(Báo Quảng Ngãi)- Tôi yêu thích bài hát "Khúc hát sông quê", bởi tìm thấy tuổi thơ mình trong đó. Mới đây, tôi có dịp trò chuyện cùng nhà thơ Lê Huy Mậu - tác giả của những vần thơ mà nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sử dụng làm chất liệu để cho ra đời nhạc phẩm đi vào lòng người "Khúc hát sông quê".
Tôi quen nhà thơ Lê Huy Mậu (1948), hiện sống ở TP.Vũng Tàu, qua một người bạn cùng quê Nghệ An với ông. Trong lần gặp gỡ, tôi được trò chuyện cùng ông về những điều liên quan giữa bài thơ và bài hát "Khúc hát sông quê" mà tôi và nhiều người yêu thích.
Nhà thơ Lê Huy Mậu (trái) cùng cố nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Th.Nhị |
Nhà thơ Lê Huy Mậu nhớ lại, năm 2005, anh Tạo nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đối với bài hát "Khúc hát sông quê". Tôi rất mừng cho anh nhưng qua chuyện trò với tôi, anh lại ray rứt bảo rằng tiếc là không thể đưa hết những câu thơ hay trong bài thơ "Khúc hát sông quê" vào bài hát. Đó là những câu "Quê hương ta nghèo lắm/ ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn/ ta mổ lợn/ con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt/ cá dưới sông cũng có cái Tết như người". Nhà thơ Lê Huy Mậu khiêm tốn bảo, bài thơ của tôi đăng trên báo Quân đội Nhân dân năm 2002 có 80 câu. Còn bài hát "Khúc hát sông quê" thì chỉ có mấy câu là nguyên bản, còn lại thơ tôi như thể là chất liệu làm nên bài hát ấy.
Nhà thơ Lê Huy Mậu chia sẻ về nguồn gốc ra đời của bài thơ "Khúc hát sông quê" và trường ca cùng tên của ông. Tôi là lính, vào bộ đội năm 1970. Năm 1976, tôi học Trường Đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, khoa Triết. Tôi ấp ủ viết thơ, truyện ngắn từ những ngày còn trẻ. Bài thơ "Khúc hát sông quê" là bài thơ nằm trong chương 9 của trường ca cùng tên tôi viết, dài đến 500 câu. Trường ca và bài thơ ấy là tôi kể lại câu chuyện của cuộc đời mình. Kể lại tuổi thơ của tôi, với quê hương có con sông, bến đò, người mẹ quê tần tảo và tháng ngày thơ ấu khốn khó nhưng đầy ắp tình yêu thương. Sau 10 năm bài hát "Khúc hát sông quê" của Nguyễn Trọng Tạo ra đời, tôi mới xuất bản trường ca "Khúc hát sông quê". Chậm trễ này phần vì băn khoăn chưa tìm được bạn thơ đồng cảm giúp đỡ, phần vì những lo toan cuộc sống thường nhật phải tạm gác lại niềm yêu riêng của bản thân...
Tiếp tục câu chuyện, nhà thơ Lê Huy Mậu bảo rằng, tôi và anh Tạo đều là dân xứ Nghệ, nhạc và thơ như máu thịt. Tôi có một tứ thơ hay, anh Tạo có một tâm hồn nghệ sĩ lớn. Chúng tôi gặp nhau và kết hợp cùng tạo nên một tác phẩm đẹp nhất dành tặng công chúng. Tôi chưa từng nghĩ dựa vào anh Tạo và bài hát của anh Tạo để được nổi tiếng. Điều cả anh và tôi dựa vào nhau là tri ân quê hương chôn nhau cắt rốn Nghệ An bằng một tác phẩm mà ẩn trong đó có tình đồng chí, đồng hương đẹp nhất. Thế thôi!
Những năm tháng cuối đời, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có những tháng ngày vui vẻ đúng nghĩa tình bằng hữu với nhà thơ Lê Huy Mậu tại thành phố biển Vũng Tàu, cùng ôn lại chuyện: "Quá nửa đời phiêu dạt/ Con lại về úp mặt vào sông quê/ Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ/ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn"... Và chắc hẳn, tình bằng hữu chính là điều đẹp nhất làm cho "Khúc hát sông quê" có sức sống mạnh mẽ trong lòng công chúng hôm qua, hôm nay và mai sau...
THANH HUYỀN