Chuyện xưng hô của người Hrê

10:09, 19/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi dân tộc anh em ở nước ta có những nét văn hóa rất riêng. Với đồng bào dân tộc Hrê, văn hóa xưng hô của họ cũng lạ lạ, hay hay.
Dân tộc Hrê vốn không có họ. Khoảng năm 1955 - 1960, dân tộc Hrê mới có họ, đặc biệt là những cán bộ tập kết ra Bắc, học sinh miền Nam, những người dân sống trong vùng địch tạm chiếm hầu hết lấy họ Đinh. Những người thoát ly hoạt động cách mạng một số lấy họ Đinh, họ Phạm, họ Nguyễn, họ Trần, họ Lê... Những người dân thường xuyên đi sơ tán ở rừng núi để tránh địch bắt bớ trước những năm 1975 không có họ. Sau năm 1975, các huyện Ba Tơ, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành hầu hết lấy họ Phạm; huyện Sơn Hà, Minh Long (Quảng Ngãi), huyện An Lão (Bình Định) hầu hết lấy họ Đinh. 
Chị Phạm Thị Sanh ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) dạy con gái học và nói tiếng Hrê.     ảnh: T.L
Chị Phạm Thị Sanh ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) dạy con gái học và nói tiếng Hrê. ảnh: T.L
Để phân biệt tên con trai, tên con gái, có tên “phụ” dùng trước tên chính của người khi chưa có vợ có chồng. Con gái có tên “phụ” là Hy (Hrê Sơn Hà), Y (Hrê Ba Tơ). Ví dụ, cô gái tên Loan, khi người ta hỏi tên gì thì người trả lời phải nói tên “phụ” trước tên chính là Hy Loan (Sơn Hà), Y Loan (Ba Tơ). Con trai có tên “phụ” là Xăng (Hrê Sơn Hà), ‘Nhong (Hrê Ba Tơ). Tên “phụ” ’Nhong của người Hrê Ba Tơ chỉ dùng để phân biệt trai gái, không dùng trước tên chính như tên Xăng. Ví dụ, anh chàng tên Thương, người hỏi anh chàng đó tên gì? Người trả lời chỉ cần nói Thương là đủ, không cần phải nói ‘Nhong Thương.
 
Khi có con, người ta không xưng hô tên và tên phụ nữa mà xưng hô “chức cha chức mẹ”, vaq (cha), miq (mẹ) và kèm theo tên con sau đó. Ví dụ, anh chàng tên Thương, có con gái đầu lòng tên Ly. Khi xưng hô với anh Thương người ta không gọi tên Xăng Thương nữa mà gọi vaq Y Ly (cha bé Ly). Khi có cháu, người ta không xưng hô tên chức cha chức mẹ nữa mà xưng hô “chức ông chức bà”, voac (vock) (ông), yaq (bà) và kèm theo tên cháu sau đó. Ví dụ, anh Thương có con gái tên Y Ly, Y Ly có con gái đầu lòng tên Y Lan, người ta xưng hô với anh Thương là voac Y Lan.
 
Với người đã có tuổi (khoảng 40 tuổi trở lên), nếu chưa có vợ có chồng, chưa có con thì người ta cũng không xưng hô gọi tên của họ mà thường là xưng hô gọi theo tên cháu ruột của họ dhơôch (dhuych), là em của cha/mẹ; mih, là anh, chị của cha/mẹ. Ví dụ, anh Thương có cháu ruột con đầu lòng của người anh, hoặc người chị, tên Tuấn, khi xưng hô với anh Thương người ta không gọi tên Xăng Thương nữa mà gọi theo tên cháu là dhuych Tuấn (tức cậu, chú thằng Tuấn). Nếu là con của người em trai, em gái là mih Tuấn (tức cậu, bác của thằng Tuấn). Cách xưng hô như vậy có ý nghĩa là tôn trọng người đã có vợ có chồng, có con, có cháu, lễ phép với người lớn... Hiện nay, nhiều người cùng làng xã với nhau, khi làm việc tại cơ quan, giao tiếp ngoài xã hội người ta có thể xưng hô với nhau gọi tên khai sinh, nhưng khi về nhà, sinh hoạt ở làng quê, thì người ta xưng hô với nhau theo tập quán, nét văn hóa của họ, tức là không gọi tên mà gọi bằng chức cha, chức mẹ, thấy cũng hay hay...
 
Tên gọi xưng hô quan hệ trong gia đình: Ông cố, bà cố: “voac ko”, “yaq ko”; ông, bà: “voac”, “yaq”...
 
Cha, mẹ: “vaq”, “miq”. Anh, chị: “dhaq”; Em: “oh”; Con: “kon”...
 
Bên cạnh tên gọi xưng hô còn có từ “đệm” phải có, được sử dụng khi con cháu xưng hô với ông bà, cha mẹ, các cô, chú bác... trong gia đình cũng như khi giao tiếp xã hội, đó là từ “ih”. Ví dụ, con hỏi mẹ đi đâu đó: Miq, ih lam taleq ‘mat? (Mẹ, mẹ đi đâu đó?). Hỏi mẹ ăn cơm chưa: Miq, ih khôi kăq poa ‘nhôơq?... Hoặc em bé muốn hỏi tên của một người lớn tuổi chưa quen biết: Dhôơch/mih, ih ineq kleq?... (Chú/bác, chú/bác tên gì ạ?...). Từ này ở vùng Sơn Hà, không chỉ những người nhỏ tuổi mà ngay cả người lớn cũng được sử dụng khá phổ biến, nó vừa thể hiện sự kính trọng, vừa thân mật, gần gũi trong giao tiếp.
 
Bên cạnh tên gọi xưng hô còn có từ “đệm” phải có, được sử dụng khi dâu/rể xưng hô với ông bà, cha mẹ, các cô, cậu, dì, chú, bác của vợ, của chồng và ngược lại, đó là từ “pinh”. Ví dụ, cô dâu hỏi mẹ chồng đi đâu đó: Yaq, pinh lam taleq ‘mat? Hỏi anh chồng ăn cơm chưa: Mih, pinh khôi kaq poa ‘nhôơq?...
 
Trong quan hệ gia đình của người Hrê không có bên nội, bên ngoại, tất cả anh chị em được cha mẹ sinh ra, nuôi nấng (kể cả con nuôi) đều là “dhaq oh” (anh em), được xem như nhau. Tuy nhiên, trong quan hệ thứ bậc con cái, con đầu lòng và con út được cha mẹ coi trọng hơn những người con còn lại. “Dhaq oh” (anh em) nó khác với “oh dhaq” (em anh). “Oh dhaq”, là anh chị em con cô cậu chú bác. Còn “dhaq oh”, là anh chị em ruột, anh chị em cùng mẹ khác cha, cùng cha khác mẹ, con riêng, con nuôi...
 
MINH ĐÁT
 
 
 

.