Xa rồi những chuyến ghe bầu ngược xuôi

08:01, 29/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chủ yếu tận dụng sức gió để đẩy thuyền, vậy mà người Quảng Ngãi xưa đã mạnh dạn lèo lái những chiếc ghe bầu theo đường biển bán buôn từ Nam chí Bắc. Nhờ vào nghề buôn ấy, mà từ nhiều thế kỷ trước, các sản vật của Quảng Ngãi đã có mặt và lan tỏa khắp nơi.
[links()]
Kiêu hãnh những hải trình vạn dặm
 
Theo ghi chép về tỉnh Quảng Ngãi trong Đại Nam nhất thống chí: “Ngoài những người bày hàng buôn bán chợ phố, còn có bốn hạng đi buôn: Một là buôn nguồn, hai là buôn gánh, ba là buôn thuyền, bốn là buôn biển”. Trong đó, phương tiện buôn biển được người dân sử dụng phổ biến nhất là ghe bầu. 
Tuy không còn sử dụng ghe bầu, nhưng đặc trưng vẽ mắt thuyền dẹp, dài của ghe bầu vẫn được người dân Bình Dương (Bình Sơn) lưu giữ và ứng dụng vào các tàu, thuyền hiện tại.                      Ảnh: ĐÔNG YÊN
Tuy không còn sử dụng ghe bầu, nhưng đặc trưng vẽ mắt thuyền dẹp, dài của ghe bầu vẫn được người dân Bình Dương (Bình Sơn) lưu giữ và ứng dụng vào các tàu, thuyền hiện tại. Ảnh: ĐÔNG YÊN
Là phương tiện tưởng chừng khá đơn sơ, khi ghe chủ yếu di chuyển trên biển dựa vào sức gió, nhưng theo nhiều ghi chép, thì tải trọng của những chiếc ghe bầu Quảng Ngãi ngày ấy dao động từ 10 - 100 tấn và là phương tiện đánh bắt cá, buôn bán chủ lực của người Quảng.
 
Nghề buôn ghe bầu ngày xưa hưng thịnh đến mức ở khắp các làng chài ven biển, hải đảo của tỉnh, đâu đâu cũng có các đội ghe bầu. Ở Lý Sơn, từ thế kỷ XVIII - XIX, kích thước ghe bầu thời này đã có chiều dài từ 22m trở lên và tải trọng thì dao động lên đến 80 - 100 tấn (theo Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi). Tại cửa Sa Kỳ, “ghe bầu có trọng tải hàng chục tấn chở các sản vật, hàng hóa trong xã, huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh theo đường biển đi khắp các tỉnh phía Bắc, phía Nam của đất nước” (trích Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Bình Châu 1930 - 1975). Ở cửa Sa Cần, đội buôn ghe bầu từ các xã Bình Đông, Bình Thuận, Bình Thạnh và nổi trội nhất là Bình Dương (Bình Sơn) thường ngược lên Châu Ổ lấy hàng rồi sau đó mới xuôi ra cửa biển rồi tỏa đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
 
“Ngày trước, ở xã Bình Dương có cả thảy 7 chiếc ghe bầu của các chủ là: ông Bịa, bà Luyến, ông Tống, ông Xô, ông Minh, ông Nhì, ông Kiên. Hành trình đi buôn ghe bầu của những hải thương ngày đó thường là chở nước mắm vào Nam Bộ bán, rồi sau đó mua gạo từ “vựa lúa miền Nam” đi ngược trở ra, bán dọc các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Cũng có hải trình ngắn từ Quảng Ngãi vào Bình Định mua muối, dầu rái... về bán lại cho ngư dân địa phương. Là những chiếc ghe dựa vào sức gió để di chuyển, nhưng người đi buôn đều dày dạn kinh nghiệm, nên hành trình từ Quảng Ngãi vào đến miền Nam nếu thuận gió chỉ mất cỡ 6 ngày 6 đêm, còn vào Bình Định thì 2 ngày 2 đêm. Tổng lượng hàng hóa mỗi chuyến, một ghe có thể chứa được cỡ 15 - 17 tấn”, cụ ông Đoàn Nhập (84 tuổi), ở làng Đông Yên 1, xã Bình Dương (Bình Sơn), người từng có 5 năm đi ghe bầu kể lại.
 
Tại xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), dấu ấn của nghề buôn ghe bầu cũng từng lưu lại đậm nét tại đây. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Cao Chư, người dân ở các thôn Cổ Lũy, Trường Định, Mỹ Khê ngày đó đã sắm ghe để đi buôn theo đường biển từ rất sớm. Hành trình đi buôn thường là vào Nam Bộ mua gạo, dừa rồi chở ra Nam Định bán. Cũng có trường hợp đến Tam Quan (Bình Định) mua các vật liệu phục vụ cho nghề cá về bán cho ngư dân Cổ Lũy như dây dừa (để kéo lưới), cây cam xe (để chốt ghe), sợi gai (đan lưới); hoặc đi xa hơn thì ghe bầu vào đến Phan Rang, Phan Rí mua cá mòi ra bán cho người dân Nghệ Tĩnh.
 
Chỉ còn là hoài niệm
 
Từng kiêu hãnh nối đuôi nhau mang theo không biết bao nhiêu sản vật xứ Quảng tỏa đi muôn nơi suốt nhiều thế kỷ, ấy vậy mà giờ đây, những chiếc ghe bầu đã hoàn toàn vắng bóng ngay trên sông, biển quê hương.
 
Theo lời kể của nhiều bậc cao niên tại các làng chài Bình Dương, Tịnh Khê, kể từ sau năm 1945, do ảnh hưởng của chiến tranh khốc liệt, nên nghề buôn ghe bầu trầm lắng. Về sau, khi hòa bình lập lại, thì giao thông đường bộ phát triển rầm rộ, thành thử, việc vận chuyển hàng hóa bán buôn theo đường biển đã bị “lỗi nhịp”. Và mọi người chẳng có ai mặn mà với việc phục hưng lại nghề buôn xưa.
 
Nghề buôn ghe bầu vắng bóng hơn nửa thế kỷ, những chiếc ghe bầu cuối cùng cũng đã mục ruỗng theo thời gian. Dẫu vậy, trong tâm trí của cụ ông Đoàn Nhập, từng câu ca dao, bài vè về nghề buôn ghe bầu vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức ông. “Hồi đó, dân đi buôn ghe bầu Quảng Ngãi ai nấy đều thuộc nằm lòng mấy câu này đây: Châu Lai, Châu Ổ bao xa/Trước mũi Vũng Quýt, thiệt là Thống Binh/ Hòn Châm cổ ngựa trời sinh/ Làng Gành, Mỹ Giảng kinh ra Vũng Tàu/ Nới lèo rán, lái cho mau/ Châu Me, Lò Rượu sóng xô hòn Nhàn/ Khỏi Thập là thấy Bàn Than/ Ngoài thời Lao Ré, nằm ngang Sa Kỳ”, ông Nhập bồi hồi nhớ.
 
ĐÔNG YÊN
 
 
 

.