(Báo Quảng Ngãi)- Ngày xưa ở nhiều đình làng, đền, miếu, vào lệ tế xuân thường tổ chức lễ rước sắc thần. Làng xã nào hình thành lâu đời thường có nhiều sắc thần. Vừa rồi, chúng tôi lại tìm thấy 18 sắc phong thần thời nhà Nguyễn ban cho xã Long Phụng thờ nhiều vị thần khác nhau. Các sắc thần này hiện còn lưu giữ cẩn trọng trong một nhà thờ họ ở thôn Mỹ Khánh, xã Đức Thắng (Mộ Đức).
Những sắc thần còn khá nguyên vẹn
Mặc dầu trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử và sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết, 18 sắc phong thần này còn được lưu giữ khá nguyên vẹn tại nhà thờ họ Nguyễn Hữu - một ngôi nhà thờ khá nhỏ, nằm khuất trong một khu vườn đầy cỏ cây, phía tây nam thôn Mỹ Khánh, cách không xa con đường ven bờ Nam sông Vệ xuôi về cửa Lở.
Ông Nguyễn Hữu Nên, người phụng tự ngôi nhà thờ này, cũng không biết rõ những sắc thần đó có ở ngôi nhà thờ Nguyễn Hữu tự lúc nào. Ông chỉ biết, đó là những sắc thần mà ông cố của ông là Nguyễn Hữu Can và cả sau này cha của ông là Nguyễn Hữu Nhu, vẫn luôn dặn dò con cháu phải cố gìn giữ những báu vật này.
Sắc ban cho làng Long Phụng thờ Huyện Lân hầu Hậu hiền Nguyễn Lệ Khanh. |
18 sắc phong thần cho ai?
Khảo sát các sắc phong thần lưu tại nhà thờ họ Nguyễn Hữu, chúng tôi thấy: 18 bản sắc này đều là thần sắc ban cho xã Long Phụng, huyện/phủ Mộ Đức thờ các vị phúc thần, bao gồm 9 vị phúc thần: Thành Hoàng, Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị thánh nương, Quan Thánh đế quân, Cao Các, Bạch Mã, Ngũ Hành tiên nương, Trấn Nam dinh Phó Đô tướng Mai phủ quân, Phi Vận tướng quân và một vị thần có công khai mở đất đai vùng đất này là Nguyễn Lệ Khanh.
Theo thứ tự niên đại, về sắc ban thời Tự Đức, có 6 sắc, trong đó có 4 bản sắc ban ngày 2 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852) cho phụng thờ: Thành Hoàng, Đại Càn Quốc gia Nam Hải, Quan Thánh đế quân, Cao Các Quảng độ; 2 sắc ban ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880) cho phụng thờ: Cao Các, Thành Hoàng (hợp phong), Đại Càn Quốc gia Nam Hải.
Về sắc ban thời Đồng Khánh, có 3 sắc, đều là sắc ban ngày mùng 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), cho tiếp tục phụng thờ: Cao Các, Thành Hoàng (hợp phong), Đại càn Quốc gia Nam Hải, Quan Thánh.
Đại diện bà con tộc Nguyễn Hữu mở các sắc phong thần. Ảnh: Đăng Vũ |
Về sắc ban thời Duy Tân, có 3 sắc, trong đó có 2 sắc được ban ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909), cho phụng thờ: Quan Thánh, Cao Các, Trấn Nam dinh Mai phủ quân (hợp phong), Nam Hải Tứ vị Thánh nương và 1 sắc ban ngày mùng 8 tháng 6 nhuận năm Duy Tân thứ 5 (1911) cho tiếp tục phụng thờ Quan Thánh.
Về sắc thời Bảo Đại, có 1 sắc, ban ngày 19 tháng 8 năm Bảo Đại thứ 16 (1940) cho Huyện Lân hầu Hậu hiền Nguyễn Lệ Khanh.
Nhìn đại thể, trong 18 sắc thần này, có những sắc thần ban cho xã Long Phụng phụng thờ các vị nhiên thần, thiên thần, như Ngũ Hành, Thành Hoàng, nhưng hầu hết là cho thờ phụng các vị nhân thần, với các thần hiệu từ “Trung đẳng thần” đến “Thượng đẳng thần” như: Quan Thánh, Cao Các, Tứ vị Thánh nương, Phi Vận tướng quân (Nguyễn Phục), Trấn Nam doanh Mai phủ quân (Mai Đình Dõng/ Dũng)... mà để hiểu thêm về lai lịch, thần tích các vị thần này là một câu chuyện khá dài.
Điều đặc biệt ở đây là, có một sắc thần ban cho Huyện Lân hầu Hậu hiền Nguyễn Lệ Khanh với thần hiệu là “chi thần”. Theo bà con họ Nguyễn Hữu ở thôn Mỹ Khánh, thì ông Nguyễn Lệ Khanh, tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Lệ Khanh, chính là thủy tổ của họ Nguyễn Hữu ở xã Long Phụng xưa kia, mà nay tại thôn Thanh Long, xã Đức Thắng vẫn còn ngôi mộ của ông nằm gần miếu Ngũ Hành. Nhưng vì sao ông Nguyễn Lệ Khanh chỉ là hậu hiền lại được phong thần? Để trả lời cho câu hỏi này cần phải đi tìm hiểu tiểu sử ông Nguyễn Lệ Khanh; nhưng rất tiếc, cho đến nay chúng tôi chưa thấy tài liệu nào ghi về hành trạng, lai lịch của ông, kể cả trong số tài liệu còn lưu tại nhà thờ Nguyễn Hữu.
Theo ông Nguyễn Hữu Nên, trước đây tại nhà thờ Nguyễn Hữu không chỉ giữ 18 sắc mà còn nhiều hơn. Số lượng bao nhiêu ông không nhớ rõ. “Cách đây vài chục năm, có một số dòng họ xin thỉnh một vài sắc về thờ vì cho rằng các sắc đó liên quan đến dòng họ mình, như bà con tộc họ Đỗ cùng xã (họ tộc có ông Đô đốc Đặng). Lại có người xin thỉnh mấy tờ sắc khác để làm chay tế âm hồn, mà trong lễ tế thầy cúng làm cả tấm hình nhân thế mạng, thổi phù phép vào hình nhân, nên bị tịch thu luôn cả sắc thần lẫn một số tài liệu chữ Hán khác; vì lúc đó việc tế lễ kiểu bùa chú như vậy được coi là mê tín, dị đoan”, ông Nên cho hay. |
Vì sao sắc ban cho xã Long Phụng mà lại ở nhà thờ Nguyễn Hữu?
Như đã nói ở trên, 18 sắc thần này đều ban cho “Long Phụng xã” để thờ 9 vị phúc thần. Cũng bởi ban cho xã Long Phụng nên trước hết là nói về xã Long Phụng.
Có thể tóm tắt: Tên gọi Long Phụng có lẽ bắt nguồn từ địa cuộc của xã có dãy núi Long Phụng (hình rồng, phụng). Từ thời Đồng Khánh (1885 - 1888) đến đầu thời Pháp thuộc, xã Long Phụng thuộc tổng Lại Đức, là một trong 6 tổng huyện Mộ Đức (bao gồm cả Đức Phổ hiện nay). Trước năm 1945, xã Long Phụng có 7 thôn: Mỹ Khánh, Thanh Long, An Định, Thế Khương, Gia Hòa, Đại Thạnh, Tân Định. Sau năm 1945, các xã Long Phụng có nhiều thay đổi vì tách, nhập, nên không hẳn là tương đương với xã Đức Thắng hiện nay. Nhưng vì sao sắc ban cho xã Long Phụng giờ lại lưu tại nhà thờ Nguyễn Hữu ở thôn Mỹ Khánh?
Xem lại bản “Hương ước làng Long Phụng”, được Tri phủ Mộ Đức Nguyễn Hà Hoành trình ký ngày 30.5.1938; được quan Công sứ Pháp (có ký, không rõ tên) và Tuần vũ Quảng Ngãi Hồng Quang Địch phê duyệt vào ngày 11.8.1938 thấy có 3 người họ Nguyễn Hữu trong số 76 người ký tên trình ký bản hương ước này. Một ông là Nguyễn Hữu Tường có phẩm hàm là tòng thất phẩm, xếp thứ hai từ trên xuống, chỉ sau Suất đội Lê Văn Võ, và còn lại hai ông Nguyễn Hữu khác là Nguyễn Hữu Cư (hương mục), Nguyễn Hữu Thế (tộc biểu). Từ bản Hương ước này, có thể suy đoán, vào thời điểm đó họ Nguyễn Hữu là họ có vị thế trong làng xã nên được giao trọng trách được giữ sắc thần. Con cháu các đời sau tiếp tục gìn giữ đến tận bây giờ.
TS.
NGUYỄN ĐĂNG VŨ