho đến phía bắc đèo Bình Đê, nhất là cư dân vùng Tam Hải, Tam Quan, Tam Thanh (Quảng Nam) với cư dân các xã ven biển phía đông huyện Bình Sơn. Người ta cũng có thể tìm thấy những điểm giống nhau về phương tiện đi biển, dụng cụ đánh bắt cá, đặc biệt là trong tín ngưỡng thờ cá ông, thờ nữ thần. Những cứ liệu này cho thấy gốc gác gần gũi của cư dân ven biển Nam - Ngãi, trong đó có cư dân 2 làng Mỹ Huệ và Đông Yên của xã Bình Dương, mà theo các nhà nghiên cứu, là vùng ven biển Hoan Châu, Ái Châu, (nay là các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh).
 
Mặc khác, do điều kiện địa hình hiểm trở, sông sâu, núi cao, rừng rậm với nhiều thú dữ cắt ngang đường Nam tiến, nên việc di chuyển trên bộ đối với người xưa khó khăn hơn nhiều so với việc đi lại bằng phương tiện thuyền bè gần bờ, hoặc các kênh đào dọc biển. Vì vậy, dọc theo vùng ven biển, các lớp cư dân cũ và mới liên tục chồng lên nhau, ảnh hưởng lẫn nhau trong suốt quá trình định cư, hình thành làng vạn.
 
Vùng đất văn hiến
 
Đến Bình Dương, người Việt không chỉ mang theo cái cày, cây cuốc để vỡ ruộng trồng lúa, không chỉ mang theo con thuyền, mảnh lưới mà vượt sóng ra khơi. Họ còn mang theo hồn Việt trong câu hát giao duyên, trong lời hát ru tỉ tê tâm sự để rồi gặp câu hò bả trạo vương vấn hồn Chàm giữa mênh mang gió biển. Không phải quá lời khi nói rằng mảnh đất này là một vùng văn hiến. Cù lao sông Bình Dương là nơi sinh ra nhiều nhân vật lịch sử - văn hoá nổi tiếng như: Ấn Quang hầu Trần Công Hiến, các võ tướng Vũ Đình Dũng, Vũ Đình Hùng, các nhà yêu nước Trần Tố, Trần Nghĩa, Phạm Xuân Nghi, nhà cách mạng Huỳnh Tấu, các nhà thơ Tế Hanh, Phan Minh Đạo, GS - nhạc sĩ - tiến sĩ Thế Bảo, GS.TS. Lê Minh Triết, các tướng lĩnh trong quân đội như Đàm Y Thanh, Lê Đình Yên...

 

Nhà thờ họ Trần làng Đông Yên - nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thời niên thiếu của nhà thơ Tế Hanh
Nhà thờ họ Trần làng Đông Yên - nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thời niên thiếu của nhà thơ Tế Hanh
Người con Bình Dương Trần Công Hiến (? - 1817)là vị trấn thủ đầu tiên của trấn Hải Dương và giữ vị trí này suốt 15 năm liền. Ông là người đưa ra chủ trương đắp đê ngăn nước mặn, tạo ra hơn 8.000 mẫu ruộng trồng lúa ở 2 huyện Vĩnh Lại và Tứ Kỳ. Người dân Hải Dương tưởng nhớ công lao, gọi con đê ngăn nước mặn ấy là đê Trần Công, tôn xưng Trần Công Hiến là “Ông lấn biển”. Nhà in Hải Học đường do Trần Công Hiến và một số người cùng chí hướng xây dựng là một cơ sở ấn loát qui mô, bề thế. Danh thi hợp tuyển, Lịch đại sách lược, Danh văn tinh tuyển, Ứng chế tứ lục tuyển và đặc biệt là Hải Dương phong vật chí (do Trần Huy Phác soạn theo chủ trương của Trần Công Hiến) là những ấn phẩm giá trị của Hải Học đường.
 
Nhà thơ Tế Hanh đã viết những câu thơ vừa đẹp, vừa buồn về quê hương Bình Dương yêu dấu cách đây 85 năm trước:
 
"Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang
Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng" (Lời con đường quê)
 
Tháng Tư, trời đã chớm hè. Con đường ven sông Trà Bồng bên tả ngạn, chạy dài theo làng Đông Yên, hàng phượng vĩ đã ngời lên sắc thắm từ những nụ hoa đầu mùa. Chiếc cầu mới bắc qua sông, nối xóm nhỏ Đồng Min bên hữu ngạn với khu trung tâm xã Bình Dương bên tả ngạn đã được đưa vào sử dụng, tạo thêm một nét tươi mới trong bức tranh của một miền quê nông thôn mới êm ả, thanh bình. Con đường vương nỗi buồn của ngày xưa ấy, giờ đã trở thành con đường vui, ríu rít bước chân con trẻ đến trường. Nghe đâu đây trong gió nhẹ, câu hát ngọt ngào vang vọng về phía tương lai!
 
                     LÊ HỒNG KHÁNH
 
                                                   
 
                                                                             

.