(Báo Quảng Ngãi)- Làng ở nước ta ngày trước không chỉ là một đơn vị hành chính, mà còn là cái nôi văn hóa, là nguồn cội giúp con người hình thành ý thức về cộng đồng, nghĩa vụ đối với xã hội. Vì vậy, người xưa chú trọng việc xây dựng hương ước làng, để quy ước những điều mà mọi người trong làng phải tuân theo nhằm điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng làng.
[links()]
Ngày xưa, mỗi làng đều xây dựng hương ước riêng, thể hiện trình độ phát triển và tính đặc trưng của làng mình. Hương ước làng không chỉ quy định rõ nghĩa vụ của từng cá nhân mà còn định rõ trách nhiệm của mỗi người và cộng đồng trong việc bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống, khuyên mọi người ăn ở hòa thuận, thể hiện đạo hiếu, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giúp nhau lúc hoạn nạn, túng thiếu... Hương ước cũng quy định rất cụ thể để ngăn chặn nạn trộm cướp, rượu chè, cờ bạc, nam nữ quan hệ bất chính hay việc canh phòng, bảo vệ trật tự, trị an trong làng xóm, bảo vệ hoa màu ngoài đồng; quy định rõ về tín ngưỡng, thờ cúng, việc học hành của con em và vinh danh những người đỗ đạt, có công với làng với nước.
Lũy tre làng. Ảnh: Ý Thu |
Hương ước làng Phú Lễ, tổng Bình Thượng, huyện Bình Sơn lập năm 1937, ở khoản 18 ghi: “Cấm những vợ chồng, nàng dâu, mẹ già, anh em, chị em, bà con hay là người ngoài cãi lộn nhau, nằm vạ, la làng, làm cho náo động làng xóm, nếu không tuân sẽ bị phạt từ 20 giác đến 1 đồng hay là phạt dịch từ 1 đến 5 ngày”. Khoản 17 của hương ước này cũng quy định: “Các nhà trong làng không được tụ hội đông người bày ra những cuộc cờ bạc, chè rượu say sưa, nếu không tuân chủ nhà bị phạt từ 20 giác đến 1 đồng hay phạt dịch từ 1 đến 5 ngày” .
Hương ước làng Thi Phổ Nhì, tổng Lai Đức, phủ Mộ Đức có những quy định nghiêm ngặt hơn. Ở khoản 9, hương ước ghi: “Trong làng những bọn hoang chơi, không nhơn việc gì mà nhóm họp ngoài đàng thì bị phạt xâu một ngày”. Ở khoản 10 định rõ: “Trừ ba ngày Tết còn những ngày thường nếu nhà ai nhóm họp chơi bài bạc thì chủ nhà và những người đồng cuộc đều bị phạt mỗi người 2 giác hoặc một ngày xâu”.
Hương ước làng Thi Phổ Nhì có điều lưu ý các dòng họ phải thường xuyên xem xét con cháu, nếu ai không lo làm ăn, kết bạn bè hư hỏng thì phải khuyên bảo. Nếu khuyên bảo không nghe, thì phải trình hào mục, lý trưởng để răn đe. Tộc họ nào bao che, giấu giếm sẽ bị phạt 1 đồng. Ở khoản thứ 10, hương ước quy rõ hình phạt cho người say rượu: “Người say rượu đi ngang ngửa ngoài đàng, nói năng phạm đến danh giá người ta và la chửi om sòm, làm náo động không cho xóm làng yên ổn, chẳng luận ban ngày, ban đêm cũng sức bắt đem giữ tại nhà hội hay chòi canh, đợi khi tỉnh rượu sẽ phạt 4 giác hay xâu 2 ngày”. Về xử phạt tội ăn cắp, hương ước làng cũng ghi rõ: “Nếu ai ăn cắp vặt bị phát hiện sẽ nộp phạt 4 giác, lần thứ hai tái phạm thì nộp phạt 2 đồng, mức độ nặng thì sẽ bị giải lên hội đồng hương mục để xem xét".
Hương ước làng Quýt Lâm, phủ Mộ Đức thì quy định rõ hình phạt những kẻ ngổ ngáo, hay rượu chè, cờ bạc: “Người nào uống rượu say nói ngang tàng, cử chỉ trái phép thì phạt một bàn trầu cau rượu, ngang ngạnh thì làm bằng cớ trừng trị”, hay “Trừ ba ngày tết nhứt thì không kể, phàm các cuộc cờ bạc (tài bàn, tứ sắc, hó, ma, bài cào...) nhứt thiết phải nghiêm cấm hết, quả có tang chứng thì nhứt thiết giải trình, trừng trị”.
Hương ước làng Diên Trường, tổng Phổ Văn, Đức Phổ đưa ra những quy định phạt rất nặng những kẻ hay rượu chè say sưa càn quấy, cờ bạc làm xáo trộn sự bình yên của xóm làng. Mức phạt tùy hành vi là từ 6 giác đến 1 đồng hoặc bị phạt dịch từ 1 đến 3 ngày. Cùng với hình thức răn đe, xử phạt tội rượu chè, cờ bạc, hương ước làng này còn xử phạt nặng nạn trộm cắp, gây gổ đánh nhau, phá hoại hoa màu, tài sản người dân và các công trình phục vụ dân sinh: “Đốn trộm một cây của người khác phạt 6 giác, bẻ trộm một mụt măng phạt 1 đồng, chặt một cây của rừng cấm phạt 1 đồng 2 giác và hành dịch 6 ngày”.
Mỗi hương ước làng có những điều hay riêng biệt, nhưng có điều chung nhất là từ già đến trẻ, từ người có học đến người thất học, từ quan viên đến dân thường, đàn ông hay đàn bà, người giàu kẻ nghèo đều hiểu, tự nguyện và tuân thủ thực hiện hương ước làng. Chính nhờ đó mà làng nước ta qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, thăng trầm của lịch sử vẫn luôn giữ được nét đẹp văn hóa làng, là tinh hoa của nền văn hóa dân tộc.
Tôn vinh người có công với làng, với nước
Không chỉ đề ra mức xử phạt những hành vi, việc làm trái đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, một số hương ước làng còn đề cao ý thức biểu dương, tôn vinh những người có công với làng, với nước. Hương ước làng Diên Niên, phủ Sơn Tịnh ở khoản 60 ghi: “Người nào mẫn cán công bình, không có tội gì lại hay hưng lợi trừ hại, có công trạng thì được ghi chép vào hương sách để lưu danh về sau và yết tại nhà hội để điều ghi biết”. Hương ước làng An Chỉ, Nghĩa Hành ghi rất rõ: Ai có công giúp làng, làm được nhiều việc tốt cho làng thì được ghi tên để vinh danh, còn những người nào làm mất thanh danh của làng thì ghi vào bảng “Thân minh đình” để đời sau được rõ.
|
Thanh Tánh