(Báo Quảng Ngãi)- Trên khắp các ngõ phố, trong tiếng trống tưng bừng, hình ảnh những đoàn lân sư rồng đa sắc màu biểu diễn điêu luyện mang niềm vui đến cho mọi người nhân dịp tết Trung thu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ít ai biết rằng, đằng sau đó là quá trình luyện tập vất vả, tìm hướng đi mới để giữ nghề của những người đam mê bộ môn nghệ thuật múa lân sư rồng, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống.
Mê nghệ thuật múa lân
Ông Võ Quang Đóa (52 tuổi), chủ đoàn lân sư rồng Phước Quá Đường (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: "Đã 13 mùa Trung thu đoàn lân đi khắp nơi biểu diễn. Mỗi thành viên trong đoàn đều hăng hái, nhiệt tình, bởi với đoàn lân, mùa Trung thu là mùa vui nhất".
Đoàn lân sư rồng Sen Lạc tham gia biểu diễn tại lễ hội Lân sư rồng quốc tế tổ chức ở Đà Nẵng năm 2019. Ảnh: NVCC |
Từ năm 16 tuổi ông Đóa đã theo đoàn lân sư rồng của chùa Tỉnh Hội (nay là chùa Pháp Hóa, TP.Quảng Ngãi) luyện tập, biểu diễn. Niềm đam mê với múa lân sư rồng trong ông Đóa ngày càng lớn, vậy nên năm 2008 ông thành lập đoàn lân sư rồng Phước Quá Đường với 20 thành viên. Từ đó đến nay, số lượng thành viên ngày càng tăng và đoàn lân là nơi để những người cùng chung đam mê gặp gỡ, học hỏi nghệ thuật biểu diễn múa lân sư rồng.
Ông Đóa cho hay: Có kinh nghiệm tích lũy từ trước và học hỏi thêm ở trên Internet, tivi, tôi hướng dẫn các bạn trẻ tham gia ở đoàn lân các điệu múa lân sư rồng. Con lân múa đẹp là diễn xuất được 8 bộ thần thái: Kinh, nghi, động, tĩnh, hỷ, nộ, ái, ố. Diễn được điệu này cần quá trình luyện tập lâu dài. Hầu như các bạn tham gia trong đoàn có sẵn năng khiếu, nên học rất nhanh.
Thông thường để múa một con lân cần hai diễn viên, một người múa đầu lân, một người múa đuôi. Cả hai phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, ăn ý với nhau trong từng động tác. Bộ pháp của con lân liên quan đến tấn pháp. Trong đó, những tấn pháp phổ biến thường được sử dụng trong múa lân là: Trung bình tấn, hạc tấn, đinh tấn, xà tấn, tọa tấn tương ứng với các hình ảnh lân đứng, ngồi, nằm hoặc thu người...
Đoàn lân sư rồng Phước Quá Đường còn tự tay làm từng chiếc lân sư rồng. Bình quân mỗi năm, đoàn lân sẽ làm khoảng hơn 10 chiếc lân phục vụ biểu diễn. Anh Trần Xuân An (32 tuổi), thành viên đoàn lân, bộc bạch: “Tôi tham gia đoàn lân từ những ngày đầu. Chúng tôi đều mê vẻ đẹp của múa lân sư rồng, nên dù bận rộn với việc riêng vẫn dành thời gian để luyện tập, trau chuốt từng động tác. Ngoài ra, việc tự làm những chiếc đầu lân sẽ giúp cho anh em trong đoàn có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ lân”.
Tìm hướng phát triển
Cũng có nền tảng từ đoàn lân sư rồng chùa Tỉnh Hội, ông Lê Minh Triết (51 tuổi) ở TP.Quảng Ngãi đã lập ra đoàn lân sư rồng Sen Lạc vào năm 2012. Hiện đoàn lân có hơn 50 thành viên và đều ở độ tuổi rất trẻ. Ông Triết cho biết: Đoàn lân đã trải qua nhiều thăng trầm. Dẫu qua trình tập luyện có vất vả, nhưng mỗi thành viên đều trân trọng và gắn bó theo đuổi.
Bên cạnh việc kế thừa những điệu múa truyền thống, chúng tôi cũng kết hợp với những điệu múa hiện đại, với kỹ thuật đòi hỏi độ khó, chuyên nghiệp hơn. Các thành viên khi biểu diễn cần kết hợp ăn ý và hòa cùng điệu trống. Đồng thời, đồ nghề biểu diễn cũng phải chất lượng, màu sắc bắt mắt để thu hút người xem. Vậy nên, những năm qua, bên cạnh biểu diễn dịp tết Trung thu, vào những ngày thường, đoàn lân nhận hợp đồng mừng khai trương, khai mạc... đem lại một phần thu nhập cho các thành viên.
Ông Võ Quang Đóa, chủ đoàn lân sư rồng Phước Quá Đường kiểm tra lân chuẩn bị cho mùa Trung thu năm nay. |
Để đoàn lân ngày càng chuyên nghiệp, ông Triết liên hệ và nhờ sự hỗ trợ chỉ dẫn của đoàn lân sư rồng nổi tiếng trong và ngoài nước. Nhờ vậy, đoàn lân sư rồng Sen Lạc của ông Triết mạnh dạn tham gia các giải thi đấu được tổ chức ở trong nước. Năm 2017, tham gia Giải thi múa lân Địa Bửu tổ chức ở Hội An (Quảng Nam) và năm 2019 tham gia Lễ hội lân sư rồng quốc tế tổ chức ở Đà Nẵng.
Anh Bùi Nhật Huy (25 tuổi), thành viên đoàn lân sư rồng Sen Lạc, tâm sự: “Tôi tham gia đội lân sư rồng Sen Lạc từ năm 17 tuổi, được sự hỗ trợ từ anh Triết nên đến nay tôi đã biểu diễn nhuần nhuyễn các điệu bộ của lân cao... Khi tham gia, giao lưu với nhiều đoàn lân sư rồng đến từ các tỉnh, thành hay quốc gia khác nhau, tôi học hỏi thêm kinh nghiệm và càng trân quý nghệ thuật múa lân sư rồng mình đang theo đuổi”.
ĐĂNG SƯƠNG