(Báo Quảng Ngãi)- Cần mẫn lượm nhặt từng khuy lon bia rồi lần mò trong nhiều năm trời nghiên cứu làm ra một cặp lục bình được coi là độc nhất vô nhị tại Việt Nam bằng khuy bia. Ông Nguyễn Văn Đại Dương (55 tuổi), ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) tự hào rằng, mình đã thành công khi thực hiện được giấc mơ của đời mình. “Đứa con tinh thần” của ông là cặp lục bình bằng khuy bia khiến bao người thán phục khi chiêm ngưỡng...
Bốn năm cho một "tuyệt tác"
“Tôi phải mất 4 năm mới có thể làm ra cặp lục bình này. Khác với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác là nguyên liệu từ hơn 40 triệu khuy lon bia để tôi có thể làm ra nó”, ông Dương vừa nói vừa đưa tay vuốt vuốt thân lục bình từ khuy bia của mình bằng tất cả niềm tự hào của một người đam mê sáng tạo.
Năm 2012, ông Dương định bụng phải làm một sản phẩm gì đó thật độc lạ từ khuy lon bia. Và, ý tưởng làm cặp lục bình bằng khuy lon bia lóe lên trong đầu. Mày mò, trăn trở, suy nghĩ mãi rồi rốt cuộc ông cũng đã tìm được “bí quyết riêng” để làm cặp lục bình từ khuy bia. Ông tính toán chi tiết theo phong thủy là sẽ làm cặp lục bình cao 1,86m, đường kính rộng 0,59m.
Ông Nguyễn Đại Dương đưa cặp lục bình của mình đi triển lãm để tôn vinh giá trị nghệ thuật và truyền đi thông điệp rác thải, phế thải cũng có giá trị. Ảnh: Minh Huy |
Ông tạo khung thành dáng dấp thân lục bình rồi dùng vải mềm để kết nối các khuy bia, bện chúng vào nhau theo một công thức riêng. Ngày làm được vài vòng tròn trên thân hình lục bình. “Quá trình kết nối các khuy bia lại với nhau chỉ cần sơ suất một chút là phải tháo ra làm lại. Đơn cử như khuy bia không trùng mặt với nhau thì phải tháo ra kết lại. Cho nên phải rất tỉ mẩn từng chút từng chút”, ông Dương chia sẻ.
Làm được thời gian thì ông nản chí rồi đẩy cặp lục bình vào một góc nhà với ý định bỏ cuộc. Ông bảo dù rất đam mê nhưng “chế tác” ra cặp lục bình quá khó và tốn quá nhiều thời gian, công sức. Phải hơn nửa năm bỏ xó tác phẩm của mình, ông Dương mới bắt tay khởi động trở lại.
“Hôm ngồi trước nhà, thấy vị sư thầy đi từng bước và cúi lạy trên đường trong hành trình từ Nam ra Bắc. Tôi thấy ý chí sư thầy quá nể. Thầy đi ngoài nắng, ngoài mưa khổ cực như vậy mà vẫn đi được vậy tại sao mình chỉ ngồi ở nhà làm cặp lục bình mà cũng không làm được thì vô lý quá. Vậy nên tôi quyết định lôi ra làm tiếp và hạnh phúc vô cùng khi làm xong cặp lục bình bằng khuy bia”, ông Dương kể.
Giá trị của rác thải, phế thải
Năm 2016, nghĩa là 4 năm sau kể từ ngày đầu tiên ông đi nhặt khuy bia, cặp lục bình của ông cuối cùng cũng hoàn thành. Chỉ vào tuyệt tác của mình, ông Dương bảo nó được tạo ra từ những thứ tưởng chừng như bỏ đi nhưng giờ lại có giá trị về mặt nghệ thuật lẫn tinh thần.
“Ngày nào cũng ngắm. Cứ vài hôm lại đem ra rửa cho khỏi dính bụi. Cả Việt Nam, cả thế giới tôi dám chắc không có cặp lục bình thứ 2 làm từ khuy bia. Rác thải, phế thải cũng có giá trị nếu biết tận dụng”, ông Dương khoe.
Có lần, ông mang cặp lục bình này đi triển lãm tại một cuộc triển lãm sinh vật cảnh ở địa phương. Thấy tấm băng rôn ghi dòng chữ treo sát bên cặp lục bình “Triển lãm hàng độc nhất tại Việt Nam. Trọng lượng 18kg, cao 1,86m, đường kính rộng 0,59m” và biết nó được làm từ khuy lon bia khiến ai nấy cũng bị “hớp hồn” vì nó có sức hút quá đặc biệt.
Ông Dương bảo rằng sẽ không làm thêm bất cứ một cặp lục bình nào khác vì muốn đây là cặp lục bình làm từ khuy lon bia độc nhất để nâng cao giá trị nghệ thuật. “Tôi đang có ý định sẽ chuyển nhượng lại cặp lục bình này với giá 200 triệu đồng để nó có thể được đưa đến một nơi nào đó trưng bày bài bản hơn. Nhà tôi chật hẹp để không hợp và không quảng bá được hình ảnh của nó”, ông Dương nói rồi đưa ánh mắt của mình nhìn chằm chằm vào cặp lục bình cười nhẹ đầy vẻ tự hào.
Công việc chính của ông Dương mưu sinh hằng ngày là thiết kế, trang trí sân vườn. Ông rất có khiếu trong việc làm hồ thủy sinh, đồi cỏ, hòn non bộ. Ngoài làm ra cặp lục bình kỷ lục từ khuy lon bia, ông Dương còn sử dụng khuy bia để làm ra một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác như túi xách, bình đựng trà... Mỗi tác phẩm từ khuy bia của ông đều rất tinh tế, tuyệt mỹ. Đôi bàn tay và khối óc nghệ thuật của ông đã thổi hồn vào sản phẩm bằng khuy bia khác lạ mà không một nghệ nhân nào dễ dàng có thể soán ngôi...
VÕ MINH HUY