Tháng Củ mật

10:01, 22/01/2021
.
* Truyện ngắn của V.YẾN
 
(Báo Quảng Ngãi)- Tháng Chạp cận kề, Hiên nhận được cuộc điện thoại từ nơi cách mình gần nghìn cây số chỉ để nghe nhắc nhở: “Tháng Củ mật tới rồi, mấy đứa cẩn thận kẻ gian. Tết nhất đến gần rồi, bọn trộm cướp nó cũng “kiếm cơm” ăn Tết đấy”. Nghe mẹ nói vậy, Hiên cũng hơi lo lo, nhưng cô chẳng ngại, bởi nhà đã lắp đặt tới 3 cái camera giấu kín, hai tháng nay nhà Hiên cũng mới thuê được người giúp việc nom cũng hiền lành, chu đáo, được việc...
 
***
 
Bà giúp việc tên Lành - cũng trạc tuổi mẹ của Hiên ở nhà. Công việc của bà Lành được giao không nhiều và cũng chẳng mấy nặng nhọc. Nấu nướng, giặt giũ, lau chùi sàn nhà và một số đồ đạc cần thiết. Đồ ăn có sẵn trong tủ lạnh, bà Lành cũng chẳng phải đi chợ. Việc chính của bà là giữ bé Nấm - thằng con út của vợ chồng Hiên vừa tròn 3 tuổi. Từ hồi sinh Nấm, mẹ Hiên vào giúp cô trông cháu. Thế nhưng tháng trước, bố Hiên bị xe đâm trúng, mặc dù không bị gì nặng, nhưng vì tuổi cao, xương cốt yếu, nên từ khi bị tai nạn ông không thể đi xe máy nữa. “Tao phải về để lo cơm nước cho ổng. Ra Tết mà ổng khỏe rồi thì lại vào cùng chúng bay”, mẹ cô bảo vậy. Vì thế, Hiên phải gấp rút tìm người giúp việc nhà.
 
Ngay từ ngày đầu vào làm, Hiên đã bảo với bà Lành: “Cháu chỉ mong bà trông Nấm cẩn thận, lúc nào Nấm ngủ thì bà hẵng làm việc khác. Mỗi tháng cháu trả bà 5 triệu đồng, ăn uống chúng cháu lo hết. Bà có đồng ý không?”. Bà Lành hầu như không suy nghĩ gì mà gật đầu lia lịa. Với gia chủ số tiền trả cho bà như vậy không phải là cao, nhưng ở nhà quê như bà Lành thì đó quả là một món không nhỏ, có thể trang trải cho gia đình đến 2 - 3 tháng. Chợt có cái gì đó từ thẳm sâu đáy lòng cộm lên. Đêm hôm ấy, dù chăn đã kín cổ, bà giúp việc vẫn không chợp được mắt. Thế rồi, những gương mặt túng bấn ở quê hiện dần. Có lẽ giờ này thằng Tèo đã ngủ, thằng bé cũng bằng tuổi với Nấm, nhưng trông hai đứa khác hẳn nhau. Trời lạnh thế này không biết con trai bà có mặc đủ ấm cho Tèo hay lại để thằng bé chỉ độc chiếc quần đùi với áo may ô trên người. Thằng Tèo mồ côi mẹ, thằng con trai độc nhất của bà lại có tật ở chân từ khi mới lọt lòng nên chẳng làm được gì nên hồn... 
Trưa nay, Hiên về nhà. Bình thường vợ chồng cô hiếm khi nào về nhà buổi trưa, bởi công ty của cả hai đều cách xa nhà. Tháng Chạp này lại càng khó. Nhưng hôm nay Hiên cố ý về nhà, vì cô cảm thấy mình phải giải quyết dứt điểm chuyện này trước khi sự việc đi quá xa.
 
Chẳng là bà Lành đã làm ở nhà cô được hai tháng, Hiên không có gì phàn nàn về bà. Bà rất chịu khó, mỗi ngày đi làm về đến nhà vợ chồng cô đều có cơm canh nóng hổi, nhà cửa sạch bong kin kít. Nấm của cô cũng được chăm bẵm sạch sẽ thơm tho, cái má phúng phính của thằng bé ngày càng bụ bẫm hơn, thằng bé cũng quấn bà Lành như thể bà ngoại của nó vậy.
 
Thế nhưng, một trưa rảnh rỗi ở công ty, Hiên chợt nhớ ra mấy cái camera giấu trong nhà, cô bèn mở ra chỉ với ý định xem thằng Nấm thế nào, “chắc giờ này cu cậu đang ngủ rồi nhỉ?”, cô nghĩ. Hình ảnh camera vừa được bật lên trên màn hình điện thoại, Hiên hơi giật mình, Nấm đang nằm ngủ trên chiếc giường trong phòng của nó, nhưng bà Lành đang làm gì thế kia? Hiên mở rộng hình ảnh của chiếc camera thứ 2 được đặt ngay cửa ra vào, bà Lành đang ngồi sắp xếp một đống giấy vụn, lon bia, chai lọ được đổ đống ngay trước bậc thềm vào nhà. Hiên thầm nhủ: “Bà ấy lấy đâu ra mà lắm đồ đồng nát thế kia nhỉ? Hay bà ấy dọn dẹp tủ kệ rồi giờ đem ra bán?”. Hiên tặc lưỡi, “Dọn thế cho sạch nhà cũng được, bà ấy lại kiếm được mấy đồng uống nước”. Đó là lần đầu tiên cô trông thấy cảnh tượng ấy.
 
Nhưng nó không chỉ diễn ra một lần. Nguyên một tuần sau đó, trưa nào Hiên cũng chăm chú vào màn hình điện thoại, còn bà Lành lại chăm chú vào đống đồng nát trước mặt mình. Có hôm cô còn trông thấy Nấm đang dụi mắt bước ra từ phòng ngủ rồi sà vào lòng bà Lành mặc cho bà đang sắp xếp đống giấy bụi bặm, thằng bé còn nghịch cả mấy cái lon bia đã méo mó nằm lăn lóc xung quanh. Không chỉ vậy, một chuyện “động trời” nữa xảy ra đã khiến Hiên quyết tâm phải về đề xem bà Lành giải thích thế nào về việc làm của mình. 
***
 
Thấy Hiên bất ngờ mở cửa bước vào, bà Lành hơi khựng lại một chút, bà lắp bắp: “Cô... cô... hôm nay cô về trưa mà không báo tôi?”. Vành tai bà dần đỏ lên, đôi mắt cụp xuống như kẻ gian bị bắt quả tang. Nhìn mớ đồ lộn xộn ngay trước cửa nhà, Hiên hơi khó chịu, nhưng cô cũng bước qua rồi vào nhà. Ngồi vào ghế sô pha, cô nhẹ giọng: “Bà vào đây cháu hỏi chút chuyện”, lúc này bà Lành mới tiến đến gần, nhưng bà không dám ngồi xuống, hai bàn tay gầy guộc đầy những đường gân cứ vặn xoắn lấy nhau: “Cô Hiên đừng hiểu lầm, đống đồ ấy... đống đồ ấy là của tôi. Tôi chỉ lấy ra dọn dẹp lại chút, tí nữa là sạch sẽ hết cả ấy mà”. Hiên hơi nhăn trán: “Không lẽ ngày nào bà cũng lôi ra xếp ạ? Đồ của bà toàn đồng nát thế kia thì bà cất ở chỗ nào trong nhà cháu?”. Bà Lành trố mắt ngạc nhiên: “Làm sao cô biết ngày nào tôi cũng xếp ạ? Buổi trưa... buổi trưa cô cậu đâu ai có nhà?”. Hiên đành huỵch toẹt: “Bà ạ! Nhà cháu có lắp camera, là cháu xem được đấy ạ. Nhưng giờ bà giải thích giúp cháu vì sao lại có đống đồng nát này ở cửa nhà cháu, mà ngày nào cũng có vậy?”.
 
Bà Lành giải thích, chuyện là, buổi sáng bà Lành đưa Nấm xuống đi dạo dưới sân chung cư để thằng bé có thể chơi cùng mấy đứa trẻ trong khu. Một hôm bà Lành thấy các cô, các dì thường xách mấy bao rác xuống để bỏ vào thùng phân loại, thế là bà chợt nảy ra ý định sẽ xin hoặc mua lại mấy thứ đồ đồng nát của các gia đình trong chung cư, bởi trước đây khi ở quê nghề chính của bà là thu mua phế liệu. Buổi trưa khi Nấm đã ngủ, bà sẽ đi một vòng từng nhà để nhận phế liệu về phân loại rồi buổi chiều bà sẽ đem đến chỗ thu mua ngay gần chung cư để bán. “Tôi cứ ngỡ tôi dọn dẹp sạch sẽ, nên cô sẽ không biết được. Tôi cũng chỉ muốn có thêm chút tiền để dành lo Tết...”.
 
Sau khi nghe bà Lành kể, lòng Hiên cũng nguôi ngoai chút đỉnh. Hiên không phải là người giàu có, cô cũng biết được nỗi khổ của những người đàn bà ở những vùng quê nghèo khó, bởi gia đình cô cũng từng có những ngày tháng cơ cực như vậy, nhưng cơn giận bỗng bùng lên lại khi cô nhớ lại một chuyện cô chỉ mới phát hiện vào cuối giờ chiều qua. “Bà tranh thủ kiếm thêm chút tiền bằng sức lao động của mình thì cháu cũng chấp nhận, nhưng bà đem giúp cháu chiếc túi bà để trong phòng bà ra đây, cháu biết bà cất gì trong đó đấy. Bà đừng chối”.
 
Không còn ngạc nhiên về chuyện vì sao Hiên biết được nữa, bà Lành lẳng lặng vào phòng rồi đem ra chiếc bao bóng đen được cột kỹ càng. Hiên đứng dậy giằng lấy chiếc túi, cô vừa mở ra vừa bực tức bảo: “Bà chăm thằng Nấm cháu rất vừa ý, việc nhà làm cũng đâu vào đấy, nhưng không có nghĩa là bà có thể ăn cắp đồ nhà cháu. Mẹ cháu nói cấm có sai, tháng củ mật này phải cẩn thận mà cháu lại không ngờ kẻ trộm lại ở ngay trong nhà mình”, vừa lôi đống quần áo trong túi ra, Hiên bỗng lặng thinh. Chiếc áo này là của thằng Nấm hồi 2 tuổi, chiếc áo ấm đã rách phần mạn sườn, chiếc quần này, bộ đồ ngủ kia cũng vậy... nó nằm trong đống đồ hôm trước Hiên vừa bảo bà Lành vứt vào thùng phân loại rác cơ mà. Rồi mấy thứ đồ khác nữa, Hiên nhận ra đó không phải là đồ của Nấm. Những món đồ tuy đã cũ, nhưng rất sạch sẽ, thơm tho, những vết rách đã được tỉ mẩn vá lại cẩn thận. Hiên bỗng chốc ngượng ngùng, cô ngồi bệt xuống đất.
 
Khóe mắt bà Lành đã đỏ lên tự lúc nào, bà run run xếp lại mấy chiếc áo, giọng khàn đi: “Tôi xin lỗi vì tự ý lấy đồ mà cô bảo vứt đi, nhưng tôi thấy tiếc cô ạ. Mấy chiếc còn mới lắm, chỉ là bị sút chỉ, rách lỗ cũng be bé thôi, tôi thấy thằng Tèo cháu tôi nó mặc cỡ này cũng vừa, nên tôi mới lén giữ lại. Có mấy bộ là của các cô trong khu kêu tôi lại cho nữa. Định là vài ngày nữa nghỉ Tết thì đem về cho cháu nó mừng”.
 
***
 
Những ngày cuối cùng của năm đã cận kề. Vợ chồng Hiên cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa Nấm về quê đón Tết cùng ông bà nội ngoại. Ngày 28 Tết, chồng Hiên đưa bà Lành ra bến xe, trước khi đi Nấm vẫn còn giữ chặt chân bà mà gào: “Bà ở lại với con đi, con không cho bà về đâu huhu”. Níu thằng bé vào lòng, Hiên dúi vội vào tay bà Lạnh một phong thư cùng túi đồ.
 
Trên chiếc xe đang lăn bánh về nơi có con cháu bà đang mong ngóng, bà Lành lần giở bì thư. Trong phong bao là xấp tiền lương cùng một tờ giấy gấp gọn: “Lời đầu, con xin lỗi bà về tất cả. Con xin gửi bà tiền lương tháng này cùng tiền thưởng Tết. Mấy bộ quần áo và chiếc áo ấm con gửi bà đem về cho cu Tèo và bố cháu, xấp vải mới bà nhớ may để mặc Tết nhé. Ra Tết bà nhớ vào với chúng con và Nấm, bà nhé. Gia đình con chúc bà cùng con cháu một cái Tết vui vầy, đầm ấm!”.
 
Xếp lại cánh thư, bà Lành thấy lòng mình đã ngập tràn hương vị của ngày Tết. Tháng Củ mật đã trôi qua nhường chỗ cho những điều ngọt ngào như mật vậy!./.
 

.