*Thanh Thảo
(Baoquangngai.vn)- Đó là tiếng hô đồng loạt của hàng chục vạn binh sĩ trước lời cầu chúc lên đường thắng lợi của Hoàng đế Lê Thánh Tông: “Thiên giáng vạn tường, chúc chư đô toàn thắng”. Binh sĩ đã hô vang: “Vạn Tường! Vạn Tường! Vạn Tường!”.
[links()]
Đó là tiếng hô của nhân dân, là ý chí của nhân dân đáp lại, hưởng ứng ý chí của vị Hoàng đế vĩ đại. Đó là vào mùa xuân 1471, tháng Ba, khi gió nồm thổi ràn rạt vào vịnh Việt Thanh, và đại binh do Hoàng đế Lê Thánh Tông đích thân chỉ huy đang làm lễ xuất quân tiến đánh kinh đô Đồ Bàn.
Tượng đồng vua Lê Thánh Tông. |
Và Vạn Tường đã thành địa danh của một vùng đất thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho tới bây giờ.
Có thể hiểu nghĩa chữ Vạn Tường là “vĩnh viễn cát tường” hay “muôn năm may mắn”, nhưng cũng có thể hiểu, hai chữ này đồng nghĩa với hai chữ “Sát Thát” mà Vua tôi quân sĩ nhà Trần đã hô vang khi thề bảo vệ Tổ quốc mình trước ba cuộc xâm lăng của giặc Nguyên-Mông.
Đó là tinh thần Việt Nam, là ý chí Việt Nam quyết bảo vệ Tổ quốc từ xa, không để bị động trước họa xâm lăng, như bây giờ chúng ta hay nói. Lịch sử luôn có những tương đồng, dù không lặp lại, những lời hô “Sát Thát” hay Vạn Tường” dù cách nhau mấy trăm năm, vẫn tương đồng ở tinh thần yêu nước của dân tộc Việt.
Và thời nhà Trần hay thời nhà Lê, đất nước ta đều may mắn có được những vị vua, những vị tướng vĩ đại, những người có tầm nhìn thấu suốt trăm năm, nhìn xuyên vạn dặm như vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, hay Nguyễn Trãi vĩ đại và Hoàng đế Lê Thánh Tông vĩ đại.
Một Hoàng đế anh minh, lỗi lạc, văn võ, chính trị, quân sự, ngoại giao đều ở tầm lưu danh muôn thuở như Lê Thánh Tông, có thể đứng vào hàng ba hay bốn vị Vua Việt “Nghìn năm có một”. Người ta nghìn năm có một người, Việt Nam mình thì suốt nghìn năm có tới 4 người, đủ biết, dân tộc Việt đã phải đương đầu và vượt qua biết bao cuộc chiến tranh, bao nhiêu khổ nạn và đã từng bước xây dựng một đất nước có được vóc dáng hình chữ S như ngày nay.
Hoàng đế Lê Thánh Tông là người đã góp phần rất quan trọng, rất quyết định để Việt Nam có được vóc dáng thiêng liêng ấy, là vị Vua duy nhất trong chế độ phong kiến vừa chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, vừa mở cõi và định hình bờ cõi, vừa xây dựng một nhà nước pháp quyền với bộ luật Hồng Đức, một bộ luật tiến bộ nhất thời phong kiến, và có giá trị cho tới ngày hôm nay.
Không những thế, thời Lê Thánh Tông là thời thịnh trị về văn hóa, thời thơ ca được tôn vinh, người hiền tài được trọng dụng. Ánh sáng và thanh âm của nhã nhạc vang tới hang cùng ngõ hẻm, đó là thời an hòa, thời người dân được sống làm người, có được niềm hạnh phúc tuy nhỏ nhoi nhưng đích thực đó là hạnh phúc.
Một Hoàng đế biết thân dân, biết vì dân, biết thấm nhuần triết lý nhân văn của Nguyễn Trãi vĩ đại qua tác phẩm bất hủ “Bình Ngô đại cáo”: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo/”. An dân phải là mục tiêu đầu tiên và cao nhất khi nhà Vua có bất cứ quyết sách nào, từ chiến tranh tới hòa bình.
Ta hãy nhớ lại lời hô vang động của quân sĩ trước Động Hàng Đô từ 550 năm trước “Vạn Tường!Vạn Tường!” Đó là biếu thị sự thống nhất một lòng của nhân dân trước một quyết sách lớn của nhà Vua, là sự tự nguyện dấn thân vì Đất Nước, khi nhân dân biết người dắt dẫn mình là ai. Niềm tin của nhân dân đặt vào Hoàng đế Lê Thánh Tông là niềm tin đã được kiểm chứng, qua hàng loạt quyết sách vì dân vì nước của vị Hoàng đế anh minh.
Một Hoàng đế vừa là dũng tướng, vừa là một nhà thơ, điều đó thật hiếm có ngay cả trong lịch sử thế giới. Thơ Lê Thánh Tông mang tính giáo dục rất cao, nhưng thật nhẹ nhàng, nhiều khi không trực tiếp giáo dục, mà lại thấm thía khi người đọc nhận ra những ẩn ý cao xa. Đó là thơ sử dụng rất nhiều ẩn dụ, nhiều hình ảnh tượng trưng, nhưng lại rất gần gũi với người nông dân ít học.
Có một điều rất cao cả, rất nhân văn của Hoàng đế Lê Thánh Tông mà người đời nay còn ít nói tới, đó là chủ trương hòa hợp dân tộc, chủ trương hòa huyết trong tình yêu thương giữa người Việt lưu dân và người Chàm bản địa ở miền Trung. Chưa hết, cuộc hòa huyết vĩ đại ấy còn xảy ra ngay tại miền Bắc Việt Nam, khi từ nhà Trần tới nhà Hồ rồi nhà Lê, những tù binh người Chàm, những nghệ nhân, nghệ sĩ người Chàm, những cung tần mỹ nữ người Chàm khi bị buộc di dân ra miền Bắc, lại được nhà Vua cho phép sống như những công dân bình thường.
Và ở Sơn Tây, ở Bắc Ninh, ngay cả ở cố đô Nam Định, những cuộc hòa huyết tự nguyện, hòa huyết trong thanh bình và tình yêu thương đã diễn ra. Những thế hệ mang hai dòng máu Việt-Chàm đã ra đời và truyền lưu từ đời nọ tới đời kia.
Ở miền Trung, đặc biệt là ở Quảng Ngãi, cuộc hòa huyết vĩ đại Chàm-Việt đã diễn ra phổ biến và trải qua rất nhiều đời. Hoàng đế Lê Thánh Tông đã coi sự hòa hợp dân tộc, sự hòa huyết Việt-Chàm như một quốc sách. Tất cả những kết quả từ các cuộc hòa huyết tự nguyện ấy đã là tiền đề cho sự chung sống trong tình anh em, chị em, tình máu mủ ruột rà giữa hai dân tộc, giữa làng xóm và trong một đất nước, một quốc gia.
Chủ trương để quan lại người Chàm cùng phụ trách chính quyền trên cùng dải đất miền Trung đã là minh chứng cho sự sáng suốt của Hoàng đế Lê Thánh Tông, nó tạo ra sự tin cậy giữa người Chàm và người Việt, nó đặt những nền móng cho sự bình đẳng dân tộc, cho nền hòa bình giữa các dân tộc cùng chung sống trên đất Việt Nam.
Bài học về hòa giải và hòa hợp dân tộc, vượt qua binh đao chiến tranh, lấy mục đích chung sống hòa bình và xây dựng đời sống làm mục tiêu chính yếu, vẫn là bài học mang tính cập nhật rất cao cho hiện tại. Chiến thắng trong một cuộc chiến là chưa đủ, cùng thắng trong cuộc sống hòa bình mới là điều lớn lao.
Rất nhiều thế hệ người Quảng Ngãi đã mang hai dòng máu Việt-Chàm, và họ đã thể hiện, cả bằng máu mình, lòng yêu nước và đức hy sinh vì Tổ quốc. Và trong số những người mang hai dòng máu Chàm-Việt ấy, trải qua nhiều đời, đã có không ít những văn nghệ sĩ.
Hoàng đế Lê Thánh Tông còn mãi trong dòng máu dân tộc Việt cho tới ngày nay và mãi mãi, đó mới là hồng phúc của dân tộc Việt.
Và đó chính là Vạn Tường, đúng nghĩa./.