(Báo Quảng Ngãi)- Là một người thầy mẫu mực, nhà giáo Trần Văn Thận đã đóng góp nhiều công sức cho nền giáo dục quê hương, đất nước.
Đóng góp cho sự nghiệp giáo dục
Các sách do nhà giáo Trần Văn Thận nghiên cứu, biên soạn. ẢNH: CAO CHƯ |
Tại Khoa Ngữ văn, ông gặp người rất thân quen là Giáo sư văn học nổi tiếng Lê Trí Viễn, vốn là người Quảng Nam, từng vào làng An Ba làm giáo viên, rồi Hiệu trưởng Trường Lê Khiết trong kháng chiến chống Pháp. Ở ĐHSP Hà Nội 1, GS.Lê Trí Viễn làm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, còn ông làm Phó Chủ nhiệm. Thật khó kể cho hết những đóng góp của ông cho sự nghiệp giáo dục thời gian này, đối với học sinh phổ thông cũng như các thế hệ sinh viên đại học. Chỉ biết rằng nhiều thế hệ sinh viên, học sinh trưởng thành từ miền Bắc mỗi khi gặp ông đều tỏ lòng thương mến, kính trọng.
Sau năm 1975, mặc dù giữ chức hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn chỉ hai năm học, ông cũng để lại những dấu ấn không phai đối với lứa học sinh và các giáo viên của trường (về sau, nhà giáo Trần Đình Trọng, con ông, lại làm Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn và cũng kế tục truyền thống của ông, xây đắp nên thành tựu, truyền thống cho trường).
Thời gian làm Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Quy Nhơn cũng là thời gian khá đặc biệt, lưu lại nhiều dấu ấn của nhà giáo Trần Văn Thận trong lịch sử nhà trường. Năm 1978, trường ra đời, cũng là năm ông khăn gói vào Quy Nhơn nhận nhiệm vụ. Trường mới lập, khó khăn chồng chất. Ở trường, hiệu trưởng là ông Trần Xuân Nhĩ lại kiêm nhiệm (ông Trần Xuân Nhĩ khi đó đang là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng, sau lên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, về hưu là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam). Ông Nhĩ thường xuyên ở Đà Nẵng, thi thoảng mới vào làm việc ở Quy Nhơn. Thành thử xử lý thường xuyên công việc của trường vẫn là nhà giáo Trần Văn Thận. Lãnh đạo trường chỉ duy có mình ông, vừa là Phó Hiệu trưởng, vừa là Bí thư Đảng ủy của trường. Hồi này là thời bao cấp, nhà trường cũng lo cả chi phí ăn ở cho sinh viên, công việc rất bừa bộn. Cho mãi đến khoảng năm 1982, khi Bộ GD&ĐT điều GS.Lê Hoài Nam từ ĐHSP Vinh về làm Hiệu trưởng ĐHSP Quy Nhơn, thì công việc của ông mới vơi bớt.
Bận bịu biết bao công tác quản lý, nhưng ông vẫn tranh thủ giảng dạy. Bộ môn mà ông giảng dạy là văn học cổ điển Việt Nam thế kỷ XIX và trong công việc này ông cũng để lại những dấu ấn sâu đậm trong sinh viên. Về mặt quản lý trường, ông giữ vững nguyên tắc, nhưng cũng rất chân tình trong mối quan hệ với giảng viên và sinh viên, nhất là trong xử lý các sự việc nổi cộm, được nhiều người nể trọng.
Tham gia nghiên cứu
Giảng dạy đại học phải đi liền với nghiên cứu khoa học. Thời ở Trường ĐHSP Hà Nội I, nhà giáo Trần Văn Thận đã tham gia một số đề tài nghiên cứu của Khoa Ngữ văn, tất nhiên địa hạt nghiên cứu gắn liền với nội dung giảng dạy. Thời công tác tại Quy Nhơn, ông tham gia nghiên cứu về nhà soạn tuồng Đào Tấn và tham luận của ông được đánh giá cao.
Sau tái lập tỉnh, khi đã về hưu và sống ở quê hương Quảng Ngãi, nhà giáo Trần Văn Thận gắn với những nghiên cứu về truyền thống quê hương. Căn nhà nhỏ trong hẻm Cống Kiểu ở TX.Quảng Ngãi là nơi ban ngày ông trồng rau, ban đêm chong đèn đọc sách, nghiên cứu. Ông viết về chí sĩ yêu nước quê hương, các sách kỷ yếu về Trường Trung học Lê Khiết, Trường THPT Trần Quốc Tuấn, lịch sử, truyền thống về huyện Nghĩa Hành, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi).
Đặc biệt, ông đã kỳ công nghiên cứu để xuất bản các tập sách: Lê Trung Đình, cuộc đời, sự nghiệp, giai thoại, văn chương" (Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ngãi xuất bản, 1999); Nguyễn Bá Loan, cuộc đời và sự nghiệp cứu nước (NXB Chính trị Quốc gia, 1999); Nhà cách mạng lão thành Nguyễn Công Phương, cuộc đời và sự nghiệp (Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hành xuất bản, 2005); Đồng chí Nguyễn Nghiêm, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi xuất bản, năm 2000). Đây là các nhân vật tiêu biểu của truyền thống yêu nước và cách mạng của Quảng Ngãi. Nhà giáo Trần Văn Thận tuy đã cao tuổi, nhưng không quản ngại khó khăn, đi nhiều nơi, lục tìm nhiều tư liệu mới để nghiên cứu và biên soạn.
Ngoài việc tuân thủ tính trung thực, khách quan của sự thật lịch sử, ông còn chú ý đến tâm tư, cá tính của nhân vật. Các sách ấy nhờ vậy vừa mang tính khoa học, có những phát hiện đáng quý, lại vừa dung chứa nhiều xúc cảm. Các sách ấy là những đóng góp đáng ghi nhận cho giáo dục truyền thống của Quảng Ngãi.
“Đồng liêu” với nhà giáo Trần Văn Thận có nhiều người là các nhà giáo, nhà nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, ngoài GS.Lê Trí Viễn khá gần gũi còn có thể kể các GS, PGS như Nguyễn Văn Hạnh, Trần Văn Hối, Phan Trọng Luận, Phương Lựu, Nguyễn Văn Giai, Lương Duy Thứ, Lê Hoài Nam, Nguyễn Lộc và nhiều người khác, gần như tất cả đều tỏ lòng trọng vọng, yêu mến khi nhắc đến ông. Vậy nhưng, cho đến cuối đời, ông vẫn giữ sự khiêm tốn, giản dị hiếm thấy.
Về nơi chôn nhau cắt rốn
Năm 1975, khi chiến tranh kết thúc, cán bộ tập kết ra Bắc về Nam, nhiều người chọn Sài Gòn hay các thành phố lớn với nhiều triển vọng thăng tiến, riêng nhà giáo Trần Văn Thận từ Hà Nội lại quay về với quê hương. Ông công tác ở Ty Giáo dục Quảng Ngãi và chỉ xin bố trí “một chức vụ nho nhỏ”. Ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn, trường trung học duy nhất ở TX.Quảng Ngãi bấy giờ, trong khi ở Hà Nội, ông là cán bộ giảng dạy, Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Bí thư Đảng ủy Trường ĐHSP Hà Nội I.
Quê ở thôn An Ba, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), cách thị xã khoảng 20km, thường vào ngày chủ nhật, nhà giáo Trần Văn Thận về quê ở cùng gia đình. Ông muốn ở nơi chôn nhau cắt rốn với không khí ấm áp của gia đình, quê hương, chia sẻ với người thân, xóm giềng sau bao đau thương mất mát. Nhưng rồi, ông cũng chưa được an nhàn ở quê. Sau hai năm làm Hiệu trưởng Trường Trần Quốc Tuấn, năm 1978, ông được Bộ GD&ĐT điều đi làm Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Quy Nhơn. Ông làm việc ở đây cho đến khi nghỉ hưu. Sau khi Quảng Ngãi tái lập 1989, ông về sống ở TX.Quảng Ngãi và đến năm 2008 thì qua đời.
|
CAO CHƯ