"Nhớ ánh đèn sân khấu"

10:02, 28/02/2021
.

(Baoquangngai.vn)- Đó là tâm trạng chung của những người nghệ sĩ khi phải xa rời sân khấu vì dịch Covid-19. Mong ước lớn nhất của họ hiện giờ là dịch Covid-19 nhanh chóng qua đi để có thể quay lại sân khấu biểu diễn phục vụ công chúng.

[links()]
Ngày đầu năm mới, khi những tia nắng Xuân còn nhè nhẹ tỏa, chúng tôi ghé đến Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh cơ sở 2 nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TP. Quảng Ngãi (xưa là Đoàn Ca múa nhạc dân tộc) có phần vắng vẻ, thi thoảng nghe đâu đó văng vẳng những tiếng hát.

Tiếp chuyện với chúng tôi, Phó Giám đốc Trung tâm VHNT tỉnh Đinh Thiên Vương bộc bạch, nếu là những ngày trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trung tâm lúc nào cũng rộn ràng những tiếng đàn, tiếng sáo, và cả những tiếng nói cười khi các anh chị em nghệ sĩ tập trung về luyện tập hát, múa. Tuy nhiên dịch bùng phát, các chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn nhỏ đều bị hủy, nên thi thoảng các nghệ sĩ mới chia nhau ra tập luyện theo kiểu cầm chừng. Nơi này cũng vì thế mà mất đi sự khí thế, nhộn nhịp.

Các nghệ sĩ Trung tâm VHNT tỉnh tập luyện cầm chừng trong nỗi nhớ nghề, nhớ sân khấu
Các nghệ sĩ Trung tâm VHNT tỉnh tập luyện cầm chừng trong nỗi nhớ nghề, nhớ sân khấu

Thông thường, trong một năm, các ca sĩ, diễn viên múa tại Trung tâm VHNT tỉnh sẽ bận rộn với việc tập luyện, biểu diễn trong suốt 9-10 tháng, chỉ được thảnh thơi vào mỗi mùa mưa. Nhưng năm vừa qua, ngành sân khấu nghệ thuật cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng dường như bị tê liệt khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện hồi tháng 2.2020 và liên tục tái bùng phát.

Cách đây chừng hơn một tháng, trong không khí tươi vui khi mùa Xuân mới cận kề, anh chị em nghệ sĩ tại trung tâm ai nấy cũng hăng say, phấn khởi với công việc chuyên môn. Người bắt tay vào dàn dựng tiết mục, người tập múa, người luyện thanh, phối nhạc... các nghệ sĩ đã kỳ vọng rất nhiều vào năm mới 2021 khi nhiều chương trình biểu diễn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu đã được các đơn vị đặt hàng. Nhưng rồi do tình hình dịch diễn biến phức tạp, nên mọi kế hoạch đều bị hủy khi Tết chỉ cách đó vài ngày để phòng, chống dịch, ông Vương nói thêm.

Các nghệ sĩ của Trung tâm VHNT tỉnh biểu diễn chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX hồi cuối năm 2020.
Các nghệ sĩ của Trung tâm VHNT tỉnh biểu diễn chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX hồi cuối năm 2020.

Ở tuổi 40, chị Trương Thị Như Quỳnh diễn viên kiêm biên đạo múa của Trung tâm VHNT tỉnh gắn bó với sân khấu đã hơn 20 năm. Cũng là hơn 20 lần chị Quỳnh tự xông đất cho gia đình mình khi năm nào chị cũng đi diễn tại các đêm hội giao thừa ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Chỉ riêng năm nay, chị dành thời khắc giao thừa bên gia đình khi các chương trình văn nghệ mừng Xuân đều bị hoãn.

Chị Quỳnh chia sẻ “Trước đây, cứ đến đoạn gần Tết là những người nghệ sĩ như chúng tôi lại phải hoạt động hết công suất. Nhiều lúc đi diễn bận rộn không có thời gian ăn cơm, chúng tôi chỉ mong có được ngày nghỉ để. Nhưng bây giờ được nghỉ thật thì lại thấy thiếu, thấy nhớ, chỉ mong dịch sớm qua để được trở lại sân khấu.”

Từng là ca sĩ chính thức tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc cũ với hơn 10 năm gắn bó, nhưng sau khi thực hiện Nghị định 161 của Chính phủ, chị Nguyễn Thị Thảo Hiền bị chấm dứt hợp đồng. Chị Hiền thổ lộ, “Với tôi, đi hát không chỉ để tăng thêm thu nhập mà còn để thỏa niềm đam mê với âm nhạc, đặc biệt là những ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung như bài chòi, sắc bùa hay chất liệu ca lêu, ca choi của đồng bào dân tộc phía Tây Quảng Ngãi. Nên sau khi chấm dứt hợp đồng tôi vẫn tiếp tục làm cộng tác viên của Trung tâm VHNT tỉnh để được tham gia biểu diễn. Bên cạnh đó tôi cũng sắp xếp thời gian kinh doanh và nhận đi hát thêm các sự kiện bên ngoài, thường là những chương trình do người Quảng Ngãi xa quê lâu ngày trở về muốn được nghe lại những gia điệu quê hương tổ chức. Giờ xa sân khấu tôi và tất cả mọi người đều nhớ. Không được đem niềm vui, tiếng hát đến cho công chúng là điều khiến bất cứ người nghệ sĩ nào cũng thấy buồn.”

Phó Giám đốc Trung tâm VHNT tỉnh Đinh Thiên Vương chia sẻ, điều khó khăn nhất của trung tâm hiện giờ là thiếu hụt nhân lực trẻ do thực hiện cắt hợp đồng theo Nghị định 161, nên những lần diễn trước chúng tôi thường xuyên phải thuê thêm các cộng tác viên ngoài. Thời gian nghỉ dịch lâu không đi diễn không có thu nhập, tôi sợ các cộng tác viên đi tìm công việc khác, sau này sẽ khó đảm bảo nhân lực.

Dẫu còn lắm nỗi lo ở trước mắt nhưng trong hoàn cảnh bất khả kháng như hiện nay, chúng ta nên nghĩ thoáng hơn, coi đây là thời gian để nâng cao rèn luyện và hoàn thiện mình. Riêng bản thân tôi vẫn tranh thủ sáng tác thêm nhiều những ca khúc mới. Để khi cuộc sống trở lại bình thường, khán giả sẽ lại được gặp lại những người nghệ sĩ đầy nhiệt huyết với những tác phẩm chất lượng nhất, ông Vương cho biết.

An Hiên

 


.