(Báo Quảng Ngãi)- Chúng tôi vô cùng thú vị khi về thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) được nghe các vị cao niên kể chuyện về cây thị di sản hơn 200 năm tuổi tọa lạc trong khuôn viên nhà thờ Lê Hiệp Tự. Trong không gian yên tĩnh của làng quê, thi thoảng hương thị thơm dìu dịu hòa lẫn trong luồng gió mát làm cho lòng người nhẹ nhàng và càng thêm yêu mến chốn làng quê mộc mạc, yên bình.
[links()]
Người dân thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) tự hào khi được lớn lên dưới bóng mát của “Cây thị di sản”. Ảnh: Đăng Sương |
Bây giờ, vào buổi trưa, những đứa trẻ trong làng cũng rủ nhau cầm vở ra gốc thị ngồi học bài. Các em cũng rất thích thú mỗi khi vào mùa thị chín.
Cụ Trọng bảo, không những trẻ con thích mùa thị chín mà cả người lớn cũng rất thích. Trái thị chín vàng ươm, tỏa hương thơm ngát được người dân quê hái về đặt ở bàn uống trà. Lúc ngồi nghỉ ngơi, bên làn hơi trà nóng, hương thị cũng tỏa ra thơm ngát làm vơi đi phần nào mệt nhọc của buổi lao động đồng áng.
Vùng quê cụ Trọng sinh sống là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Người dân chăm chỉ làm lụng, tích trữ gạo, thóc cung cấp những bữa cơm cho chiến sĩ. Ngày đó, cụ Trọng là cậu bé chừng 7, 8 tuổi. Cụ Trọng kể, ngồi bên gốc cây thị, các chiến sĩ cách mạng thường kể cho trẻ con nghe về những trận đánh anh dũng, kiên cường của quân và dân ta. Các chú, các anh còn dạy cho chúng tôi những bài hát về cách mạng, giáo dục lòng yêu nước. Cây thị này là chứng nhân của lịch sử, nơi gắn liền với truyền thống cách mạng của quê hương, là ký ức tuổi thơ của bao thế hệ.
Mùa thị chín tỏa hương thơm dịu nhẹ. Ảnh: Đăng Sương |
Trải qua các cuộc chiến tranh ác liệt, nhiều lần bị bom oanh tạc nhưng cây thị ở khuôn viên nhà thờ họ Lê, thôn Đề An vẫn sừng sững. Năm 2013, người dân ở Đề An vui mừng khi cây thị hơn 200 năm tuổi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng công nhận và gắn biển “Cây di sản Việt Nam". Đây là cây di sản đầu tiên được công nhận ở Quảng Ngãi.
Mùa thị chín gợi nhớ ký ức tuổi thơ của nhiều người. Và, đối với người dân ở Đề An, cây thị là nét đẹp văn hóa của làng. Trong làn gió mát rượi với hương thị thoảng đưa, cụ Trọng khẽ đọc những câu thơ mà con cháu dòng họ Lê đã viết để thể hiện sự trân quý với cây thị di sản: “Trải qua bao cuộc chiến tranh/Cây xưa vẫn đứng, lá cành xum xuê/Thương cây, nhớ cội ta về/Cùng nhau vun đắp, trọn bề cháu con”.
Đăng Sương