(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2022, bài thơ "Thử nói về hạnh phúc" của nhà thơ Thanh Thảo tròn 50 năm ra đời. Nhân dịp ngày Thơ Nguyên tiêu năm Nhâm Dần 2022, nhà thơ Thanh Thảo đã trải lòng với phóng viên Báo Quảng Ngãi về bài thơ ông viết trong hầm tối, bên ánh đèn leo lét, dưới mưa bom lửa đạn.
[links()]
Mở đầu cuộc trò chuyện, nhà thơ Thanh Thảo cho hay, bài thơ ra đời ở chiến khu R trên đất Campuchia. Khi ấy, tôi làm việc ở Đài Phát thanh Giải phóng. Chiến tranh, bài thơ không viết liền một mạch mà có một số đoạn viết trên mặt đất, một số đoạn viết dưới hầm; có đoạn viết ban ngày và một số đoạn viết ban đêm. Đêm nào cũng có B52 thả, thành ra ngủ dưới hầm, thắp đèn dầu nhỏ xíu mà viết.
Nhà thơ Thanh Thảo hạnh phúc bên những người thân yêu. Ảnh: T.Nhị |
Rồi ông kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện sau chiến tranh khoảng vài chục năm, tức là khi bài thơ của ông ra đời đã 1/4 thế kỷ, có 2 người lính đã thuộc lòng và tìm gặp để đọc thuộc bài "Thử nói về hạnh phúc" cho ông nghe. Trong đó, có một người là lính tên lửa tham gia chiến trường Quảng Trị, hòa bình về làm việc ở Bưu điện tỉnh Đắk Lắk. Khi hay tin ông lên, người lính ấy đã tìm đến phòng của ông ở nhà khách chỉ để đọc cho ông nghe bài thơ này, rồi nói lý do vì sao anh lại yêu thích nó. "Anh này trước học Đại học Bách khoa Hà Nội, tham gia động viên vào bộ đội, đi chiến trường Quảng Trị. Một lần nghe được bài thơ này, anh cảm xúc, học thuộc ngay và mấy chục năm sau vẫn thuộc đúng nguyên bản, không sai từ nào" nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ.
Một người đọc khác, từng là tù nhân ở ngục tù Côn Đảo, không hiểu từ đâu lại biết và đọc thuộc bài thơ này. Trong một lần ngồi chơi ở nhà anh Nguyễn Công Khế, khi đó là Tổng Biên tập báo Thanh Niên, anh đã đọc bài thơ cho chúng tôi nghe. Nhà thơ rất vui khi kể về người lính và người từng ở nhà tù Côn Đảo thuộc thơ mình không sai chữ nào, dù đã mấy chục năm.
Câu chuyện được nhà thơ lái qua một hướng khác với không khí chiến trường ác liệt dội đến từng ngày. Bài thơ không phải sự suy nghĩ viễn vông, mà chính là sự trải nghiệm của bản thân ông về chiến tranh. Khi viết xong bài thơ, ông đã đọc cho các bạn ông ở Ban Tuyên huấn của Trung ương Cục và Đài Phát thanh Giải phóng nghe. Mọi người rất xúc động. Khi ấy có anh bạn làm ở Ban Văn nghệ, Đài Phát thanh Giải phóng khi nghe xong bài thơ đã đứng lên ôm lấy ông và nói rằng đây là "Đợi anh về" của Việt Nam. "Thú thực tôi rất vui nhưng tôi cũng nói thực là tôi không phải viết bài thơ này để "ăn theo" Si - mô - nốp, mà nó chính là câu chuyện của đời tôi", nhà thơ Thanh Thảo nhớ lại.
Nhà thơ Thanh Thảo bảo rằng, bài thơ "Thử nói về hạnh phúc" là bài thơ dài nhất kể từ khi ông bắt đầu sáng tác cho đến năm 1972, với hơn 100 câu, được chia thành 5 đoạn. Và đây cũng chính là khởi nguồn của lối sáng tác trường ca của ông sau này. Trong đó, đoạn thứ 5 là đoạn tổng kết, nói lên cảm xúc thực sự, những gì mà ông trải qua, găm vào tim ông sâu sắc nhất. Rồi ông rưng rưng đọc đoạn kết ấy, với cảm xúc nghẹn ngào như thuở ông gom góp rút ruột viết ra ..."Và em ơi, ngày sum họp ngày mai/ giữa chúng mình/ còn tên những bạn bè ngã xuống/ những người hay mơ mộng/ tha thiết yêu và muốn làm được chút gì/ cho em, cho anh/ cho đất nước". Hạnh phúc chính là sự lựa chọn đặt hạnh phúc chung, hạnh phúc lớn của dân tộc lên trên hạnh phúc riêng tư cá nhân...
Và hôm nay, khi bài thơ "Thử nói về hạnh phúc" đã tròn nửa thế kỷ, nhà thơ Thanh Thảo cũng đã bước sang mùa xuân thứ 76 của đời mình. Ông đang nghĩ gì về hạnh phúc? Thay cho câu trả lời, ông giới thiệu với tôi một sáng tác mới nhất của mình: Bài thơ "Cây vườn nhà mùa xuân", viết vào năm 2021 để lý giải về hạnh phúc: "Tôi ngồi ngắm cây vườn nhà mình/ như được ăn một bữa tiệc/ ngày xưa cứ băn khoăn về hạnh phúc/ thì ra hạnh phúc thế này thôi/ một cây to đâm chồi/ một cây nhỏ ra lộc/ một tia nắng luồn qua khóm trúc/ một bầy cò chiều về đậu ngọn cây/ một bóng hình thảng thốt đâu đây...".
THANH NHỊ