Nhà của dân tộc Hrê qua ảnh tư liệu

02:03, 27/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, các loại hình kiến trúc của đồng bào Hrê, nhất là nhà ở bị biến đổi nhanh chóng bởi nhiều nguyên nhân. Sự biến đổi kiến trúc nhà ở của đồng bào Hrê có thể thấy rõ khi nhìn lại những bức ảnh tư liệu của nhà nhiếp ảnh Joseph Carrier ghi lại từ giữa cuối thế kỷ trước.
[links()]
 
Vẻ đẹp nguyên sơ, độc lạ về kiến trúc nhà ở của đồng bào các dân tộc sinh sống ở Trường Sơn - Tây Nguyên là yếu tố tạo nhiều cảm xúc, hứng thú cho những ai đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Các nhà nhiếp ảnh, thám hiểm, dân tộc học như Henri Maitre, Jean - Marie Duchange,  Daniel Léger, Joseph Carrier đã thu vào ống kính những bức ảnh tư liệu quý hiếm về nhà ở của các dân tộc.
 
Kiến trúc nhà ở của dân tộc Hrê ở thế kỷ XX.                          Ảnh: Joseph Carrier
Kiến trúc nhà ở của dân tộc Hrê ở thế kỷ XX. Ảnh: Joseph Carrier
Đặc biệt, nhà nhân chủng học người Mỹ Joseph Carrier đã dày công thực hiện bộ ảnh tư liệu về kiến trúc của các dân tộc trong thời gian làm việc cho Tập đoàn RAND (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Tây Nguyên), từ năm 1962 - 1973. Những bức ảnh của ông không thiên về nghệ thuật mà là phương tiện khảo tả dân tộc học, tái hiện bức tranh đa dạng, chân thực về buôn làng cổ truyền, nhà ở của đồng bào. Trong bộ sưu tập ảnh của Joseph Carrier, bên cạnh một số loại hình kiến trúc truyền thống các dân tộc Tây Nguyên, còn có kiến trúc nhà ở của dân tộc Hrê ở miền Tây các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định.
 
Những ngôi nhà xưa của đồng bào Hrê trong bức ảnh của nhà nhân chủng học Joseph Carrier là tư liệu quý hiếm, giúp các nhà kiến trúc, những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng nắm bắt, gìn giữ giá trị di sản kiến trúc của đồng bào dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi. Qua đó tái hiện, phục hồi những tinh hoa trong di sản kiến trúc của dân tộc Hrê.       

Vào những năm thập niên 60 của thế kỷ XX, nhà nhân chủng học Joseph Carrier đã đến các huyện Ba Tơ, Trà Bồng để nghiên cứu và chụp ảnh nhà ở của các dân tộc Hrê, Cor. Số lượng ảnh về dân tộc Hrê trong bộ sưu tập ảnh của ông không nhiều nhưng đều chứa đựng góc nhìn đậm chất “dân tộc học” và nghệ thuật. Đó là một tấm ảnh chụp ngôi làng dân tộc Hrê, những ngôi nhà tranh vách nứa kiên cố, bố trí theo một hướng quy củ, thoáng đãng, sạch sẽ, không thấy chuồng trại nuôi gia cầm, gia súc bên cạnh nhà hoặc dưới gầm sàn. Cây cối trong vườn xanh tươi, đầy sức sống, những cây cau vươn lên nền trời xanh.

 
Một bức ảnh khác chụp hướng mặt tiền ngôi nhà dài của người Hrê.  Phông sau của ảnh là hai quả đồi, làm cho cảnh quan kiến trúc càng thêm đẹp. Bức ảnh này tác giả vừa đặc tả kiến trúc, vừa thể hiện cách sinh hoạt của đồng bào trên ngôi nhà. Người đàn ông đóng khố leo lên chiếc cầu thang gỗ. Trước hiên nhà, nhiều người đang ngồi nghỉ ngơi. Qua bức ảnh này của Joseph Carrier, người xem thấy rõ nét đặc trưng kiến trúc nhà ở của dân tộc Hrê lúc bấy giờ. Chi tiết nổi bật là những hàng cột phía dưới sàn nhà. Đối chiếu với tập quán xây cất nhà theo truyền thống ngoài thực địa, nhà sàn  của đồng bào Hrê được nâng đỡ bởi 2 loại cột: Cột cái và cột sàn. Tùy theo chiều dài mà nhà có 14, 18 hay 22 cột chính, thông thường mỗi hàng có 7 - 9 cột. Hai hàng cột nhà ở 2 bên là cột chính chịu lực cho toàn bộ ngôi nhà, còn cột giữa cũng dựng dọc theo tiết diện ấy nhưng chỉ để nâng sàn.
 
Cảnh quan kiến trúc làng một thời của dân tộc Hrê.         Ảnh: Joseph Carrier
Cảnh quan kiến trúc làng một thời của dân tộc Hrê. Ảnh: Joseph Carrier
Nhà ở của đồng bào Hrê luôn có hiên trước và hiên sau. Mái nhà lợp tranh, phía hai đầu nóc tếch hai búi tranh thành “sừng”. Đây là dấu hiệu để nhận biết ngôi nhà truyền thống của đồng bào Hrê. Trước đây, trong kiến trúc nhà mồ, những chiếc “sừng” trên mái cũng được đồng bào Hrê tạo tác với đường nét đẹp, mềm mại dành cho người quá cố. Vách nhà người Hrê được thưng bằng tre đan dựng dọc giữa sàn và mái. Nhà sàn người Hrê có 3 cửa: Cửa trước để tiếp khách, cửa sau và cửa hông vách nhà. Khi nhà có cữ, các cửa đều giắt nhành lá tươi, khách chỉ ngồi ngoài hiên chứ không được vào nhà. Cầu thang làm bằng cây gỗ dựng từ dưới đất để lên sàn nhà.
 
Cũng như các dân tộc khác, dân tộc Hrê rất xem trọng ngôi nhà. Nó gắn bó với cả cuộc đời con người, không chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi tiến hành các lễ thức quan trọng của chu kỳ đời người như cưới xin, sinh đẻ, tang ma... Trải qua thời gian, do sự phát triển của xã hội, sự thay đổi về nhu cầu, nếp sống, nguồn nguyên vật liệu... nên ngày nay dân tộc Hrê ít còn giữ kiến trúc các ngôi nhà cổ xưa.                                                                                                                                                                             
TẤN VỊNH
 

.