(Báo Quảng Ngãi)- Cứ đến hẹn lại lên, những ngày này, đi dọc các tuyến đường trung tâm thành phố, thi thoảng lại bắt gặp những cửa tiệm tất bật dựng ki-ốt để chuẩn bị bày bán mặt hàng bánh Trung thu. Nhìn hình ảnh đó, lòng tôi lâng lâng nhớ đến mùa Trung thu năm xưa, khi mình còn đang độ “biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.
Ở làng quê nghèo ấy, bánh Trung thu được ví như một món hàng xa xỉ, chỉ con nhà có điều kiện thì may ra mới được thưởng thức hương vị của nó. Đó là mẫu bánh được gói riêng trong một lớp vỏ nhựa, rồi bao ở ngoài bằng túi giấy có trang trí họa tiết sặc sỡ, chứ không phải loại 5 nghìn đồng 3 cái mà các tạp hóa nhỏ hay bán.
Ảnh minh họa |
Hễ cái gì thiếu thì đâm ra thèm thuồng, đó là tâm lý chung của đám trẻ quê. Nhưng, dù có ham muốn đến cỡ nào chăng nữa thì chẳng đứa nào dám mở lời xin tiền bố mẹ để mua, bởi vài chục nghìn đồng thời đó lớn lắm, đủ để xoay sở thức ăn cho cả gia đình trong vài ngày.
Tôi may mắn có người chú ruột làm lính biên phòng ở tít tận vùng cao khó khăn, chưa có vợ con, nên rất thương các cháu. Do có phụ cấp khu vực, nên lương có phần rủng rỉnh. Thế là, vào một đêm trăng sáng, trước Rằm tháng 8 Âm lịch một ngày, chú cưỡi xe máy xuống tận nhà, dúi vào tay anh em chúng tôi một gói bánh Trung thu hạng sang, kèm theo chiếc lồng đèn nhân tạo được thắp sáng bởi pin tiểu hiệu Con Ó, rồi thủ thỉ vào tai: Chúc hai con có mùa Trung thu thật vui. Tôi ríu rít cảm ơn và nhìn chú thật lâu, phát hiện bộ đồ lính còn bám đầy đất đỏ bazan, điều đó chứng tỏ chú chưa kịp ghé về nhà.
Khi mở quà ra, cả hai chẳng nỡ ăn vì nó đẹp đến nỗi... “mê ly”, đúng câu người ta thường hay ví von “tiền nào của nấy”. Mãi vài ngày sau, hai anh em tôi mới quyết định nhấm nháp vì lo sợ, để lâu bánh sẽ hết hạn thành đồ “quá đát”, dùng không được thì phí. Chúng tôi đã phải thốt lên nhiều lần hai từ: Ngon tuyệt.
Trung thu trọn vẹn, ý nghĩa chỉ đến một lần trong đời tôi như thế. Sau “bữa tiệc” thịnh soạn ấy, cho tới hiện tại, tôi vẫn chưa thể tìm lại đúng nghĩa cảm giác sướng run người hệt vậy. Nghĩ lại, không phải bản thân không đủ sức mua bánh, càng không phải vì lý do bánh khan hiếm, bởi cửa hàng bánh Trung thu mọc lên khắp nơi, cứ cần là có. Mà là vì, cả tuổi thơ tôi lẫn “hương vị” của cái Tết thiếu nhi đã trót “ngủ yên” trong chiếc bánh đầu tiên ấy rồi, chẳng thể nào tìm lại được.r
LÊ NGỌC PHƯỚC