Bolero vào lòng người

09:08, 14/08/2021
.

(Baoquangngai.vn)- Thời gian qua, có rất nhiều cuộc thi hát bolero, cả trên sóng truyền hình quốc gia. Điều đó chứng tỏ nhạc bolero đã có chỗ đứng vững chắc trong âm nhạc Việt.

[links()]

Tôi không phải là người sành nhạc bolero, cũng không phải là một fan của dòng nhạc này. Nhớ ngày còn chiến tranh, ở chiến trường Nam Bộ, tôi cũng không phải là người mê cải lương hay vọng cổ “tới bến” như một người Nam Bộ thứ thiệt vẫn mê. 

Nhưng sau nhiều đêm trụ bám trong địa hình, giữa những đợt pháo bầy và bom B52, tôi chợt lạnh người, da nổi gai ốc khi người bạn và người đồng đội của tôi so lại dây chiếc ghi-ta phím lõm và chợt cất lên da diết: “Ai qua lộ 4 về chốn Ba Dừa - Nhớ chăng tàu chuối đong đưa - Đậm tình quê mẹ những giờ…ờ…ờ…tiến công - Mảnh đất quê hương bom cày đạn xé - Tôi về đây nghe…”, tôi như lịm đi trong hơi vọng cổ dặt dìu, dắt díu, dang dở mà dây dưa. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Như cảm thấy bài ca đang nói hộ nỗi lòng mình, lại như có cảm giác mình sẽ không còn dịp nào được nghe nó một lần nữa. Chiến tranh mà! Nỗi buồn từ hơi giọng mờ đặc của vọng cổ đã ám ảnh tôi - một người làm thơ theo cái cách mà bây giờ người ta gọi là cách tân, là không theo giọng điệu cũ - ám ảnh tới mức tôi có lúc ao ước sau này hoà bình mình có dịp đi sưu tầm những bài ca vọng cổ trong dân gian, từ những “lò” vọng cổ cải lương tài tử ở đất Nam Bộ này, như đã từng làm vậy hồi còn ở đại học - đi điền dã thu thập những bài ca quan họ Bắc Ninh. 

Nhưng giờ đây thì tôi đang nói về một bài hát theo điệu bolero -một bài hát mà ở miền Nam tôi chắc rất nhiều người biết, rất nhiều người thuộc. Bài hát của tác giả Dũng Chinh phổ thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. 

Tôi nhớ, dạo năm 1989, khi tôi đưa Hữu Loan về thăm chơi ở Quảng Ngãi, có lần tác giả bài thơ “Màu tím hoa sim” cùng tôi đến nói chuyện và đọc thơ tại một trường huyện. Trong cuộc đọc thơ ấy, có một giáo viên đã xung phong lên hát ca khúc của Dũng Chinh. Anh giáo viên ấy đã hát thật hay và đúng giọng bolero bài hát này, nghĩa là có chút gì đó hơi “sướt mướt”. Khi nhìn sang lão nhà thơ Hữu Loan, tôi thấy mắt ông rơm rớm ướt. Ông cụ cảm động. Sau đó, trên đường về, Hữu Loan nói với tôi là ông không biết tác giả ở miền Nam này là ai, nhưng bài hát “Màu tím hoa sim” của anh ấy đã “vào” được bài thơ ông một cách thật giản dị, thật quê mùa, và thật cảm động. 

Bây giờ, một số tác giả nhạc trẻ ở ta cũng có xu hướng viết những ca khúc “chân quê đời mới”, dĩ nhiên họ không theo điệu bolero. Có bài tôi nghe vào, có bài tôi nghe dội. Chẳng phải “khó” nghe, mà có gì như nhàm nhàm ở những khúc thức cố làm ra vẻ “lạ” mà “quen” này. Trong khi một bài hát bolero “thứ thiệt” như bài “Màu tím hoa sim” của Dũng Chinh, không màu mè kiểu cọ gì, lại chợt đi vào tôi “nhẹ như không”. 

Âm nhạc đôi khi  “ăn” ở những cú “vào” nhẹ như không mà người nghe cũng chẳng buồn phân biệt ca khúc ấy có “trình độ” nghệ thuật âm nhạc cỡ nào. Cũng như một bài thơ, khi “được” là nó “được”, khi hay là nó hay, chẳng cần phân tích chi rắc rối. 

Nhắc chuyện Hữu Loan “mê” nhạc bolero, lại nhớ, hồi đám cưới con trai tôi, cách đây cũng lâu lắm rồi, sau khi một ca sĩ và nhạc sĩ chuyên nghiệp hát rất hay ca khúc của Phạm Duy phổ bài thơ “Màu tím hoa sim”, thì một  “giọng ca bolero” nghiệp dư - một nhà báo - đã cất lên thật lâm li bài hát của Dũng Chinh -cũng phổ bài thơ ấy của Hữu Loan. Cả bàn tiệc lặng người. Ai cũng thích cũng phục bài hát rất hàn lâm của Phạm Duy, nhiều người hát theo phần điệp khúc điệu quân hành của bài hát. Nhưng rồi ai cũng như bị dây dưa dắt díu day dứt với bài hát điệu bolero quá bình dân của Dũng Chinh. 

Trình độ nhạc cảm của chúng tôi thấp quá chăng? Không biết. Nhưng chúng tôi thấy đồng cảm với bài hát điệu bolero này. Có lẽ, đó chính là cái bí ẩn của nghệ thuật: cao siêu cũng tuyệt vời, mà gần gũi giản dị như củ khoai hạt lúa, miễn được chấp nhận, miễn vào được người thưởng thức, cư trú được trong lòng người, thì cũng “sống như chơi”. 

Tôi nhớ, ngày còn sống, nhà thơ - nhà báo Thái Ngọc San cũng được anh em văn nghệ và báo chí Huế gọi thân thương là “ông Vua bolero”, vì cứ rượu vào, lơ mơ là San lại cất giọng khàn khàn hát những bản bolero như một nghệ sĩ đường phố chánh hiệu. Nhiều bạn thơ và bạn rượu của San, hoặc hát theo, hoặc lặng người mắt rớm rớm ướt. Ấy, bolero là thế, mà cũng hay ra phết chứ nhỉ? 

Bây giờ thì đã có nhiều cuộc thi hát bolero, cả trên sóng truyền hình quốc gia, chứng tỏ bolero đã có chỗ đứng vững chắc trong âm nhạc Việt, và trong lòng người nghe. Nhưng tôi vẫn thích nghe bolero ngẫu hứng, bolero đường phố, lại hát những bài như “Màu tím hoa sim” của Dũng Chinh. Nghe đã lắm! 

THANH THẢO

 

.