(Báo Quảng Ngãi)- Hoàng Diễm (tên thật là Trương Binh) là người đam mê làm thơ. Thơ của anh phản ánh chân thật đời sống, tình quê, tình đồng chí... qua những câu từ mộc mạc. Tuyển tập thơ "Miền cát trắng", vừa được xuất bản đã khắc họa điều đó, tựa như mấy khúc tâm tình.
Nhà thơ Hoàng Diễm tên thật là Trương Binh, quê xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ). Ông nguyên là Đại tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi; là hội viên Hội VH - NT tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, nhà thơ Hoàng Diễm đã cho ra đời 5 tập thơ. Mới đây, ông đã trình làng tác phẩm “Miền cát trắng”. Đọc tập thơ này bạn đọc sẽ không khỏi ngỡ ngàng, thú vị.
Trong "Miền cát trắng" có nhiều thể thơ, tôi tâm đắc nhất những bài thơ thuộc thể lục bát uyển chuyển và dạt dào âm hưởng dân ca, cùng thể thơ tám chữ chắc khoẻ và khoáng đạt. Ngoài ra, thể năm chữ dồn dập, mạnh mẽ nhưng bình dị như khúc đồng dao cũng phần nào chuyển tải được nỗi lòng của tác giả.
Tập thơ mang tên gọi “Miền cát trắng” dễ làm người đọc hiểu nhầm về nội hàm. Thế nhưng khi tiếp cận và đọc hết thì sự bao quát của nó là mênh mông trong vỉa tầng cảm xúc chân thành và rung động mãnh liệt của nhà thơ hướng đến với nhiều đề tài khác nhau của cuộc sống.
Viết về tình mẫu tử thiêng liêng bao giờ cũng lay động tâm thức của những đứa con, đặc biệt những người xa quê, luôn mong ngóng ngày về, luôn hoài vọng góc quê hương, nơi ấy có hình dáng mẹ hiền. Bài thơ “Về đây với mẹ”, mở đầu cho tập thơ là sự giãi bày, là nguồn cơn sâu đằm nhất trong tâm hồn người con: "Đời trôi nặng những phũ phàng/ Xô con về phía dặm đàng rủi may/ Tháng ngày chìm những cơn say/ Đành tâm con nỡ đọa đày mẹ cha". Đời muôn nẻo khi con xô dạt xứ người. Sự nhớ nhung rất thật đã tạo được dư vị ngọt ngào, dẫn dắt người đọc khám phá và rung cảm cùng tác giả: "Về nghe con sau thăng trầm/ Đón bình minh với lặng thầm lời ru".
Khúc ruột miền Trung là nơi gánh chịu nhiều thiên tai bão lũ. Dẫu vậy, con người miền Trung không vì thế mà nhụt lòng, nản chí. Ngược lại, họ đắp xây cuộc sống, mong từng ngày tốt đẹp hơn: "Mảnh đất quê lại hồi sinh/ Chào ngày mới ánh bình minh rạng ngời/ Xuân ca reo khắp muôn nơi/ Thắp lên ngọn lửa bên đời yêu thương" (Thương nhớ miền Trung). Thiên nhiên, đất trời luôn ưu ái dành cho vạn vật sinh khí để vươn lên, để làm đẹp cho cuộc đời. Dù là hồng, lan, cúc được con người chăm bón hay hoa dại khiêm nhường nép bên đường, con người có thể vô tình lướt qua. Mỗi con người, mỗi sự vật tồn tại đều mang một giá trị riêng, vẫn góp vào cuộc đời hương sắc: "Nghe từ trong lòng đất/ Tháng năm dài yêu thương/ Dẫu cuộc sống vô thường/ Vẫn hương bay ngào ngạt" (Lời hoa dại).
Khắc khoải và ưu tư luôn là tiếng chim đỗ quyên não nùng khi xa bạn. Tiếng kêu chạm lắng vào tâm tư con người vừa thống thiết, vừa bi ai nhằm biểu đạt nguồn cơn, xa xót. Nhà thơ đã tinh tế góp nhặt được nỗi lòng qua tiếng kêu của loài chim bậc nhất chung tình ấy, như một sự ký thác tâm tư của con người: "Vọng nghe tiếng gọi yêu thương/ Xuân qua hè tới còn vương tơ lòng/ Duyên tình mình mãi trắng trong/ Bên nhau hạnh phúc chờ mong đủ đầy" (Đỗ quyên).
Thơ viết về kỷ niệm, nhất là về chốn quê nhà bao giờ cũng đưa người đọc đến những cảm xúc thật nhất, sự cộng hưởng sẽ làm tăng thêm điều nhà thơ đan cài trong từng câu chữ. Mấy dòng lục bát dưới đây là một ví dụ: "Lục bình tím đã xuôi dòng/ Ngôi nhà xưa cũ rêu phong phủ đầy/ Cuộn theo sóng gió chiều nay/ Nghiêng nghiêng bóng ngả nhẹ lay tóc thề".
Sự hiếu để của người con đã lắng đọng thành thơ, những dòng thơ đẹp nhất của tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng. Buồn vắng khi con phải xa nhà, để mẹ hiu quạnh vào ra trông ngóng: "Mẹ ở quê nhà lòng hiu quạnh/ Xuân ấm áp mà sao lòng se lạnh/ Thao thức đêm dài cả năm canh/ Mong con về bên mái lều tranh" (Mẹ ơi)...
Qua tập thơ "Miền cát trắng", nhà thơ Hoàng Diễm đã gửi đến người yêu thơ tình cảm chân thành, nhẹ nhàng mà sâu lắng tựa như mấy khúc tâm tình là thế đó.
SƠN TRẦN