Cháy mãi một niềm đam mê múa

03:11, 30/11/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Sinh ra và lớn lên ở cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Múa là cơ duyên để Đinh Xuân Lâm chọn Quảng Ngãi lập nghiệp, phát triển niềm đam mê. Là một nghệ sĩ, biên đạo múa ở Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, từ khi gắn bó anh đã cháy hết mình với đam mê, với văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà.
 
[links()]
 
Người và nghề chọn lấy nhau
 
Biên đạo múa Xuân Lâm xuất hiện rất nhiều lần trong các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật của tỉnh. Trong khoảng chục năm trở lại đây, nhiều người biết đến anh không phải là một diễn viên múa chính trên một sân khấu lộng lẫy. Anh thầm lặng quan sát ở đằng sau cánh gà, nép mình bên hông sân khấu, khu vực âm thanh, ánh sáng. Thỉnh thoảng, anh chạy về phía diễn viên để dặn dò, hướng dẫn. Anh được biết đến nhiều hơn với vai trò là một biên đạo múa của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay, anh đã có gần 27 năm gắn bó với đoàn. 
 
Xuân Lâm cho hay, quê hương anh ở cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cha là người dân tmộc Mường, mẹ là người dân tộc Thái. Từ nhỏ, anh đã có niềm đam mê múa. Năm 17 tuổi, anh mạnh dạn thi vào Trường Âm nhạc Tây Nguyên, chuyên ngành diễn viên múa. Sau 4 năm “dùi mài kinh sử”, anh về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Đam San (Gia Lai). Sau đó, anh đến Đăk Lăk công tác tại Đoàn Nghệ thuật múa rối, ca nhạc kịch.
 
Biên đạo múa Xuân Lâm hướng dẫn cho các diễn viên múa Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Ảnh: Phương Lý.
Biên đạo múa Xuân Lâm hướng dẫn cho các diễn viên múa Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Ảnh: Phương Lý.
 
Vài năm sau đó, trong một hội diễn, tình cờ biết được thông tin Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Quảng Ngãi, khi ấy là Đoàn Ca múa nhạc Chim Yến đang cần một diễn viên múa chuyên nghiệp. Anh mạnh dạn nộp hồ sơ thi tuyển và trúng tuyển. Đây cơ duyên để Xuân Lâm cống hiến cả thanh xuân cho văn hoá nghệ thuật của tỉnh nhà.
 
Từ một diễn viên múa chuyên nghiệp, về sau phát hiện bản thân anh có năng khiếu biên đạo, dàn dựng nên đoàn đã tạo điều kiện cho anh theo học ngành biên đạo múa tại Trường ĐH Nghệ thuật Quân đội (Hà Nội). Hoàn thành việc học, anh tiếp tục về đoàn và trở thành một biên đạo chuyên nghiệp, kiêm cả công việc Đội trưởng Đội múa. Giờ đây, anh là một “cây đa, cây đề” trong bộ môn nghệ thuật múa chuyên nghiệp ở Quảng Ngãi, góp sức cho văn hóa, nghệ thuật tỉnh nhà ngày càng phát triển.
 
“May mắn là tôi đã chọn lấy nghề và nghề cũng đã chọn tôi. Khi còn trẻ, còn có khả năng biểu diễn trên sân khấu, bản thân đã hết mình cống hiến cho khán giả những điệu múa đẹp nhất, dùng ngôn ngữ hình thể để truyền tải cảm xúc, ca từ của các tiết mục. Khi đã có tuổi, tôi lại tiếp tục theo đuổi với nghề bằng việc tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo các điệu múa, biên đạo, dàn dựng cho các tiết mục ca, múa nhạc. Nghệ thuật múa chuyên nghiệp như cái duyên, cái nghiệp gắn liền với cuộc đời”, anh trải lòng.
 
Mang đậm dấu ấn vùng cao
 
Là biên đạo được đào tạo chuyên nghiệp, có thâm niên trong nghề, Xuân Lâm dành nhiều tâm huyết cho các tác phẩm mà mình sáng tạo nên. Cái chất nổi trội trong anh là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật múa cổ điển với nghệ thuật múa đương đại, múa hiện đại. Qua đó, vừa giữ gìn được giá trị của nghệ thuật truyền thống, đồng thời thể hiện sự hội nhập văn hóa một cách văn minh, dễ dàng tiếp cận khán giả ở mọi lứa tuổi.
 
Có lẽ sinh ra ở nơi vùng cao phía Bắc nên khi vào lập nghiệp ở Quảng Ngãi, anh dành nhiều tâm huyết dàn dựng các tiết mục ca múa nhạc mang đậm nét văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Để chuyển tải đúng cái hồn của dân tộc Cor, Cadong, Hrê, anh dành nhiều thời gian cho niềm đam mê. Không đơn giản chỉ là xem, nghiên cứu qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo, tài liệu lưu trữ, sử dụng giáo trình giảng dạy về nghệ thuật múa dân gian của các dân tộc đã được hệ thống một cách khoa học, cơ bản ở trường lớp.
 
Vào những mùa lễ hội, khi các ngôi làng vùng cao rộn tiếng cồng chiêng, đó là lúc biên đạo múa có mặt, đến gần hơn với các nghệ nhân. Trên người luôn có chiếc máy quay phim cầm tay để ghi lại cảnh sinh hoạt thường ngày, phong tục tập quán đặc trưng nơi đại ngàn hoang dã, huyền bí.
 
Từ những kiến thức thực tế đó, Xuân Lâm mô phỏng, cách điệu cho từng điệu múa, cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật được dàn dựng, kết hợp được nhiều yếu tố sáng tạo, đến gần với cuộc sống thực tế và để lại những dấu ấn trong lòng khán giả.
 
"Khi thưởng thức một tác phẩm múa trên sân khấu, khán giả sẽ không thể hình dung sự khổ luyện của người diễn viên. Đặc biệt, để biên đạo, dàn dựng một tác phẩm mang bản sắc văn hóa riêng từng vùng miền, cần rất nhiều thời gian quan sát, nghiền ngẫm. Bắt buộc người biên đạo phải nắm rõ mọi thứ về vùng miền đó, từ đời sống sinh hoạt hằng ngày, trang phục, cách sống...", anh nói.
 
"Nghệ sĩ, biên đạo múa Xuân Lâm không chỉ là người có chuyên môn mà anh từng còn là một người đội trưởng có trách nhiệm trong việc điều hành đội múa. Mỗi một sự kiện, chương trình của cơ quan, của tỉnh giao, anh đều làm việc với hết khả năng vốn có. Cùng với việc khẳng định tài năng bản thân, những năm qua anh còn là nghệ sĩ gạo cội, góp phần lớn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng những thế hệ nghệ sĩ, diễn viên múa chuyên nghiệp cho tỉnh nhà", Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi, nhạc sĩ Đinh Thiên Vương cho biết.
 
Biên đạo múa Xuân Lâm dành nhiều thời gian để về các ngôi làng vùng cao, tiếp xúc với các nghệ nhân để sáng tạo, dàn dựng nên những tiết mục mang đậm dấu ấn vùng cao Quảng Ngãi.
Biên đạo múa Xuân Lâm dành nhiều thời gian để về các ngôi làng vùng cao, tiếp xúc với các nghệ nhân để sáng tạo, dàn dựng nên những tiết mục mang đậm dấu ấn vùng cao Quảng Ngãi.
 
Cả một đời phiêu du với nghệ thuật múa, biên đạo múa Xuân Lâm không nhớ chính xác đã dàn dựng bao nhiêu tiết mục múa, bao nhiêu tiết mục của anh em trong đoàn đạt giải thưởng. Với anh giải thưởng không phải là điều quyết định vinh danh một nghệ sĩ, quan trọng hơn cả là những tác phẩm đó có gì đọng lại trong lòng công chúng. 
 
Chỉ nhớ rằng, mỗi năm anh đã dàn dựng hàng trăm tiết mục cho Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Quảng Ngãi tham gia các sự kiện, chương trình phục vụ cho các ngày lễ lớn của tỉnh, các kỳ liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Cùng với đó là biên đạo, dàn dựng các chương trình cho các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh.
 
Với những đóng góp của mình, vào năm 2012, anh đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tặng Kỉ niệm chương vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch.
 
Ngày 15.11.2020, biên đạo múa Xuân Lâm nhận quyết định ở một vị trí công tác mới là Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động khi Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh sáp nhập với Trung tâm Văn hóa tỉnh thành Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Dù có những thay đổi mới nhưng anh vẫn nguyện tiếp tục cống hiến với nghề để niềm đam mê cháy mãi không thôi, bởi nghề và anh đã trót lỡ chọn lấy nhau.
 
Bài, ảnh: Gia Nghi
 

.