Âm nhạc của tình yêu lớn

09:09, 10/09/2020
.
*Thanh Thảo
 
(Baoquangngai.vn)- Bạn tôi là một người say mê âm nhạc cách mạng (bây giờ ta hay gọi là “nhạc đỏ”) và anh đã chép tay rất nhiều ca khúc cách mạng của các nhạc sĩ Việt Nam, trong đó đặc biệt là những ca khúc của Phạm Tuyên mà anh rất yêu.
 
Bạn tôi, dù đã từng vượt Trường Sơn vào chiến trường Khu Năm, nhưng anh không hẳn là người chỉ thích âm nhạc ‘xông lên, xốc tới” rất phổ biến hồi ấy. Nhưng anh lại thích nhạc Phạm Tuyên, một nhạc sĩ hầu như chỉ sáng tác theo dòng “nhạc đỏ”. Vậy Phạm Tuyên phải có cái gì để rất nhiều người, qua suốt từ chiến tranh tới hòa bình, yêu thích âm nhạc của ông?
 
Cũng có một chút duyên riêng: Hồi nhỏ, khi học ở Khu học xá Nam Ninh-Trung Quốc, thì người thầy dạy nhạc của bạn tôi chính là nhạc sĩ Phạm Tuyên. Nhưng không phải vì “đạo thầy trò” mà trò ngưỡng mộ thầy, mà vì những ca khúc của Phạm Tuyên-hồi ấy là những ca khúc viết cho thiếu nhi-đã khiến đám học trò nhỏ chúng tôi say mê.  
 
 
Và khi chúng tôi lớn lên, gia nhập quân đội và thành những người lính đi chiến trường, thì âm nhạc của Phạm Tuyên theo suốt chúng tôi trên những chặng đường hành quân, nhất là trên những nẻo rừng Trường Sơn. 
 
Bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” là bài hát được chúng tôi hát nhiều nhất khi đi bộ xuyên rừng, khi bị những cơn sốt rét hành hạ. Chỉ là một chiếc gậy tre, nhưng “Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân/Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn/…”, giản dị thế thôi, mà biết bao người lính đã hát suốt dọc đường hành quân gian khổ.
 
Âm nhạc ấy có một cái gì thật lạ.  
 
Vào chiến trường Nam Bộ, tôi nhớ, khoảng tháng 12 năm 1972 ở ven lộ Bốn Mỹ Tho, khi nghe đài báo tin B52 Mỹ ném bom Hà Nội, tôi đã bật khóc. Tôi khóc vì đã biết về sự tàn khốc của bom rải thảm B52, vì thương Hà Nội và cũng vì ở Hà Nội còn cha mẹ mình, không biết có kịp sơ tán hay chưa.
 
Nhưng, điều gây xúc động lớn cho tôi còn hơn cả tin B52 ném bom Hà Nội lại chính là khi tôi được nghe, qua sóng của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, bài hát của Phạm Tuyên: “B52 tan xác rơi trên bầu trời/Hào khí Thăng Long sáng lên ngời ngời/…”, bài hát do nghệ sĩ Trần Khánh và hợp ca của Đài tiếng nói Việt Nam thể hiện, ngay khi B52 đang ném bom rải thảm xuống Hà Nội.
 
Âm nhạc ấy dựng người Việt Nam đứng thẳng dậy trong cuộc chiến đấu sinh tử, vậy mà giai điệu của nó tha thiết đến lạ lùng:
 
“Hà Nội ơi, dẫu phố phường bị giặc tàn phá đau thương
Ta bước trên đầu thù
Tự hào thay dáng đứng Việt Nam
Một Điện Biên sáng chói, Hà Nội ơi”
 
Nỗi đau được nén lại đến tột cùng, và hùng khí của một dân tộc cũng được đẩy lên tới tột đỉnh. Những ai đã sống đúng thời điểm ấy mới cảm thấy hết cái lay động của ca khúc này mà Phạm Tuyên cho biết là ông đã sáng tác ngay tại căn hầm tránh bom của Đài Tiếng nói Việt Nam, và khi vừa viết xong đã được các ca sĩ của Đài thực hiện ngay và đưa lên sóng phát thanh. 
 
Như một người lính, tôi mang ơn Phạm Tuyên vì ca khúc ấy của ông, nó đã khiến tôi yên lòng khi nghĩ về Hà Nội và những người thân yêu của mình đang dưới tầm bom hủy diệt. Âm nhạc có thể khiến ta không chỉ cảm xúc, mà còn giữ cho ta niềm tin và hy vọng. 
 
Gần như suốt cuộc đời sáng tác âm nhạc của mình, Phạm Tuyên chỉ viết những bài hát về tình yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu cuộc sống bình dị, yêu những em bé ngây thơ, yêu những người lính xả thân vì nước. Âm nhạc ấy, sau này người ta gọi là “Nhạc đỏ”. Có một bài hát của Phạm Tuyên rất được phổ biến từ lâu lắm, tận những tháng ngày chiến tranh chống Mỹ, đó là ca khúc “Từ một ngã tư đường phố”:
 
“Chào cuộc sống mới từ nơi ngã tư này
Hình ảnh của quê hương vươn mình đấu tranh dựng xây
Chào những chị công nhân tan ca về
Nhịp bước nhanh nhanh đi trên vỉa hè
Hoà nhịp xe qua tiếng nhạc vút lên gần xa
 
Giữa ngày chống Mỹ niềm tha thiết dâng đêm ngày
Còi tàu vang đâu đây khói nhà máy in trời mây
Chào những chàng trai ra đi chiến trường
Hẹn với quê hương hết giặc mới về
Từng nhịp xe qua trong ngàn ánh mắt yêu thương
 
Từ một ngã tư nhỏ bé, đã thấy tương lai đang về
Trong mỗi dáng người ngẩng đầu cao bước nhanh đi trên hè
Mời bạn về thăm quê tôi đúng tại ngã tư này đây
Mà nghe khúc nhạc trong sáng thiết tha nồng say
 
Chào cuộc sống mới từ trong ánh dương chan hoà
Lòng đường dẫn ta đi xây dựng nước non của ta
Chào những đàn em đeo khăn quàng đỏ
Nhịp bước tung tăng bước đi hát hò
Màu đỏ khăn em sáng cả ngã tư này đây”
 
Từ một ngã tư bình thường đã ngời lên hình ảnh của cả một đất nước một dân tộc đang đấu tranh và xây dựng, của một nhân dân hồn nhiên chịu đựng mọi gian khổ mà lòng hằng tin một ngày mai hòa bình và an lạc. Khi đưa lên youtube, bài hát này được rất nhiều người comments tán thưởng, tôi nhớ trong đó có một comment khẳng định đây là một trong những bài hát hay nhất thời chống Mỹ.
 
Thời chống Mỹ có quá nhiều bài hát hay, nhưng tôi công nhận, đây là bài hát trong chiến tranh mà ta nghe được tiếng reo vui của cuộc sống bình thường, một cuộc sống bất diệt dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
 
Âm nhạc Phạm Tuyên, bình dị mà lạ lùng thế đấy.
 
 
Suốt cuộc đời sáng tác âm nhạc hơn 60 năm của mình, Phạm Tuyên đã thuộc hoàn toàn về Cách mạng, và âm nhạc của ông xứng đáng là “một tượng đài bằng âm thanh” của Cách mạng và những cuộc chiến tranh Vệ quốc. 
 
Khi 60 vạn quân xâm lược Trung Quốc tràn qua 6 tỉnh phía Bắc Việt Nam vào tháng 2 năm 1979, lập tức trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên giai điệu mãnh liệt của ca khúc “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”. Đó là một trong số ít bài hát hay nhất, xúc động nhất, kêu gọi nhất khi đất nước ta lại phải đương đầu với quân xâm lược phương Bắc. 
 
Có thể Phạm Tuyên còn viết nhiều ca khúc hay về tình yêu, về cuộc sống bình thường, nhưng tôi có cảm giác, phần chính yếu trong âm nhạc của ông là những bài hát về lòng yêu nước, về thân phận của một dân tộc muốn bảo vệ nền Độc lập của mình thì phải chấp nhận nén chặt đau thương để sống còn. Âm hưởng của nhạc Phạm Tuyên là âm hưởng của “bi kịch lạc quan” theo nghĩa đẹp đẽ nhất của thuật ngữ đầy đối chọi này.
 
Và vượt qua tất cả, ta nghe từ trong những tác phẩm âm nhạc Phạm Tuyên, vang lên giai điệu của tình yêu. Một tình yêu lớn./. 
 
 

.