Dại, khôn ở đời

09:01, 26/01/2021
.
* Truyện ngắn của Ý THU
 
(Báo Quảng Ngãi)- Nghe tin ông Tư sửa soạn nhận tiền đền bù cả tỷ đồng từ trang trại bò sữa, ông Hai Thắng ngồi tặc lưỡi: “Hồi hay...”.
 
Sự tiếc nuối như những đợt sóng, hết lớp đến lớp, cứ ào ạt đổ về trong tâm trí ông Hai Thắng. Lòng ông trĩu xuống, nặng nề như mớ bông gòn bị nhúng nước! Mặt ông trở nên cau có. Đôi chân mày lấm tấm sợi bạc chau lại, khiến cho đôi mắt ti hí của ông vốn đã nhỏ, lại càng nhỏ hơn.
 
***
 
Ngày ấy, ông Tư và Hai Thắng nằm trong số những người đầu tiên đặt chân đến vùng kinh tế mới Đồng Dinh. Cả một vùng đất rộng bạt ngàn là thế, nhưng vì bạc màu lại thiếu nước, nên chẳng có mấy nóc nhà.
 
Ông Hai Thắng nhạy bén và lanh lợi, lại "nổi tiếng" dữ dằn chẳng chịu nhường ai bao giờ. Gà nhà người ta lỡ bay sang nhà ông xới tung đống rơm, ông bắt nhốt, chờ chủ qua nhà ỉ ôi xin lỗi mấy ngày liền mới chịu trả. Mèo hàng xóm lỡ chạy sang nhà ông ăn vụng, ông đánh lằn ngang lằn dọc rồi mới thả về... 
Còn ông Tư, lúc nào cũng hiền khô như "cục đất". Ai muốn tranh gì thì tranh, giành gì thì giành, ông cứ câu cửa miệng rằng "sao cũng được", chẳng khi nào đua chen. Nhiều bận cao điểm nắng nóng, cả xóm phải thức đêm canh nước. Người nào cũng trình bày lý do xin bơm nước vào ruộng mình trước để về sớm. Duy chỉ có ông là... nhường tới, nhường lui để rồi khi tới lượt mình thì đã quá nửa đêm. Có đợt, xã phát động phong trào làm đường nội đồng. Cả xóm hầu như ai cũng tranh thủ góp từ 2 - 3 ngày công rồi đi làm việc khác, chỉ có ông là nhiệt tình gác lại hết việc riêng, túc trực ngoài đồng hơn nửa tháng trời - từ lúc khởi công cho tới khi hoàn thành công trình.
 
Tính cách của ông Tư và ông Hai Thắng đối lập như ngày và đêm. Vậy nên, mọi người ai cũng lấy làm lạ khi thấy hai ông luôn thân thiết, gắn bó với nhau. 
 
Ông Tư biết bạn không chịu thua ai bao giờ, nên hễ bạn nóng nảy, thì ông im lặng nhường nhịn. Bù lại, ông Hai Thắng tuy hay cau có, nóng nảy và có phần ích kỷ, nhưng lúc cần lên tiếng bảo vệ bạn bè, thì ông cũng chẳng từ nan. Đã đôi lần, trâu nhà người vào ruộng ông Tư ăn cả nửa đám ruộng, ông Tư xuê xoa cười trừ cho qua, nhưng ông Hai Thắng lại lặn lội tới tận nhà chủ trâu... bắt đền giùm bạn.
 
Là hàng xóm "tối lửa tắt đèn" có nhau, nên khi nghe tin ông Tư nhanh nhảu đồng ý nhường hơn 10 sào ruộng lại cho xã quy hoạch thành khu trồng điều tập trung, ông Hai Thắng liền can ngăn hết lời: “Ông rõ là dại. Muốn “được việc” cho mình thì phải cứng rắn lên chớ. Sao không nhân cơ hội này, đòi đền bù tại những chỗ khác ngon lành hơn? Sao lại cứ thiệt thà nhường ruộng rồi nhận đền bù tại chỗ không có nước tưới?”
 
Nghe ông Hai Thắng phân tích, ông Tư thiệt thà đáp lại: “Thì hơn 10 sào ruộng mà tôi nhượng lại cho dự án cũng ở xứ đồng chân cao thiếu nước mà. Ở cái đất Đồng Dinh này, kiếm đâu ra chỗ ngon lành mà đòi hỏi hở ông? Hơn nữa, nếu mà xã hình thành nên được vùng chuyên canh điều, thì tốt cho quê mình quá. Mình không góp được gì, thì mình nhường đất nhanh nhanh ông à!”
 
Nghe lý lẽ của ông Tư, ông Hai Thắng chán ngán chẳng muốn nói thêm. Ông Hai Thắng tự nhủ: “Mình sẽ không “dại” như lão Tư”! Trong lòng ông Thắng đã “nhắm” sẵn mươi sào ruộng vừa gần đường, lại cạnh mương Thạch Nham ở xứ đồng Cây Si. Nếu địa phương đền bù cho ông tại vị trí đấy, thì ông mới chịu nhường đất lại cho dự án, còn không, ông và vợ con kiên quyết “cứng rắn” tới cùng.
 
***
 
Sau một thời gian dài cố chấp bám trụ, cuối cùng, ông Hai Thắng cũng được địa phương “xuống nước” đền bù cho phần ruộng cạnh mương Thạch Nham. Ngày nhận ruộng, ông rủ ông Tư đi nhậu một bữa “lên bờ xuống ruộng”. Chân bước thấp bước cao, miệng nồng nặc hơi men, ông Thắng cười lớn vỗ vai ông Tư: “Đấy! Tôi đã bảo mà! Ông mà nghe theo tôi, thì giờ có phải khỏe re không?”...
 
Nghe giọng điệu hả hê của ông Thắng, ông Tư chỉ ôn tồn bảo: “Như ngày Tết mình chia thịt heo thôi ông à. Có xương, có nạc. Chứ ai cũng chỉ đòi phần ngon, thì phần kém ngon, ai nhận hả ông?”...
 
Ông Thắng nghe bạn nói xong, lặng thinh không đáp. Cuộc đối thoại của hai ông dừng lại ở đấy. Quan điểm sống khác biệt, nên mỗi lần nói chuyện, cả hai chỉ nói với nhau dăm câu là thôi.
 
***
 
Có ruộng ngay cạnh thủy lợi Thạch Nham, nên việc đồng áng của ông Hai Thắng khá thuận lợi. Mỗi lần đến vụ mùa, ông không còn phải thức đêm để canh, chạy nước như xưa. Đến mùa thu hoạch, năng suất lúa nhà ông nhờ đất đai màu mỡ, lại đầy đủ nước tưới nên năm nào cũng “nhỉnh” hơn người khác. Còn ông Tư, do diện tích ruộng được đền bù vẫn nằm ở xứ đồng chân cao thiếu nước, nên ông cứ loay hoay với chuyện nước tưới tiêu. Đợt cao điểm nắng nóng năm nào cũng vậy, trong khi hàng xóm của ông là Hai Thắng đã cơm nước, nghỉ ngơi; thì giữa đêm hôm khuya khoắt, ông vẫn còn vạ vật ngoài đồng để canh, chờ tới phiên mình bơm nước. Đến mùa thu hoạch, trong khi ruộng lúa nhà ông Hai Thắng lúc nào cũng được chục bao lúa mỗi sào, thì ruộng nhà ông chỉ tròm trèm 5 - 6 bao...
 
Không đành lòng khổ mãi, ông Tư đi khắp nơi tìm hiểu và quyết định chuyển từ trồng lúa sang trồng các cây rau màu chịu hạn như bí đao chanh, bí đỏ hồ lô... Lúc thấy ông mày mò trồng thử nghiệm, ông Hai Thắng liền bàn ra: “Ông ngẫm cho kỹ lưỡng. Trồng cây quen thuộc không sao, chớ trồng cây mới, mình tìm đầu ra không được thì khốn đốn. Tính ông lại hiền quá, làm sao mà lanh khôn cho lại với người ta”.
 
Bỏ ngoài tai những lời khuyên của bạn, ông Tư vẫn cần mẫn trồng và bất ngờ gặt hái được thành công. Bởi thời ấy, bí đỏ hồ lô, bí đao chanh vẫn là những loại hoa màu còn khá lạ lẫm ở quê ông, nên ông trồng được bao nhiêu, thương lái tới mua hết bấy nhiêu. Mô hình trồng cây chịu hạn của ông Tư, bỗng trở thành mô hình điểm, được nhiều nông dân khác tìm đến tận ruộng để học hỏi, làm theo.
 
Thấy cây bí đỏ, bí đao mang lại thu nhập rủng rỉnh cho mình, ông Tư rủ bạn làm cùng, nhưng ông Hai Thắng lắc đầu nguầy nguậy. Nhìn ông Tư thiệt thà hướng dẫn lại cách chăm sóc, cách trồng cho người khác, ông Hai Thắng tặc lưỡi chửi thầm trong bụng: “Rõ là dại! Mình mà nghe theo nó thì có nước... nghèo. Cái gì biết cũng bày lại hết cho người ta, người ta làm theo cả loạt, rồi hàng hóa thừa mứa ra thì hàng hóa mình ai thèm mua nữa”.
 
***
 
Có lẽ, ông Hai Thắng sẽ mãi nhận xét bạn của mình “sống dại”, nếu như không có một ngày, chủ của một chuỗi cửa hàng rau sạch lớn nhất, nhì ngoài phố về tận vùng kinh tế mới Đồng Dinh để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho ông Tư và các hộ dân trong xóm. “Nếu ông Tư trồng hoa màu một mình, thì người ta chẳng ngó ngàng tới đâu, vì sản lượng làm ra ít, chẳng bõ công vận chuyển. May mà ổng không giấu nghề, rủ nhiều người làm chung, nên người ta mới để mắt tới đấy”, vợ ông Hai Thắng kể lể lại với chồng.
 
Rồi ông Hai Thắng lại tiếp tục nghe tin, diện tích ruộng ở khu vực xứ đồng thiếu nước mà ông từng “chê ỏng chê eo” ngày xưa giờ đang được trang trại bò sữa ngỏ ý đền bù với giá lên đến hơn cả trăm triệu đồng mỗi sào để phát triển vùng trồng cỏ tập trung. Ông Tư và mọi người trong thôn dự định sau khi nhận tiền đền bù, sẽ dùng đồng vốn đó để  mua lại ruộng vườn, tiếp tục phát triển trồng rau sạch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
 
Nghe đến đâu, ông Hai Thắng lại “tặc lưỡi” tiếc nuối đến đó. Bên tai ông, tiếng vợ ông văng vẳng ngoài sân vọng vào: 
“Sống thật cần chi khôn với dại. Mai này mới biết kẻ dại khôn”...
 
Đang miên man suy nghĩ, thì ông Hai Thắng nghe tiếng bước chân ông Tư đi vào. Ông Tư không sang rủ ông đi ăn mừng, cũng chẳng vỗ vai ông cười lớn. Ông Tư qua là để tiếp tục thuyết phục ông Hai Thắng tham gia vào đội trồng hoa màu xóm Đồng Dinh.
 
Và lần này, vợ ông Hai Thắng không nghe ông bàn ra, cũng không nghe ông mắng ông Tư "dại" nữa. Bà chỉ nghe tiếng ông cười khà khà rồi bảo: "Ừ. Ông nói gì cũng đúng. Tôi xin lỗi vì trước nay dại dột không nghe ông..."./.
 

.