(Báo Quảng Ngãi)- Để lưu giữ các giá trị truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc, ngành văn hóa tổ chức Liên hoan Cồng chiêng, đàn và hát dân ca 2 năm một lần, luân phiên tại các huyện miền núi trong tỉnh. Đây là dịp để các dân tộc anh em như Cor, Hrê, Cadong thuộc các huyện miền núi trong tỉnh có điều kiện thể hiện đa dạng những nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tại Liên hoan Cồng chiêng, đàn và hát dân ca được tổ chức ở huyện Sơn Tây mới đây, đã thu hút hơn 300 nghệ nhân người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong tỉnh tham gia.
Những tiết mục đậm nét văn hóa Cor được các nghệ nhân, diễn viên của Trà Bồng biểu diễn đầy ấn tượng mở màn cho đêm diễn. Đặc sắc nhất phải kể đến tiết mục đấu chiêng. Đây là nét văn hóa đặc trưng, một phần không thể thiếu trong nghệ thuật cồng chiêng của người Cor đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đấu chiêng là một cách diễn tấu rất độc đáo của người Cor mà các dân tộc khác không có.
Tiết mục đấu chiêng của huyện Trà Bồng đoạt giải A tại liên hoan. Ảnh: KN |
Tham gia biểu diễn màn đấu chiêng, nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên, ở xã Trà Sơn (Trà Bồng) cho biết: Đấu chiêng gồm 3 người: Hai người đấu với nhau, còn người thứ ba dùng trống ở giữa để vỗ giữ nhịp, có vai trò như “trọng tài” cho hai bên. Đấu chiêng được người Cor xem là một nghệ thuật đặc sắc, dành cho thanh niên, trai tráng trong làng. Đấu chiêng thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai và tài tháo vát, nhanh trí của từng đấu thủ. “Qua biểu diễn tại các hội thi hay lễ hội mừng lúa mới, dịp Tết... là cơ hội để lớp nghệ nhân chúng tôi truyền dạy lại để lớp thanh niên trẻ biết giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình”, ông cho biết thêm.
Tiết mục thổi kèn Amap cũng độc đáo không kém. Đây cũng là nét đặc trưng riêng của đồng bào Cor. Nghệ nhân Hồ Thị Dé, đơn vị Trà Bồng chia sẻ: “Đây là loại kèn được làm từ cây dương sỉ. Các bà, các chị dùng tiếng kèn để giãi bày, tâm sự, khuyên răn con cháu, hay đôi lứa thổ lộ tình yêu, động viên nhau lao động sản xuất...”. Đồng bào dân tộc thiểu số Hrê, đơn vị Ba Tơ đã để lại ấn tượng đậm nét với màn trình diễn “Gọi hồn về”. Đây là văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời của đồng bào Hrê.
Nghệ nhân Phạm Văn Sây, huyện Ba Tơ cho biết: Hằng năm, mỗi gia đình sẽ làm lễ gọi hồn cho cả gia đình đưa linh hồn về nhà phù trợ sức khỏe và may mắn cho gia đình. điệu múa của các thiếu nữ Hrê, biểu tượng cho những cánh chim Vlinh khỏe khoắn, dẻo dai, tiếp sức cho thần Vlinh bay từ chốn Mang Lung mang linh hồn về với gia chủ”.
Ngoài ra, đơn vị Ba Tơ còn đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc với tiết mục Hmon - thể loại kể chuyện sử thi, ngụ ngôn bằng hình thức H’ăng (diễn xướng) với các đoạn khúc hát dân ca cổ... thấm đẫm tính nhân văn, răn dạy con cháu.
Huyện Minh Long biểu diễn tiết mục hòa tấu các nhạc cụ như Ta Lía, K’râu, Chinh Ka La, Ra Ngói. Tiết mục đặc sắc, du dương bởi làn điệu hát ru trầm ấm do nghệ nhân cao niên biểu diễn hát ru cháu, hay thiếu nữ mới lớn biểu diễn làn điệu hát ru em...
Còn diễn viên của huyện Sơn Tây thì thể hiện điệu hát Ra Nghế. Đây là thể loại hát dân ca của người CaDong thường hát vào dịp Tết truyền thống của người CaDong, mừng lúa mới, các dịp lễ hội... Hay tiết mục biểu diễn cồng chiêng gồm 8 chiêng (âm vang lễ hội Ká Ca Pơ) đánh vào dịp tết cổ truyền, lễ hội ăn trâu...
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Minh Trí nhận xét: “Những tiết mục văn hóa, văn nghệ mang đến liên hoan được các đơn vị dàn dựng công phu, nội dung gần gũi với cuộc sống của đồng bào mình, ca ngợi tinh thần lao động, tình yêu cuộc sống, tình yêu đôi lứa. Những tiết mục được kết tinh từ lòng đam mê, tinh thần gắn bó với nghệ thuật truyền thống, tạo sự thích thú, hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Liên hoan là dịp để các địa phương giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc".
Kim Ngân