Bay bổng điệu chiêng Ba

08:01, 19/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đến vùng cao Ba Tơ nếu chưa được thưởng thức nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của dân tộc thiểu số Hrê thì quả thật đáng tiếc. Nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của đồng bào Hrê ở Ba Tơ độc đáo và mang bản sắc riêng có ở vùng đất này.
[links()]
Vật báu của tổ tiên
 
Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL) Phan Đình Độ, người đã có thời gian dài cùng với cộng sự đi điền dã nghiên cứu nghệ thuật trình diễn chiêng ba của đồng bào Hrê ở Ba Tơ, cho biết: Người Hrê sinh sống chủ yếu ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long. Tuy nhiên, chỉ có người Hrê ở huyện Ba Tơ mới biết trình diễn chiêng Ba và trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống. Hiện nay, ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện Ba Tơ đều giữ gìn nghệ thuật trình diễn chiêng Ba, tiêu biểu nhất là ở xã Ba Vinh. 
Đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ trình diễn nghệ thuật chiêng Ba.  Ảnh: PD
Đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ trình diễn nghệ thuật chiêng Ba. Ảnh: PD
Theo quan niệm của người Hrê, chiêng là vật thiêng của thần linh. Họ không sử dụng chiêng trong đám tang. Những người trong năm gặp rủi ro thì không được đánh chiêng trong những ngày vui của dân làng. Nếu được mời đánh chiêng, họ cũng từ chối... Khi sử dụng chiêng phải thực hiện nhiều nghi thức tín ngưỡng, đặc biệt là nghi thức cúng chinh (chiêng). 
 
Ngoài diễn tấu chiêng trong dịp lễ hội của làng và ngày vui của gia đình, vào rạng sáng ngày đầu năm, nhà nào có chiêng cũng mang ra đánh để cầu mong thần linh phù trợ cho gia đình và cộng đồng có cuộc sống bình an, mùa màng bội thu. Hiện nay, hầu hết các xã ở huyện Ba Tơ đều có đội cồng chiêng và thường xuyên sinh hoạt cồng chiêng. Toàn huyện hiện có 890 hộ gia đình có chiêng, với trên 900 bộ chiêng Ba, 740 người biết sử dụng chiêng.
 
"Nghệ thuật trình diễn cồng chiêng của người Hrê ở Ba Tơ rất hay, rất đặc biệt, không lẫn vào đâu được, chính từ đây đã lan tỏa nghệ thuật trình diễn cồng chiêng ra các địa phương khác", anh Độ nhận định.
“Nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người Hrê không chỉ là sinh hoạt văn hóa mà quan trọng hơn chính là lưu giữ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người Hrê khẳng định sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của tộc người Hrê ở Ba Tơ, thể hiện qua các nghi thức “cúng chiêng”, cách diễn tấu chiêng... thể hiện nét văn hóa độc đáo của văn hóa tín ngưỡng truyền thống đồng bào Hrê".
 
Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL) PHAN ĐÌNH ĐỘ 
Độc đáo qua từng âm điệu
 
Anh Phan Đình Độ cho biết thêm: Chiêng Ba của người Hrê ở Ba Tơ là dàn chiêng ba chiếc. Ba chiếc chiêng có kích cỡ không bằng nhau. Chiếc lớn có tên là chinh Vông hay chinh cha, chiếc nhỏ hơn là chinh Tum hay chinh mẹ, chiếc nhỏ nhất là chinh Túc hay là chinh con. Khi trình diễn, chinh Vông được để nghiêng, chinh Tum để nằm, chinh Túc treo trên dây. Khi đánh thì chinh Tum đóng vai trò giữ nhịp, chinh Vông và chinh Túc theo giai điệu. Chinh cha và chinh mẹ đánh bằng nắm tay trần, chinh con đánh bằng nắm tay có quấn khăn để tiếng chiêng được ấm. Người đánh chiêng giỏi nhất sẽ đánh chinh túc, dẫn dàn chinh diễn tấu theo đúng bài bản và nhịp.
 
Khác hẳn với diễn tấu cống chiêng của các nơi khác, khi diễn tấu dàn chinh ba chiếc ở Ba Tơ, nghệ nhân ngồi ở vị trí ổn định, không di chuyển. Nơi diễn tấu thường là đầu tra - gian khách phía trước của nhà sàn. Người Hrê có bốn điệu chinh cơ bản là Chinh Năng, Chinh K’oa, Chinh H’lay và Chinh Tuguốc. Chinh Năng là điệu chinh phổ biến, nghe vui nhộn, thúc giục và trữ tình. Chinh K’oa là điệu chinh mô phỏng âm thanh của tiếng ếch, nhái kêu, rất khó diễn tấu bởi sự tinh tế, như thể hiện tiếng lòng của người Hrê mong chờ những cơn mưa mang lại màu xanh tươi của núi rừng. Đây là lối diễn tấu đặc biệt so với các điệu chinh khác. 
 
Chinh H’lay là điệu chinh mô phỏng âm thanh của thác đổ, nước suối chảy. Chinh Tuguốc là điệu chinh mô phỏng tiếng hót của một loài chim Tuguốc (tượng thanh), rất gần gũi và thân thương với người Hrê. Theo người Hrê, chim Tuguốc là loài chim báo mưa, khi chim Tuguốc cất tiếng hót thì trời sẽ đổ mưa, mang lại cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no... 
 
Nghệ thuật trình diễn chiêng Ba gắn liền với đời sống của đồng Hrê ở Ba Tơ. Có rất nhiều điều thú vị liên quan đến chiêng Ba của đồng bào Hrê, gắn liền đời sống tín ngưỡng. Đi theo năm tháng, tiếng chiêng Ba vẫn mãi vang vọng khắp núi rừng, như là tiếng lòng của đồng bào Hrê ở huyện vùng cao Ba Tơ. Với giá trị đặc sắc riêng có của nghệ thuật trình diễn cồng chiêng ở Ba Tơ, tỉnh đã trình Bộ VH-TT&DL công nhận đây là di sản phi vật thể cấp quốc gia.
 
MINH ANH
 
 

.