Kiến trúc độc đáo ở làng cổ Thiên Xuân

02:11, 29/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Làng cổ Thiên Xuân là tiền thân của thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) ngày nay. Di tích làng cổ Thiên Xuân thuộc loại hình kiến trúc làng cổ, vừa mang tính chất phòng thủ, vừa có tính mở rộng giao lưu bên ngoài hiếm có ở miền Trung Việt Nam.  
[links()]
 
Trong hành trình mở đất khẩn hoang lập làng, một bộ phận người Việt đã đi ngược lên thượng nguồn sông Vệ để tìm kiếm vùng đất mới. Dựa trên các nguồn tư liệu, có thể xác định sự hiện diện của người Việt ở làng cổ Thiên Xuân vào khoảng thế kỷ XVI. Người Việt đã chọn khu vực triền đồi thấp phía tây của chân núi Nứa để cư trú. Địa thế này có ưu điểm là bên dòng chảy của sông Vệ, thuận tiện cho việc giao lưu thương mại ra bên ngoài. Đoạn chảy của sông Vệ phía trước làng cổ Thiên Xuân nay đã trở thành đất bãi bồi, vườn tược và đồng ruộng, nhưng vẫn còn lưu âm hưởng dòng sông xưa qua các địa danh như: Gò Xang (nơi dân chài giũ lưới), dinh Vạn thờ Bà trên cồn bãi ven sông, Vực Xoáy là nơi nước cuộn xoáy.
 
Bờ thành bằng đá ở làng cổ Thiên Xuân.  Ảnh: NG.KHÔI
Bờ thành bằng đá ở làng cổ Thiên Xuân. Ảnh: NG.KHÔI
Điểm cơ bản để hình thành nên làng cổ Thiên Xuân đó là nguồn nước. Nguồn nước duy nhất đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt của con người và cho gia súc trong làng được lấy từ suối Hố Cái ở phía đông của làng. Cách khai thác nước thực hiện theo phương pháp kè đá đắp đập khơi mương dẫn chảy về làng. Mương dẫn nước toàn bộ đều xếp đá, từ một dòng mương chính được chia làm hai, một đường mương dẫn nước chảy ra vùng ruộng bậc thang ở khu vực phía bắc làng, một đường mương dẫn nước chảy về làng qua bờ thành đá. Điểm lấy nước nằm cạnh bờ thành phía nam, nơi đây nước chảy qua máng và hứng bằng ui, vò mang về nhà. Tại điểm lấy nước có dấu tích bàn đá dùng tắm giặt và vũng nước lớn dùng cho gia súc uống.
 
Đặc trưng quan trọng của làng cổ Thiên Xuân đó là kiểu làng phòng thủ, được bao bọc bởi hệ thống bờ thành xếp đá kiên cố. Kiểu kiến trúc xếp đá xây thành bao bọc đơn vị quần cư làng cổ Thiên Xuân là dạng đặc biệt, khá giống với kiểu làng phòng thủ bao bọc bởi bờ thành xếp đá ở vùng Vân Nam (Trung Hoa). Thành đá có dạng hình chữ nhật bao bọc lấy làng cổ Thiên Xuân. Bờ thành phía tây dài 180m chạy theo hướng bắc - nam ở đoạn giữa có cổng làng. 
 
Hiện nay, bề mặt của bờ thành đá này đã bị san phẳng, chỉ còn lại chân móng thành. Nơi đây còn có dấu tích của đền thờ Sơn Thần. Hiện nay, đền Sơn Thần chỉ còn lại nền đất và một bàn thờ bằng đá vuông vức. Hướng ngôi đền quay về phía đông của vùng núi Nứa. Theo dân làng kể lại, đền là nơi thờ cọp trắng rất linh thiêng, bảo hộ sự bình yên cho dân làng. Hằng năm, đến ngày 27 tháng Chạp, người dân trong làng dựng nêu tại đền để cúng tế, đến ngày 10 tháng Giêng hạ nêu. Cạnh ngôi đền cách 2m về hướng nam là đường mương đá dẫn nước từ suối về làng.
 
Nhìn chung, kiến trúc bờ thành xếp đá là kiểu kiến trúc kín mang tính phòng thủ được gia cố rất chắc chắn. Kích thước của các bờ thành giống nhau: Chiều cao trung bình của bờ thành từ 3 - 4m; mặt đáy trung bình của bờ thành là 3m; mặt trên bờ thành có kích thước trung bình 1,5m. Nguồn nguyên liệu đá dùng xếp bờ thành và đường mương dẫn nước được lấy từ đá tự nhiên tại chỗ. Đó là loại đá cuội có kích cỡ đường kính trung bình từ 20 - 40cm. Nguyên tắc tạo bờ thành đá theo cách thức đá lớn xếp đặt dưới chân, các viên đá có đường kính nhỏ hơn được xếp ở trên, bề mặt bờ thành đá được xếp rất bằng phẳng. Bờ thành đá có dạng hình thang, dưới chân bè ra, trên thu nhỏ dần. Chân thành phía bên trong được kè đá để tăng độ vững chắc cho bờ thành, đồng thời tạo lối đi nội bộ men theo bờ thành. 
 
Các bình gốm được tìm thấy ở làng cổ Thiên Xuân.  Ảnh: NG.KHÔI
Các bình gốm được tìm thấy ở làng cổ Thiên Xuân. Ảnh: NG.KHÔI
Nhà cửa trong làng là dạng nhà trệt vách đất. Khuôn viên nhà cửa của mỗi hộ gia đình có diện tích từ  300 - 500m2, mỗi khuôn viên được đắp nền kè đá bó vỉa. Quần thể không gian bên trong thành là khu dân cư bao gồm các ngôi nhà xây dựng san sát nhau, tạo nên sự quần cư của một làng cổ. Hiện nay, bên trong di tích làng cổ Thiên Xuân chỉ còn lại các nền nhà, vườn cây, đường mòn trong làng, cổng làng, máng nước. Các nền nhà được bó vỉa bằng đá rất chắc chắn.
 
Xưa kia làng cổ Thiên Xuân có các dòng họ người Việt và người Hoa như họ Lê, Nguyễn, Hồ, Đàm, Hứa, Bao. Họ Lê là dòng họ tiền hiền của làng cổ Thiên Xuân, chính dòng họ này đã lập nên đình làng Thiên Xuân. Hiện nay, đình làng Thiên Xuân không còn nhưng vẫn tìm thấy dấu tích ở vùng đất cao bên cạnh dòng sông Vệ.
 
Hiện nay, con cháu của những người trong làng cổ Thiên Xuân vẫn còn giữ lại đất tổ tiên ông bà truyền lại. Họ gìn giữ nền nhà cũ và khuôn viên được giới hạn bằng ranh giới xếp đá. Hầu hết các hộ đều có đất nền nhà và khuôn viên nhỏ để trồng cây ăn trái, cây lâu năm, tổng diện tích đất lưu hạ của các chủ hộ bên trong làng cổ Thiên Xuân là 14.905m2. Diện tích đất này tương ứng với diện tích đất trong làng cổ Thiên Xuân. Có thể ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII sang thế kỷ XIX sông Vệ đã đổi dòng, dòng chảy trước đây biến thành vùng đất ngập nước. Lúc bấy giờ cư dân Việt ở làng cổ Thiên Xuân tiến dần xuống khẩn hoang và chuyển cư lập nên làng mới Thiên Xuân ở ven sông như hiện nay.
 
TS. Đoàn Ngọc Khôi
 
 
 
 
 

.